Đây được xem là buổi tập huấn dạy học môn khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý lớp 8 của chương trình mới (chương trình giáo dục phổ thông 2018).
Mổ xẻ chuyên môn
Tại buổi chia sẻ cùng đồng nghiệp, đại diện các trường THCS thay phiên chia sẻ về kế hoạch bài dạy (trước đây gọi là giáo án) của đơn vị mình. Sau đó, họ sẽ cùng thảo luận, đóng góp ý kiến, nêu những băn khoăn về các bài dạy ấy.
Hàng loạt thắc mắc đã được nêu ra tại buổi chia sẻ. Chẳng hạn như ví dụ minh họa chưa chính xác, bài dạy đưa ra quá nhiều thí nghiệm không cần thiết, sách giáo khoa không nói rõ vấn đề…
Cuối mỗi phần tranh luận, tổ bộ môn của Phòng GD-ĐT quận Tân Bình (bao gồm một số cán bộ, chuyên viên và giáo viên giỏi) sẽ gút lại vấn đề như: sách giáo khoa chỉ là tài liệu tham khảo, giáo viên không nên quá phụ thuộc vào sách giáo khoa; cần chọn lọc những thí nghiệm dễ thao tác, cho ra kết quả nhanh nhất, minh chứng vấn đề một cách cụ thể, rõ ràng để học sinh hiểu bài và nhớ bài…
Buổi tập huấn cũng không thiếu tiếng cười khi một giáo viên Trường THCS Tân Bình chia sẻ về bài dạy ôn tập môn khoa học tự nhiên.
Trong đó, giáo viên sẽ dùng phương pháp giải mật thư; yêu cầu học sinh dùng ngôn ngữ hình thể để trả lời câu hỏi ôn tập…Theo ông Phan Văn Quang - phó trưởng Phòng GD-ĐT quận Tân Bình, hoạt động "chia sẻ cùng đồng nghiệp" đã được quận Tân Bình thực hiện từ năm đầu tiên triển khai dạy chương trình mới ở các trường THCS.
"Năm 2021 chúng tôi triển khai chia sẻ cùng đồng nghiệp về kế hoạch bài dạy lớp 6. Năm 2022 chia sẻ về kế hoạch bài dạy lớp 7 và năm nay là lớp 8. Chia sẻ cùng đồng nghiệp được thực hiện ở tất cả các môn chứ không chỉ khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý" - ông Quang cho biết.
Tự tin dạy chương trình mới
Cũng theo ông Quang, quy trình này diễn ra theo nhiều giai đoạn. Đầu tiên, Phòng GD-ĐT phân công mỗi trường THCS xây dựng kế hoạch bài dạy ở một số chủ đề của bộ môn.
Việc phân công đảm bảo các trường trong quận sẽ xây dựng được 100% bài dạy theo chương trình. Công tác này thường được triển khai vào đầu tháng 6 mỗi năm. Các giáo viên sẽ có thời gian từ 1,5 - 2 tháng để hoàn thành kế hoạch được phân công, sau đó gửi về tổ bộ môn của Phòng GD-ĐT.
Tiếp theo Phòng GD-ĐT sẽ xem, góp ý kế hoạch trên và gởi cho giáo viên các trường tham khảo trước. Sau đó sẽ là một buổi chia sẻ cùng đồng nghiệp.
Buổi này yêu cầu tất cả giáo viên bộ môn phải tham gia trực tiếp, cùng lắng nghe và thảo luận về kế hoạch dạy học các chủ đề.
Sau buổi chia sẻ này, tổ bộ môn của Phòng GD-ĐT sẽ chỉnh sửa lại lần cuối rồi gửi bản thống nhất về cho các trường THCS trong quận.
"Với cách làm này, bước vào năm học mới giáo viên đã có kế hoạch bài dạy của các chủ đề trong chương trình bộ môn mình phụ trách. Phần còn lại, thầy cô giáo sẽ bổ sung, gia giảm về phương pháp, hình thức, phương tiện dạy học sao cho phù hợp với trình độ, năng lực của học sinh lớp mình.
Sau hai năm thực hiện, các thầy cô đã tự tin hơn khi đứng lớp dạy chương trình mới, đặc biệt là môn khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý" - ông Quang nói.
Giáo viên thấy "nhẹ gánh"
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, đa số giáo viên ở quận Tân Bình đều thẳng thắn thừa nhận là có khó khăn khi dạy môn tích hợp.
Tuy nhiên, cô Lê Thị Phương Đông - giáo viên Trường THCS Nguyễn Gia Thiều - nói: "Tôi được đào tạo để dạy lý, nay phải dạy cả hóa và sinh đương nhiên sẽ vất vả hơn trước. Nhưng thay vì ngồi than thở thì hãy cố gắng tìm một lối đi ổn nhất trong bối cảnh nhiều khó khăn".
Cô Nguyễn Thị Ngọc Oanh - giáo viên Trường THCS Tân Bình - tâm sự: "Thực sự lúc đầu tôi cảm thấy không tự tin. Gốc của tôi là giáo viên hóa.
Vì thế tôi lo lắng mình sẽ không liên kết được kiến thức của lý, hóa, sinh trong khoa học tự nhiên.
Đã vậy, yêu cầu của Bộ GD-ĐT về kế hoạch bài dạy quá chi tiết, không giống như việc soạn giáo án ngày xưa.
Nhưng với cách làm của Phòng GD-ĐT, chúng tôi nhẹ gánh hơn rất nhiều".
Tương tự, thầy giáo trẻ Lê Quốc Thắng - giáo viên môn khoa học tự nhiên, Trường THCS Trần Văn Quang - bộc bạch:
"Từ kế hoạch bài dạy của Phòng GD-ĐT gởi xuống, tổ chuyên môn của trường liên tục họp rút kinh nghiệm với phương châm dạy cho học sinh hiểu và yêu thích bộ môn chứ không phải đối phó với chương trình. Thế nên, trước khi lên lớp, có vấn đề gì còn chưa rõ đồng nghiệp chúng tôi sẽ giải đáp cho nhau.
Ví dụ tôi là giáo viên hóa, chưa rõ phần nội dung về sinh thì giáo viên gốc môn sinh sẽ giải đáp và ngược lại. Sau khi dạy, chúng tôi cũng rút kinh nghiệm tiếp như học sinh tiếp nhận như thế nào, có cần thêm buổi ôn tập nữa không…
Tôi đã có kinh nghiệm dạy khoa học tự nhiên được hai năm nên năm nay khá tự tin. Dĩ nhiên, tôi cũng biết rằng mình và các đồng nghiệp phải liên tục học hỏi…".
Tiếp tục thực hiện trong năm 2024
Dự kiến năm 2024 quận Tân Bình sẽ tiếp tục thực hiện "Chia sẻ cùng đồng nghiệp" với kế hoạch bài dạy các môn học của lớp 9.
Hai năm qua và những năm sắp tới quận Tân Bình sẽ tiếp tục phân công một giáo viên phụ trách môn khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý chứ không tách riêng để mỗi giáo viên dạy mỗi phân môn lý, hóa, sinh, sử, địa...
Dạy môn tích hợp ở chương trình giáo dục mới tiếp tục là đề tài bàn tán sôi nổi của bạn đọc. Nhiều ý kiến đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xem lại, bởi không chỉ gây khó cho giáo viên mà học sinh cũng khốn khổ.