Khung cảnh giao thương được tái hiện trong chương trình Lễ hội sông nước TPHCM lần thứ nhất năm 2023 tối 4/8 - Ảnh: Quốc Thái |
Du khách buộc lòng đi ngủ sớm
Anh Micheal Dowling - quốc tịch Úc - cho hay, sau khi trải nghiệm 2 đêm lưu trú ở TPHCM trong tour xuyên Việt (TPHCM - Đà Nẵng - Huế - Hội An - Hà Nội), anh ấn tượng với TPHCM về đồ ăn ngon và các công trình kiến trúc. Tuy nhiên, anh không có cơ hội trải nghiệm các hoạt động về đêm của TPHCM. “Chỉ hơn 22g là gần như đường phố vắng vẻ nên tôi thường chọn đi ngủ sớm. Ngoài ra, đường ở TPHCM quá nhiều xe, nhiều rác và ít cây xanh” - anh Micheal Dowling nhận xét.
Anh Martin - quốc tịch Đức - cũng cho rằng, TPHCM không có gì để vui chơi vào ban đêm: “Do đó, ban đêm, phần lớn chúng tôi chọn ăn uống, thưởng thức các sản vật địa phương. Nhưng cũng ít quán ăn hợp khẩu vị chúng tôi”.
Theo chị Christine - quốc tịch Philippines - người dân ở trung tâm TPHCM nói tiếng Anh tốt, các dịch vụ, sản phẩm trên đường phố hay trong các chợ đêm rẻ hơn so với những thành phố khác ở Đông Nam Á. Nhưng quy mô chợ đêm ở TPHCM quá bé nhỏ so với chợ đêm ở các thành phố của Thái Lan. Chị so sánh: “Nhiều lần đến Thái Lan, tôi vẫn chưa đi hết các khu chợ đêm bởi số chợ nhiều, mặt hàng phong phú. TPHCM có ít chợ đêm, hàng hóa cũng không đặc sắc và đa dạng nên tôi ít mua sắm”.
Các dịch vụ ban đêm ở TP Hội An chủ yếu diễn ra ở bên sông Hoài và khu phố cổ - Ảnh: Đình Dũng |
Ông An Sơn Lâm - Giám đốc Công ty Thuyền buồm Đông Dương - cho hay, nếu không bị giới hạn thời gian hoạt động, ông sẽ tổ chức các bar, club trên sông sau 22g thay vì chỉ phục vụ bữa ăn tối trên du thuyền.
Cần những điểm hoạt động xuyên đêm
Ông Nguyễn Minh Mẫn - Giám đốc truyền thông Công ty cổ phần Dịch vụ Du lịch và Thương mại TST (TST Tourist) - cho rằng, để xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với kinh tế đêm (KTĐ), cần xây dựng các địa điểm cung cấp dịch vụ trước và sau 22g. Những khu vực phục vụ xuyên đêm phải nằm ngoài khu dân cư, tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt của cộng đồng cư dân. Các địa điểm được hoạt động xuyên đêm này mới kích thích được sự tham gia đầu tư của nhiều thành phần.
Phố đêm Hai Bà Trưng ở TP Huế hứa hẹn sẽ mang đến những trải nghiệm mới cho du khách, tăng thêm nguồn thu cho ngân sách - Ảnh: Thuận Hóa |
Theo ông, ở TPHCM, những khu vực có đủ điều kiện để hình thành các tổ hợp dịch vụ ban đêm mà không ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư là khu Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) và bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh) do chúng tương đối biệt lập. Trong đó, có thể xây dựng hệ thống cầu tàu ở bán đảo Thanh Đa để phát triển các sản phẩm du lịch cả đường sông lẫn đường bộ. Ở khu đô thị Thủ Thiêm, bên cạnh các dịch vụ ăn uống, vui chơi, có thể tổ chức các chương trình hội thảo, hội nghị hoặc hội chợ vào ban đêm.
Bà Phan Yến Ly - chuyên gia thiết kế sản phẩm du lịch TPHCM - cho rằng, mô hình KTĐ bền vững, đúng chuẩn phải bao gồm nhiều hoạt động như vui chơi, mua sắm, trải nghiệm ẩm thực, văn hóa nghệ thuật. TPHCM có 2 khu vực có thể phát triển mô hình KTĐ mang nét riêng là bến Bạch Đằng (quận 1) và khu Chợ Lớn (các quận 5, 6 và 11).
Ở bến Bạch Đằng, cần tập trung xây dựng mô hình “trên bến dưới thuyền”, kết nối các trục đường trung tâm. Để hình thành tổ hợp, cần đầu tư thêm các dịch vụ ẩm thực, mua sắm, biểu diễn nghệ thuật hằng đêm, các sản phẩm du lịch đường sông về đêm. Ở khu Chợ Lớn, cần đẩy mạnh các loại hình ẩm thực, mua sắm, nghệ thuật gắn với cộng đồng cư dân bản địa, lấy khu vực chợ Bình Tây làm điểm chính mua sắm về đêm. Nếu được đầu tư, tổ chức tốt, khu vực Chợ Lớn sẽ giúp giảm tải lượng khách cho khu vực trung tâm.
Theo khảo sát của Sở Du lịch TPHCM năm 2019, có 8% du khách quốc tế và 35% khách nội địa đến TPHCM để giải trí ban đêm. Trong đó, du khách quốc tế đóng góp 5% và khách nội địa đóng góp 15% doanh thu ngành du lịch.
Cần sự đầu tư đồng bộ
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó giám đốc Sở Du lịch TPHCM - cho hay, TPHCM hiện có gần 32.000 cơ sở làm dịch vụ ăn uống, bao gồm cả quán ăn đường phố. Nắm bắt thế mạnh này, thời gian qua, ngành du lịch TPHCM đã thúc đẩy các hoạt động KTĐ, như kết nối lịch trình tham quan thành phố bằng xe buýt 2 tầng với dịch vụ ăn uống, tổ chức ẩm thực trên du thuyền trên sông Sài Gòn, tổ chức khu giải trí kết hợp ăn uống ở khu trung tâm.
“Chi tiêu của du khách vào ban đêm chiếm khoảng 70% mức chi tiêu trong ngày của du khách là do ban ngày, họ chủ yếu đi tham quan các địa danh theo chương trình, ăn uống theo chương trình có sẵn và được tính trong chi phí tour trọn gói. Đến buổi tối, du khách mới có thời gian đi chơi tự do ngoài chương trình để khám phá văn hóa, ẩm thực và các hoạt động khác” - bà Bùi Thị Ngọc Hiếu phân tích.
Do đó, theo bà, trong chiến lược phát triển du lịch TPHCM đến năm 2030, UBND TPHCM xác định, hoạt động giải trí về đêm là 1 trong 3 sản phẩm du lịch thu hút du khách nhất, bên cạnh trải nghiệm văn hóa - lịch sử và ẩm thực. Hoạt động du lịch đêm ở TPHCM có nhiều thuận lợi do các hoạt động gắn với kinh tế ban đêm đã được hình thành và phát triển từ sớm và rất ổn định.
Ngày 14/7/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra Quyết định số 1894/QĐ-BVHTTDL ban hành đề án “Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm”. Theo đó, đến năm 2025, 12 địa phương trong nước có tối thiểu 1 mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm; hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt ở TP Hà Nội, TP Đà Nẵng, TPHCM.
Ông Trần Thế Dũng - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lữ hành Vietluxtour - đánh giá, các dịch vụ vui chơi về đêm ở TPHCM, đặc biệt là sau 22g, khá ít và rời rạc. Sự đầu tư thiếu đồng bộ và bài bản sẽ tạo cho du khách cảm giác bất an về đêm khi trải nghiệm du lịch. Du khách thường có xu hướng ngủ ít hơn, chi tiêu nhiều hơn về đêm nên Sở Du lịch TPHCM cần có quy hoạch tổng thể du lịch về đêm để doanh nghiệp đưa vào chương trình tour, gợi ý và giới thiệu cho du khách.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu cho rằng, khó khăn lớn nhất khi triển khai các sản phẩm du lịch về đêm là việc phối hợp đồng bộ giữa chính quyền, đơn vị kinh doanh và người dân: “Có thể sẽ có quy định riêng về sản phẩm ưu tiên phát triển ban đêm, thời gian hoạt động, tiêu chuẩn hoạt động của doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể tham gia kinh tế ban đêm, trách nhiệm và thẩm quyền của các cơ quan nhà nước trong việc quản lý hoạt động KTĐ”.
Cũng theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, thời gian tới, sở sẽ tập trung xây dựng đề án “Khuyến khích đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn TPHCM” để huy động các bảo tàng, khu di tích, địa điểm du lịch tổ chức các chương trình tham quan, trải nghiệm đặc sắc, hấp dẫn phục vụ du khách về đêm; khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành phối hợp với các điểm đến tổ chức các chương trình du lịch phục vụ khách vào ban đêm.
Trên 3/4 du khách lưu trú ở Huế dưới 2 đêm 6 tháng qua, lượng khách du lịch đến tỉnh Thừa Thiên - Huế đạt khoảng hơn 1,64 triệu lượt, trong đó có 567.216 lượt khách quốc tế, tăng nhiều so với năm 2022. Tuy vậy, số khách lưu trú ở Huế từ 2 đêm trở lên chỉ chiếm chưa đến 1/4 tổng số du khách. Hiện tại, chính quyền địa phương đang triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh dịch vụ du lịch về đêm nhằm “níu chân” du khách. Cụ thể, cuối tháng 3/2023, UBND TP Huế đã đưa vào hoạt động phố đi bộ Hai Bà Trưng. Đây là phố đi bộ thứ ba ở trung tâm TP Huế, sau phố đi bộ Chu Văn An - Phạm Ngũ Lão - Võ Thị Sáu (du khách thường gọi là “phố Tây”) và phố đi bộ Hoàng thành Huế. Phố đi bộ Hai Bà Trưng được lát đá từ lòng đường đến vỉa hè, trồng cây xanh, ngầm hóa hệ thống điện, xây hồ phun nước… với tổng kinh phí đầu tư 97 tỉ đồng. Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cũng đang xây dựng kế hoạch để mở cửa lại Đại Nội về đêm. Thuận Hóa |
Quốc Thái
Xem thêm: lmth.4948941a-hcil-ud-hcahk-tuh-uht-ed-med-et-hnik-yad-cuht/nv.moc.enilnounuhp.www