7 bước triển khai đô thị theo mô hình TOD
TOD (Transit Oriented Development) là mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng, tạo điều kiện cho việc gia tăng mật độ dân cư, phù hợp với những TP lớn.
Ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết TP cũng đã chủ động đề xuất mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (mô hình TOD) mấy năm qua.
Trong quá trình triển khai dự án metro số 1 và vành đai 3, các sở ngành cũng đã rà soát các khu đất quanh nhà ga, vùng phụ cận.
"Đến nay, nghị quyết đã mở ra cơ chế cho TP triển khai dọc tuyến vành đai 3 và các tuyến đường sắt đô thị. Để thực hiện các dự án đầu tư công độc lập nhằm thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thu hồi đất, phát triển đô thị, Sở Giao thông vận tải TP đã đề xuất trình tự thực hiện theo 7 bước", ông Lâm nói.
Theo ông Lâm, thời gian thực hiện nghị quyết 98 chỉ trong 5 năm, vì vậy TP sẽ triển khai theo hai giai đoạn.
Giai đoạn 1 sẽ triển khai ở tuyến metro số 1 và các nút giao vành đai 3 TP.HCM. Hiện các nhà ga, nút giao hai dự án này đã được xác định và có cơ sở pháp lý rõ ràng. Do đó, TP có thể triển khai thực hiện ngay một số dự án thí điểm.
TP đang xây dựng đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị đến năm 2035 theo nghị quyết 49 của Bộ Chính trị. Do đó, để triển khai giai đoạn 2 mô hình TOD cần lập đề án để cụ thể lộ trình phát triển TOD gắn với đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị trong tương lai, đảm bảo việc triển khai đồng bộ.
Ở giai đoạn 2, TP sẽ tham khảo cách làm, tư duy triển khai của các nước tiên tiến trên thế giới thông qua đội ngũ chuyên gia, tư vấn nước ngoài.
Cần phát huy sự sáng tạo nhà đầu tư
Tại cuộc họp, đại diện các sở ngành nói mô hình TOD nhiều đô thị lớn trên thế giới đã triển khai thành công cả mấy chục năm qua. Vấn đề đặt ra cho TP hiện nay là chọn vị trí nào để làm trước, phạm vi thu hồi bao nhiêu...
Theo đại diện UBND huyện Nhà Bè, trước đây tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ cũng đã triển khai mô hình tương tự mô hình TOD, thu hồi đất hai bên đường, chỉnh trang đô thị rất hiệu quả.
Huyện cũng đề xuất không nên đưa ra các chỉ tiêu, quy hoạch quá chi tiết, bởi có thể quy hoạch rất đẹp nhưng triển khai thực tế lại khó. Khu đất muốn phát triển đô thị hiệu quả rất cần sự sáng tạo của nhà đầu tư, miễn là vẫn đảm bảo quy hoạch, định hướng phát triển mà TP đề ra.
Đại diện nhiều quận huyện khác cũng cho biết thời gian qua đã rà soát khu đất vùng phụ cận vành đai 3, 4 để trình TP triển khai các bước tiếp theo về việc đấu giá quỹ đất, phát triển đô thị.
Đồng tình với quan điểm của huyện Nhà Bè, đại diện huyện Củ Chi cho biết cần tính toán kỹ quy hoạch khu đất dự kiến đấu giá để thu hút nhà đầu tư tham gia triển khai phát triển đô thị.
Kết luận buổi họp, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết về cơ bản, các địa phương, sở ngành đã thống nhất các bước chính triển khai. Từ các ý kiến góp ý, Sở Giao thông vận tải TP sẽ phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường TP cùng Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP sẽ trao đổi, xây dựng chi tiết hơn.
Trong đó thống nhất bổ sung metro số 2 vào thực hiện từ giai đoạn 1 và đề xuất bổ sung nguồn kinh phí để các địa phương triển khai.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho hay nếu được các cấp thẩm quyền phê duyệt, TP có thể bổ sung quy hoạch thêm gần 100km các tuyến đường sắt đô thị (metro).