Câu chuyện "Cho tiền hay không cho tiền những đứa trẻ ăn xin tại ngã 4?" thu hút nhiều ý kiến tranh luận của bạn đọc Tuổi Trẻ Online.
Nhiều bạn đọc cho rằng việc cho tiền trẻ em, người già ăn xin ở ngã tư đường, góc phố là tiếp tay cho nạn lừa đảo, tệ chăn dắt ngày thêm bát nháo, vô tình làm hại thêm những đứa trẻ khác.
Cho tiền trẻ ăn xin là tiếp tay chăn dắt
Bạn đọc Việt kể lại: "Trước đây tôi gặp đứa bé bán bánh cam nằm co giật và bánh rơi vung vãi. Tôi xuống xe hỗ trợ xong và ngày hôm sau lại thấy cảnh đó mới biết mình bị lừa".
"Đi đường gặp nhiều lắm. Nhưng dặn lòng dù có thương cảm cỡ nào thì cũng mặc kệ vì đằng sau vẻ ngoài đáng thương đó là cả một hệ thống chăn dắt. Có cho họ vào trung tâm bảo trợ xã hội họ cũng tìm cách trốn ra ngoài" - bạn đọc Chefvn92 cho biết.
Bạn đọc Huỳnh Dung bày tỏ: "Nhìn cảnh trẻ ăn xin ngoài đường thấy thương lắm nhưng mình nhất quyết không cho. Vì mình biết có cho cũng chỉ vào túi bọn chăn dắt các em, càng cho sẽ càng có nhiều trẻ em khác bị bắt đi ăn xin".
Cùng góc nhìn, bạn đọc Tuyền đề nghị: "Hãy tẩy chay các chiêu trò lừa đảo này bằng cách không cho tiền. Cho tiền là khuyến khích các kẻ chăn dắt lôi kéo tổ chức thêm mà thôi".
Quyết liệt hơn, bạn đọc Nguyen Hoang Lan lên tiếng: "Đừng suy nghĩ đem bỏ vài đồng bạc lẻ bố thí cho tụi nhỏ để mua phước tích đức. Không có phúc đức nào ở đây cả vì người cho tiền những kẻ ăn xin là người tiếp tay cho băng nhóm lừa đảo gây hại cho xã hội".
Trong khi đó, bạn đọc Don Luciano có ý kiến khác: "Thấy nhiều bạn không ủng hộ vì sợ tiếp tay cho chăn dắt. Mình nói thật, thà tiếp tay cho chăn dắt thì ít ra các em còn được ăn no, nếu không ai cho thì các em sẽ bị bỏ đói".
Tranh luận lại, bạn đọc Denny phân tích: "Phong trào lợi dụng trẻ em, người già đi ăn xin phát triển mạnh là vì mấy người cứ nghĩ cho vài đồng bạc nếu có bị lừa cũng không sao, miễn sao tâm mình thấy vui là được. Xin lỗi, bạn đang hại những đứa trẻ đó.
Vì một khi còn có người cho tiền, bọn trẻ sẽ tiếp tục bị lợi dụng. Các bạn nghĩ thử xem: Ai là người đưa họ đến các điểm ăn xin? Tại sao mỗi khu vực ăn xin chỉ có một nhóm chứ không có nhiều nhóm cạnh tranh?".
Giải pháp nào xử lý trẻ ăn xin?
Theo bạn đọc Vy Vy: "Chuyện cho hay không cho tiền các em nhỏ sống ở các ngã tư, góc phố sẽ không bao giờ có hồi kết nào hay ho cả. Vấn đề ở đây là vai trò của tổ chức xã hội đối với những trẻ bị chăn dắt ăn xin như thế nào mà thôi.
Tổ chức xã hội quan tâm, các cấp chính quyền quản lý tốt, các tổ chức từ thiện giúp đỡ có trọng tâm thì nạn trẻ em ăn xin bị chăn dắt sẽ bớt dần".
Bạn đọc Nguyen Hoang Lan góp ý: "Tất cả người đi ăn xin đều nên được lực lượng chức năng gom về phân loại đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội".
Đồng tình, bạn đọc Nguyen Viet Trung bày tỏ: "Tôi thấy việc phân loại này Đà Nẵng làm rất tốt: Nghèo không có ăn thì trung tâm bảo trợ giao đất, giao vườn để tự sản xuất, tự tiêu thụ. Những người khuyết tật thì vót đũa, làm tăm, dệt thảm…".
Trước băn khoăn của bạn đọc Hùm Xám "thực tế thì chính quyền các cấp không thể đáp ứng đủ nguồn lực để chăm lo hết những hoàn cảnh bất hạnh như trên", bạn đọc letgotogether6666 đề xuất giải pháp:
"Mọi người có thể chung tay cùng chính quyền, trực tiếp gửi ủng hộ cho những mái ấm, trung tâm bảo trợ. Vậy là hết băn khoăn có nên giúp trẻ ăn xin, người già ngồi ngã tư nữa hay không".
Bên cạnh đó, bạn đọc Đại cho rằng "cơ quan hữu quan phải làm quyết liệt, phạt nặng những kẻ chăn dắt, và các em được đưa tới nhà tình thương thì sẽ không diễn ra tình trạng này nữa".
Còn bạn đọc Hen chia sẻ: "Các tỉnh thành phải có nghị quyết về vấn nạn chăn dắt ăn xin. Không thế để cho bọn vô lương hành hạ trẻ em như vậy được. Hãy đưa người ăn xin vào các trung tâm bảo trợ xã hội để nuôi nấng, dạy nghề là việc làm phù hợp và nhân đạo nhất!".
Có tình trạng chăn dắt trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật ăn xin dưới nhiều hình thức và có tính đối phó trên địa bàn TP.HCM.