Số nhân viên y tế nghỉ việc giảm được đánh giá là thông tin tích cực vừa được Sở Y tế TP.HCM công bố.
Trước đó, tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành, số nhân viên y tế xin nghỉ việc đáng báo động.
Theo ông Nguyễn Hải Nam - phó chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, sau thời gian chống dịch COVID-19, các cơ sở y tế công lập phải đối mặt với tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc. Năm 2022 tăng 177% so với năm 2019 (thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19).
Từ đầu năm đến ngày 10-8, số lượng viên chức nghỉ việc là 547 người, trong đó có 202 bác sĩ, 239 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y.
Số lượng viên chức nghỉ việc 8 tháng đầu năm 2023 có xu hướng giảm so với số lượng nghỉ việc năm 2022 là 1.523 viên chức (trong đó 362 bác sĩ, 816 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y).
Có nhiều lý do khiến viên chức nghỉ việc năm 2022, như áp lực công việc cao, không đảm bảo sức khỏe làm việc, sức khỏe suy giảm sau dịch COVID-19, đơn vị công tác xa nhà, tập trung thời gian học sau đại học, muốn thay đổi môi trường làm việc, mức thu nhập thấp so với nơi làm việc khác.
Bên cạnh những nhân viên y tế đã nghỉ việc là những người trẻ có thâm niên công tác dưới 5 năm, còn có một số nhân viên y tế có trình độ kỹ thuật chuyên môn cao và nhiều kinh nghiệm.
Số lượng người làm việc của đơn vị y tế công lập tính đến ngày 10-8 là 43.494 người (bao gồm trung tâm y tế quận, huyện và TP Thủ Đức), tăng 2.070 người so với thời điểm 31-12-2022.
Bên cạnh giải pháp tổ chức “Ngày hội việc làm” dành cho các bác sĩ vừa hoàn thành chương trình thí điểm thực hành tại bệnh viện gắn liền với trạm y tế, ngành y tế TP đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để từng bước khắc phục tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc.
Đồng thời thực hiện các chính sách cải thiện thu nhập của Chính phủ và thành phố đối với công chức, viên chức, như tăng hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm ở mức 1,8 lần tiền lương từ đầu năm 2023 và tăng mức lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng từ tháng 7 năm 2023.
5 tháng có 77 cơ sở y tế bị xử phạt
Phó chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hải Nam cho biết thông qua nhiều kênh, Sở Y tế TP.HCM đã chủ động nắm thông tin về các bệnh viện, phòng khám, các đợt thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, theo chuyên đề, kiểm tra đột xuất; công tác tiếp dân, đơn thư từ người dân; phản ánh của báo chí và người dân.
Trong 5 tháng đầu năm đã kiểm tra 67 cơ sở, ra 77 quyết định xử phạt với tổng số tiền phạt gần 4,5 tỉ đồng, tước giấy phép hoạt động có thời hạn đối với 2 cơ sở, tước chứng chỉ hành nghề có thời hạn đối với 5 cá nhân; đình chỉ hoạt động 33 cơ sở, buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa nội dung quảng cáo đối với 17 cơ sở.
TTO - Đó là thực trạng được nêu ra tại Hội nghị “Đào tạo nhân lực y tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long” tổ chức tại Trường Đại học Y Dược Cần Thơ ngày 1-8.