Sau khi hàng loạt công nhân trả phòng về quê do cắt giảm việc làm liên tiếp thời gian qua, tấm bảng cho thuê phòng xuất hiện ngày một dày đặc. Nỗi lo cuộc sống hiện rõ trong ánh mắt những công nhân còn trụ lại nhưng nhiều tháng liền bị giảm giờ làm, quên mất "mùi" tăng ca để có thêm thu nhập...
Cố bám trụ
Ngồi rầu rĩ ở hàng ghế đá trước phòng trọ, chị Nguyễn Thị Thảo (35 tuổi, quê Đồng Tháp) kể 17 năm sống đời công nhân, chưa bao giờ thấy thu nhập bị giảm sút như hiện nay. Sau dịch COVID-19, tần suất tăng ca của chị giảm dần.
Là công nhân may mặc của Công ty PouYuen (quận Bình Tân), chị Thảo kể từ sau Tết đến nay không còn được làm thêm giờ, cả ngày thứ sáu và thứ bảy nay cũng trở thành ngày nghỉ.
Dù không thất nghiệp song đồng lương bấp bênh vì bị giảm giờ làm khiến việc ăn học của đứa con 8 tuổi trở thành nỗi lo lắng thường trực trong chị.
Theo lời những người thuê trọ quanh khu vực này, thời gian qua những buổi tiệc chia tay diễn ra liên tục, chóng vánh khi hàng loạt công nhân quyết định trả phòng về quê sau các đợt cắt giảm lao động.
Một vài công nhân thất nghiệp khác đang cố bám trụ, chuyển sang phụ hồ, bưng bê hay làm một số công việc tự do.
Ngay cả việc buôn bán của những người gánh hàng rong, bán vé số quanh "thủ phủ nhà trọ" nay cũng điêu đứng vì ế ẩm. "Lúc trước phòng trọ ở đây người ta thuê đầy, mấy người tới hỏi không còn chỗ cho thuê luôn. Còn giờ phòng trống nhiều dữ lắm", chị Thảo hướng mắt vào dãy trọ của mình, cho biết.
Tương tự, tình cảnh việc làm của ông Trần Văn Hòa (55 tuổi) cũng chẳng tốt hơn. Ông Hòa sống cùng con hẻm trọ với chị Thảo.
Ông chia sẻ xưởng mình làm việc bị đóng cửa từ ngày 20-5, ước chừng có hơn 70% lao động bị cắt giảm, 30% còn lại được chuyển sang các xưởng khác làm việc. May mắn vẫn tiếp tục làm việc ở công ty song ông Hòa bị cắt giảm giờ làm, chỉ còn làm việc 4 ngày/tuần.
Nghe hỏi đến việc tăng ca, người đàn ông này xua tay: "Giờ làm còn không có lấy đâu ra giờ tăng ca!". Vợ ông Hòa làm cùng công ty cũng chẳng khá khẩm hơn ông là mấy...
Ngày trẻ, vợ chồng ông Hòa rời quê nhà Thanh Hóa vào Sài Gòn lập nghiệp. Sau hơn 15 năm làm việc tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, số tiền dư ra hằng tháng vợ chồng đều dành hết chăm lo cho ba đứa con nhỏ ăn học.
Ông nhớ lại khoảng hơn chục năm về trước, làm công nhân chỉ cực chân tay nhưng thoải mái đầu óc. Nhưng nay làm công nhân nghĩa là sống trong nỗi thấp thỏm vì không biết khi nào rơi vào cảnh thất nghiệp, không liệu trước được thu nhập hằng tháng.
100.000 đồng xài trong... một tuần
Cách xa nơi ở của ông Hòa, trong căn trọ nhỏ ở hẻm 44 đường Bùi Văn Ba (quận 7), vợ chồng chị Thùy Linh (26 tuổi, quê Sóc Trăng) cũng đang loay hoay tìm thêm sinh kế.
Là công nhân công ty sản xuất quạt công nghiệp xuất khẩu trong Khu chế xuất Tân Thuận, từ đầu tháng 7, do không có đơn hàng mới nên chị Linh ra về lúc 5h chiều, thay vì tăng ca đến 9h - 10h tối như nhiều tháng trước.
Trong khi đó, chồng chị Linh từ đầu năm đến nay thất nghiệp, thu nhập không thể lo nổi cho chính mình. Anh đi xin việc nhiều nơi nhưng bị từ chối do các công ty đều cắt giảm, nơi nhận làm thời vụ được hai tháng thì chủ nợ lương do "tình hình kinh doanh khó khăn quá". Gánh nặng tiền trọ, ăn uống và gửi về quê nuôi con đều dồn lên vai người vợ gầy gò.
Chị Linh cho biết nếu tăng ca và làm luôn chủ nhật, thu nhập mỗi tháng khoảng 11 triệu đồng, nếu không chỉ nhận lương cơ bản khoảng 5,5 triệu, cùng vài trăm nghìn tiền phụ cấp, chuyên cần.
Sau khi đóng tiền trọ, chị Linh chừa lại trong túi chừng 1 triệu đồng xài trong một tháng.
Còn lại gửi về quê nuôi hai đứa con gái đang ở cùng ông bà ngoại, và nhờ bà dành dụm để sang năm đóng tiền học mẫu giáo cho con đầu.
Tháng trước, chị Linh và một số đồng nghiệp được công ty đưa đón xuống phân xưởng ở Long An làm, mỗi ngày tăng ca hai tiếng nên lãnh được 7,2 triệu đồng.
Còn tháng này, công ty thông báo chỉ trả lương cơ bản kèm phụ cấp. Nhẩm tính sau khi trừ các khoản phải chi nhưng chưa tính trả nợ, chị còn trong túi chưa tới 1 triệu đồng và phải xài số tiền đó trong một tháng.
Chạy ăn từng ngày, chị Linh tâm sự mình xài 100.000 đồng trong... một tuần. "Tôi vẫn nấu cơm ăn ở nhà, mang theo đi làm nhưng lựa đồ nào rẻ thì ăn, hạn chế thịt cá, rồi ăn ít lại. Gạo mua loại 11.000 đồng/kg, bữa nào hết gạo thì ăn mì gói thay cơm. Tôi mua một bịch trà nhỏ để pha trà đường mang theo đi làm uống cả ngày để khỏi mua nước bên ngoài, cũng không ăn vặt", chị nói.
Mới đây, khảo sát do Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) thực hiện cho thấy có 2,2% người lao động cho biết chưa từng mua sữa công thức cho con dưới 6 tuổi, và chị Linh nằm trong số đó.
Chồng không làm ra tiền, một mình chị phải cáng đáng hết nên đứa con gái thứ hai sau khi cai sữa để mẹ đi làm, từ 6 tháng tuổi, bé đã phải uống sữa tươi bịch giấy. Chị ngậm ngùi: "Tháng nào tôi có tiền gửi về nhiều chút thì hai con mới có được một, hai hộp sữa bột uống".
Chắt chiu từng đồng
Để xoay xở nồi cơm, chị Linh từng bán bánh online nhằm kiếm thêm thu nhập, nhưng do nhiều người cùng bán nên ế ẩm, lỗ lã, buộc phải nghỉ. "Cái gì làm được là tôi làm hết nhưng khó ăn lắm", chị nói.
Hiện tại, chị gắng cầm cự giữ việc công ty và chị vẫn thấy mình may mắn hơn nhiều người vì chưa đến mức thất nghiệp.
"Tôi đang đợi đến tháng 10, một xưởng làm lịch Tết họ mới bắt đầu tuyển để xin làm thời vụ. Lúc đó làm ở công ty quạt tới 5h chiều về thì 6h qua xưởng lịch làm tới 10h. Làm 4 tiếng 100.000 đồng, mỗi tháng 3 triệu cũng đỡ cho mình, cho con nhỏ biết bao", chị chia sẻ.
Trong khi đó, ở giai đoạn khó khăn, thị trường lao động - việc làm có nhiều biến động, ông Hòa căn dặn vợ cố gói ghém sinh hoạt, chi tiêu trong gia đình để tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó.
"Trong xưởng truyền tai nhau còn đợt cắt giảm nhân sự tháng 9 tới. Với tôi thì còn đi làm được ngày nào hay ngày đó, lo quá cũng không thay đổi được gì. Nếu thất nghiệp thì về quê làm ruộng, nuôi bò", ông Hòa chia sẻ.
Giữa lúc bị giảm thu nhập nhưng chưa mất việc, nhiều người chỉ biết chắt chiu từng đồng, gói ghém hết mức để lo chén cơm cho cả nhà, học phí cho con cái.
Tìm việc làm thêm
Không chỉ công nhân, lao động tự do, nhiều người thuộc dân văn phòng, trí thức cũng tìm cách vượt "bão" khó khăn về việc làm.
Là nhân viên một công ty truyền thông, hơn năm tháng nay trong lúc bị giảm lương, cắt thưởng, anh Đỗ Hoàng Duy (25 tuổi, ngụ quận Bình Tân) nhận thêm một vài việc bên ngoài như thiết kế hình ảnh, dựng clip cho vài doanh nghiệp nhỏ mà anh quen biết.
Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có việc để làm do những nơi này cũng lựa chọn giảm tiền chi cho quảng cáo để đỡ chi phí.
Duy kể một số bạn anh tìm thêm một, hai việc thời vụ khác để xoay xở lúc này. Người nhận thêm các đầu việc bên ngoài để làm bằng chuyên môn như anh, người bán hàng online, người thì hùn hạp bạn bè mở loại hình cà phê mang đi…
Đã có 509.903 người lao động bị ảnh hưởng việc làm như mất việc, thôi việc, giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ không lương tính đến ngày 31-5.