TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ thống nhất làm đường ven sông
Ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết để tăng tính kết nối vùng, phát triển kinh tế, TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ đã thống nhất, triển khai việc nghiên cứu quy hoạch hành lang sông Sài Gòn. Phát triển khu vực này thành tuyến đường ven sông tuyệt đẹp, xứng đáng với tiềm năng vốn có.
Hiện nay, tuyến đường ven sông đang từng bước được TP.HCM rà soát để điều chỉnh quy hoạch nhằm đưa vào quy định chung của TP.HCM.
TP.HCM cùng các tỉnh phải làm như thế nào để không gian hai bên ven sông đẹp và xứng đáng với tiềm năng của sông Sài Gòn. Điều này không chỉ đem lại sự thuận lợi về giao thông mà còn tạo ra ảnh hưởng tích cực đến cảnh quan đô thị và du lịch.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM đang phối hợp cùng Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Giao thông vận tải các tỉnh thành để rà soát lại hướng tuyến, đảm bảo tính khả thi. Trước tiên, thống nhất quan điểm các tuyến đường ven sông sẽ bám theo bờ sông Sài Gòn.
Tùy theo tình trạng đô thị dọc hai bờ sông cũng như khả năng điều chỉnh quy hoạch, phát triển khu nhà sẽ xác định vị trí hướng tuyến và quy mô mặt cắt ngang, kiểu dáng kết cấu bờ kè sao cho phù hợp.
Có thể linh hoạt trong việc làm không gian ven sông, có thể 4-6-8 làn đường, tùy khu vực để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả.
Ông Trần Quang Lâm cho biết thêm, việc kết nối vùng, không gian, giao thông sẽ khiến kinh tế phát triển thuận lợi hơn. Quy luật phát triển chung của TP.HCM là cùng với các tỉnh vệ tinh có chức năng hỗ trợ cho nhau trong vùng.
Do đó, khi có các tuyến đường vành đai 3, 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài… kết hợp với các tuyến đường thủy, tuyến đường ven sông Sài Gòn sẽ phát huy lợi thế của TP.HCM gắn với vị trí đặc thù sông nước.
Tính toán xây cầu Thủ Thiêm 4 theo dạng cầu quay
Liên quan đến dự án cầu Thủ Thiêm 4, ông Trần Quang Lam cho biết các cơ quan chuyên môn đang nghiên cứu phương án hiệu quả nhất để thiết kế độ cao, tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4.
Đầu tiên, phải tính toán đến các vấn đề ở 2 đầu cầu (liên quan đến kỹ thuật, chi phí đầu tư, kết cấu). Nếu làm cầu cao thì tính đến việc mở theo dạng quay (như cầu sông Hàn ở Đà Nẵng).
"Hiện nay người dân rất quan tâm phát triển đường thủy phía thượng lưu (cảng Sài Gòn - Khánh Hội). Vì vậy phải dự báo cả nhu cầu khai thác đường thủy, các cầu cảng gần đó, làm sao tối ưu nhất để xác định độ cao của cầu.
Đồng thời cần xem xét mặt giao thông đường bộ. Vì đây là trục giao thông quan trọng từ Thủ Thiêm sang quận 7, từ khu Đông sang khu Nam. Cầu Thủ Thiêm 4 sẽ chia sẻ lượng lớn giao thông cho hầm Thủ Thiêm và đường Tôn Đức Thắng (cầu Thủ Thiêm 2). Trục giao thông này được đánh giá sẽ rất lớn và hiệu quả.
Sẽ tính toán kỹ lưỡng, đánh giá các yếu tố kinh tế - kỹ thuật để lựa chọn tĩnh không thông thuyền phù hợp, hiệu quả cả về đường bộ và đường thủy. Trường hợp tĩnh không cao thì có giải pháp cầu quay hoặc cầu mở", ông Lâm nói.
“Trên bến dưới thuyền” không chỉ là hoạt động cần tiếp tục thúc đẩy để phát triển kinh tế TP.HCM mà còn là nếp sống, là văn hóa, là di sản quý báu cần được giữ gìn và quảng bá gắn với sông Sài Gòn.