Người dùng hoài nghi về mạng lưới Pi
Để đào Pi, người dùng cần tải ứng dụng về điện thoại, xác minh đăng nhập và thực hiện điểm danh mỗi ngày. Rủ được càng nhiều bạn chơi trong mạng lưới, xu càng tăng nhanh. Do đồng tiền này chưa được niêm yết trên các sàn giao dịch tiền mã hóa, nên nhiều người đã bắt đầu hoài nghi về số phận của đồng Pi.
Người tham gia Mạng lưới Pi (Pi Network) cho biết: "Mình tham gia chơi Pi cũng vào khoảng 3 năm trước, cũng đào được mấy trăm đồng Pi. Khi mình tham gia cũng thấy nó hơi giống một dự án đa cấp. Mọi người cứ rủ nhau vào chơi càng nhiều sẽ đào được càng nhiều, mình rủ được 5 - 6 người bạn thì tốc độ đào Pi của mình cũng cao hơn. Mọi người luôn kì vọng sẽ có một sự kiện gì đấy để đồng Pi này có giá trị nhưng mà qua mấy năm đợi mãi cũng chưa có gì. Dần mọi người cũng chán và bỏ đi dần.
Trong nhóm mọi người đồng thuận, trao đổi với nhau thôi không dùng từ mua bán. Trước mình thấy có người bán được mỗi Pi vài chục nghìn đồng nhưng thời gian gần đây nó cứ hạ dần, hạ dần, giờ mình thấy có người mua khoảng 7.000 - 8.000 đồng. Có nhiều người tôi biết họ nhận mua hàng bằng Pi. Họ là cửa hàng họ bán sản phẩm và người mua chỉ cần trả Pi cho họ thôi. Sau đấy, số Pi họ mang về cũng không thể mang đi đâu để nhận hàng mới hoặc đưa vào kinh doanh gì. Cuối cùng họ mất hàng, họ thu được một đống Pi nhưng cũng không làm được gì".
Cẩn trọng khi tham gia Pi Network
Cần phải nhấn mạnh là đến thời điểm hiện tại đồng Pi vẫn vô giá trị. Tất cả những gì người dùng có được chỉ là những số lượng đồng Pi hiển thị trên màn hình điện thoại. Không chỉ có vậy, nhiều điểm mập mờ của mạng lưới Pi Network đã được các chuyên gia công nghệ chỉ ra như thiếu tính minh bạch, đặc biệt là rủi ro mất thông tin cá nhân.
Không giống như các dự án blockchain, tiền ảo khác đều được minh bạch và công khai mã nguồn, Pi không công khai mã nguồn. Rất khó để tìm được các thông tin về thuật toán sinh các đồng Pi thế nào, lộ trình phát triển cụ thể của Pi ra sao. Khi các thông tin không minh bạch thì hoạt động của hệ thống phụ thuộc hoàn toàn vào những người đang điều hành nó.
Dù chỉ là một ứng dụng đào tiền ảo nhưng Pi yêu cầu tới 28 quyền truy cập bao gồm đọc danh bạ, xem thông tin mạng, sử dụng phần cứng sinh trắc học…
Theo những người tham gia mạng lưới Pi, để rút được đồng Pi và sử dụng trên mạng lưới blockchain người dùng cần phải thực hiện quá trình xác thực người dùng (kyc) cung cấp các thông tin cá nhân trong đó có cả CCCD/CMND, hộ chiếu...
Anh Trần Nhật Minh - Chuyên gia bảo mật nhận định: "Việc mình trao quá nhiều quyền trên thiết bị di động của mình cho Pi đã là một rủi ro về an toàn an ninh bởi vì chúng ta không biết Pi đang can thiệt gì vào dữ liệu của chúng ta. Thứ hai, Pi cũng giống như các sàn giao dịch khác yêu cầu chúng ta khai báo tất cả thông tin cá nhân, việc chúng ta đưa các thông tin cá nhân ra bên ngoài và trao quyền cho Pi thì rủi ro rất lớn là các thông tin của sẽ bị lợi dụng".
Người dùng được gì thì đến lúc này chưa rõ nhưng về phía ứng dụng, với mỗi lần người dùng điểm danh được tính là một lần theo dõi từ đó đem lại lợi nhuận quảng cáo cho nhóm dự án. Với hàng chục triệu người dùng thường xuyên, số tiền thu được từ quảng cáo có thể lên tới hàng trăm triệu USD mỗi năm.
Bên cạnh đó, khi lượng người dùng tăng lên đông đảo, số lượng thông tin cá nhân thu thập được có thể được sử dụng cho việc kinh doanh thu lợi, thậm chí là mua bán thông tin, dữ liệu của người dùng.
"Khi chúng ta cài Pi, ứng dụng này luôn luôn yêu cầu quyền chạy ngầm trên thiết bị của chúng ta. Với một ứng dụng không rõ ràng nguồn gốc, luôn luôn yêu cầu chạy trên thiết bị, phát sinh lưu lượng lớn, chúng tôi đang nghi ngại rằng nó có thể biến các thiết bị đã cài đặt trở thành một phần của mạng botnet (máy tính ma) thực hiện các cuộc tấn công từ chối dịch vụ. Nếu số lượng cài đặt càng nhiều nguy cơ tấn công từ chối dịch vụ càng lớn và nó có thể ảnh hưởng rất nhiều đến mạng lưới an ninh thông tin quốc gia", anh Trần Nhật Minh - chuyên gia bảo mật nhận định.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế cho biết: "Đồng Pi hiện nay chưa có một giá trị gì cả. Hiện nay, có thể có một số nhóm người nắm được nếu như đồng Pi đó càng được nhiều người tin dùng càng lên giá và họ dùng cách này hay cách khác để mà phao tin, thậm chí "cò gỗ" để có thêm nhiều người tin tưởng và mua bán đồng Pi".
Rủi ro khi giao dịch đồng Pi trái pháp luật
Mặc dù, đồng Pi vô giá trị nhưng thời gian qua, nhiều người được cho là đã giao dịch Pi theo dạng "đồng thuận", tức tự thỏa thuận giá với nhau. Một số cửa hàng nhận thanh toán bằng Pi. Để lách luật, người chơi chia sẻ nhau cách dùng từ "trao đổi" thay cho "thanh toán".
Trên các cộng đồng Pi tại Việt Nam, đã xuất hiện nhiều bài viết chia sẻ về các giao dịch bằng Pi. Nhiều người cho biết đã mua bán thiết bị điện tử, thực phẩm... bằng Pi, hoặc trao đổi Pi với giá gần 1 USD.
Theo quản trị viên của một group Facebook với 200.000 thành viên, để qua mặt cơ quan quản lý, hai bên sẽ tặng Pi cho nhau và cảm ơn bằng một món quà, hoặc trao đổi đồng thuận, chứ không không gọi là giao dịch, mua bán, thanh toán.
Theo quy định, việc giao dịch hàng hóa bằng tiền ảo là vi phạm pháp luật Việt Nam, do đó người tham gia, tức cả bên bán và bên mua có thể đối mặt rủi ro pháp lý. Hiện chưa thể khẳng định Pi Network có phải mô hình lừa đảo hay không.
Tuy nhiên, người tham gia cần hết sức cân nhắc khi đầu tư thời gian, công sức hay tiền bạc vào bất cứ loại tiền ảo nào. Đặc biệt, cần thận trọng khi cung cấp các dữ liệu cá nhân cho các nền tảng này, bởi không thể biết các dữ liệu này sẽ được dùng vào việc gì.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.37502249111803202-ip-oa-neit-ut-uad-ihk-or-iur-oc-yugn/et-hnik/nv.vtv