VN THUỘC NHÓM TĂNG TRƯỞNG CAO
Sáng 5.1, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Hội nghị có sự tham dự của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai và các phó thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết trong bối cảnh thế giới, khu vực diễn biến khó lường của năm 2023, VN chịu tác động kép do các yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại. Tuy vậy, nhờ tinh thần xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái trong điều hành của Chính phủ, kinh tế đã "vượt cơn gió ngược".
Theo báo cáo của Chính phủ về KT-XH năm 2023, dù khó khăn thách thức nhiều hơn song tăng trưởng kinh tế ghi nhận quý sau cao hơn quý trước. GDP năm 2023 tăng 5,05%. VN thuộc nhóm tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, nâng quy mô nền kinh tế lên 430 tỉ USD, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 3,25% (thấp hơn mục tiêu 4,5%).
Nhiều chỉ số kinh tế khá tích cực như lãi suất giảm khoảng 2% so với cuối năm 2022. Nông nghiệp là điểm sáng, là trụ đỡ vững chắc khi năm ngoái GDP toàn ngành tăng 3,83%, cao nhất trong 10 năm gần đây. Thu ngân sách vượt khoảng 8,12% dự toán, đạt trên 1,75 triệu tỉ đồng, trong khi đã miễn, giảm, gia hạn thuế, tiền thuê đất 194.000 tỉ đồng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 683 tỉ USD, xuất siêu 28 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay và góp phần tăng dự trữ quốc gia.
Giải ngân vốn đầu tư công dự kiến đạt gần 676.000 tỉ đồng, tương đương 95% kế hoạch Thủ tướng giao. Con số này cao hơn khoảng 146.000 tỉ đồng so với năm 2022, và là mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay. VN vẫn là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài, khi thu hút vốn ngoại tăng hơn 32%, đạt gần 37 tỉ USD.
Song theo Phó thủ tướng Lê Minh Khái, nền kinh tế vẫn bộc lộ một số hạn chế, bất cập, như tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm cao trong khu vực và thế giới song chưa đạt mục tiêu đề ra (6,5%). Nguyên nhân do suy giảm tổng cầu, đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất, chính sách tiền tệ thắt chặt của các nước là thị trường lớn, truyền thống của VN. Sản xuất và cung ứng điện cơ bản đáp ứng nhu cầu, tuy nhiên vẫn còn tình trạng thiếu điện cục bộ trong tháng 5 - 6.2023 chủ yếu do khâu điều độ, truyền tải và phân phối còn bị động, lúng túng.
Sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến do nhu cầu tiêu thụ trong, ngoài nước suy giảm. Tiếp cận tín dụng còn khó khăn. Đến hết năm 2023, tín dụng tăng 13,71% so với năm 2022 (mục tiêu là tăng 14 - 15%), tương đương 13,5 triệu tỉ đồng. Số dư huy động vốn từ dân cư đạt trên 14,5 triệu tỉ đồng, tăng 13,16%. Nhưng nợ xấu có xu hướng tăng, khi tỷ lệ nợ nội bảng là 3,36%, cao hơn mục tiêu kiểm soát (đến cuối năm 2025 dưới 3%).
Bên cạnh đó, việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, dự án tồn đọng còn lại gặp nhiều khó khăn do phải thực hiện nhiều quy trình, thủ tục, trong đó có việc đánh giá, thẩm định chính xác giá trị tài sản đã qua nhiều năm. Thị trường bất động sản được cải thiện, nhưng còn trầm lắng chủ yếu do bất cập về phân khúc và vướng mắc pháp lý. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang được tháo gỡ song vẫn tiềm ẩn rủi ro.
Về mục tiêu năm 2024, Chính phủ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (6 - 6,5%), giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát (4 - 4,5%), bảo đảm các cân đối lớn; giữ ổn định giá trị đồng VN; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% kế hoạch; kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, các chỉ tiêu an toàn nợ công trong giới hạn cho phép, cắt giảm chi thường xuyên 5%.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, phấn đấu hoàn thành mục tiêu có 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025. Trong năm 2024, hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên (TP.HCM). Nâng cấp các tuyến luồng hàng hải vào cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng Nam Nghi Sơn...
"BƠM" 2 TRIỆU TỈ ĐỒNG TÍN DỤNG VÀO NỀN KINH TẾ
Tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết năm 2023, VND chỉ mất giá khoảng 2,9% so với USD, cho thấy là một trong những đồng tiền có tính ổn định cao và dự trữ ngoại hối nhà nước cải thiện so với cuối năm ngoái. Đây là những điểm cộng để nâng xếp hạng tín nhiệm của VN trong năm 2023.
Đến hết năm 2023, tín dụng tăng khoảng 13,7%, thấp hơn không đáng kể so với mức 14,18% của năm trước. Bên cạnh đó, theo bà Hồng, "qua các vụ việc đã xảy ra, NHNN đã rút ra được những bài học để có sự lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức tín dụng, nâng cao khả năng phát hiện rủi ro, chủ động cảnh báo với các tổ chức tín dụng và tăng cường công tác thanh tra, giám sát". NHNN cũng đang cùng Bộ Công an triển khai thí điểm đối với các khoản tín dụng nhỏ lẻ để hạn chế "tín dụng đen".
Năm 2024, NHNN đã chuẩn bị tâm thế ứng phó linh hoạt với tình hình và sẽ tập trung xử lý những vấn đề tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống ngân hàng như xử lý ngân hàng yếu kém và xử lý các khoản nợ xấu đang có xu hướng gia tăng. NHNN đã đưa ra định hướng điều hành tín dụng năm 2024 là 15%. Theo Thống đốc NHNN, trong điều kiện dư nợ tín dụng/GDP của VN đang ở mức cao như một số tổ chức quốc tế cảnh báo, cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Hiện, doanh nghiệp nhỏ và vừa của VN chiếm 95% nhưng vẫn gặp khó khăn nên các giải pháp của Chính phủ cần tập trung vào nhóm này theo những giải pháp đã có trong luật như bảo lãnh vay vốn ngân hàng. Đồng thời, hướng dẫn doanh nghiệp đáp ứng các quy định về tiêu chuẩn xanh bền vững vốn đang rất khắt khe, bởi nếu không đáp ứng những tiêu chuẩn này thì hoạt động xuất khẩu của VN sẽ khó khăn.
Thông tin thêm tại họp báo Chính phủ chiều cùng ngày, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết dự kiến năm 2024 tăng trưởng tín dụng 15%. Nếu tính trên cơ sở lượng tiền, dư nợ hiện nay là khoảng 13,56 triệu tỉ đồng thì có nghĩa là gần 2 triệu tỉ đồng sẽ được tăng thêm trong năm 2024.
CHỦ ĐỘNG KỊP THỜI, TĂNG TỐC SÁNG TẠO
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh không được chủ quan, thỏa mãn khi nền kinh tế còn nhiều tồn tại, khó khăn, thách thức. Sức ép lạm phát còn cao do giá dầu thô, lương thực biến động mạnh và lạm phát, lãi suất thế giới tiếp tục neo ở mức cao. Tình hình sản xuất kinh doanh, đơn hàng, thị trường quốc tế bị thu hẹp; tiếp cận tín dụng còn khó khăn; nợ xấu có xu hướng tăng. Thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tuy đã được tập trung xử lý những vướng mắc, có bước phục hồi nhưng còn tiềm ẩn rủi ro.
Quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước xác định con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực, là nguồn lực phát triển. Do đó, trong mọi hoàn cảnh phải làm tốt công tác an sinh xã hội, nhất là những thời điểm có tác động tới người nghèo, các đối tượng yếu thế, người dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo.
Người đứng đầu Chính phủ cũng cơ bản thống nhất dự báo tình hình năm 2024 là "năm bứt phá", có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong kế hoạch 5 năm 2021 - 2025; trong đó nhận định tình hình có thể khó khăn hơn năm 2023.
Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể năm 2024 với chủ đề: "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững" với quyết tâm cao nhất.
Về giải pháp, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.
Đẩy mạnh các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng); đồng thời thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (liên kết vùng, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các ngành, lĩnh vực mới nổi như chip bán dẫn, hydrogen…). Củng cố các thị trường truyền thống, đồng thời mở rộng các thị trường mới (UAE, châu Phi, Mỹ Latin). Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia. Tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước; kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia. Quyết tâm tiết kiệm chi 5% và thu ngân sách nhà nước 2024 tăng ít nhất 5%.
Bên cạnh đó, trình ban hành các luật Đất đai (sửa đổi), luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Năm 2024 cắt giảm ít nhất 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, quy định kinh doanh. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm, nhất là Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Hướng tới mục tiêu có 50.000 - 100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip bán dẫn từ nay đến năm 2030. Triển khai quyết liệt cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và 4/12 dự án doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả còn lại.
Phấn đấu năm 2024 hoàn thành ít nhất 130.000 căn nhà ở xã hội. Thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với khu vực công theo Nghị quyết số 27 của T.Ư từ ngày 1.7.2024; tiếp tục thực hiện cải cách tiền lương với khu vực ngoài nhà nước...
"Quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước xác định con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực, là nguồn lực phát triển. Do đó, trong mọi hoàn cảnh phải làm tốt công tác an sinh xã hội, nhất là những thời điểm có tác động tới người nghèo, các đối tượng yếu thế, người dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
TP.HCM muốn gỡ vướng vụ SCB, Vạn Thịnh Phát
Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết năm 2023, TP.HCM đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong ngăn chặn đà suy giảm tăng trưởng; tăng trưởng của TP.HCM tăng từ 0,7% quý 1 lên 9,62% quý 4 và cả năm 2023 đạt 5,81%. Thành phố cũng tập trung tháo gỡ, khởi công lại, khởi công mới nhiều dự án quan trọng như Vành đai 3, Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên, Rạch Xuyên Tâm, Metro 1, 2…
Với dự báo năm 2024 nhiều khó khăn và có khả năng lặp lại kịch bản tăng trưởng của quý 1/2023, TP.HCM đang chuẩn bị triển khai các giải pháp thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư ngay từ đầu năm. TP.HCM cũng đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2024 từ 7,5 - 8%. Lãnh đạo TP.HCM cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục cụ thể hóa các nội dung Nghị quyết 98/2023/QH15. Hỗ trợ thành phố tháo gỡ các vướng mắc, đặc biệt là các vướng mắc pháp lý, vụ khó, tồn đọng lâu, vụ mới phức tạp như SCB, Vạn Thịnh Phát…
Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo việc hoàn thiện Đề án Trung tâm tài chính quốc tế, Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TP.HCM đến 2035; các dự án giao thông quan trọng như cao tốc: TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành; đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, Thủ Thiêm - Long Thành...
Làm một vụ án cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực
Thông tin tại họp báo Chính phủ chiều 5.1, trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn của Bộ Công an, cho biết Bộ Công an chủ trương "làm một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực", trên tinh thần thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ và rõ đến đâu làm đến đó, thu hồi triệt để tài sản cho nhà nước, nhân dân.
Đơn cử như thao túng thị trường chứng khoán là vụ FLC, thao túng trái phiếu là Tân Hoàng Minh, thao túng ngân hàng là vụ Ngân hàng SCB (Vạn Thịnh Phát - PV), thao túng chính sách là vụ đăng kiểm. Bên cạnh đó là vụ xăng dầu Xuyên Việt Oil, liên quan đến tài nguyên, khoáng sản là vụ cát ở An Giang hay vụ án ở Lâm Đồng. "Qua các vụ này, những người nào có ý đồ tiếp tục thao túng cơ bản bị ngăn chặn, chùn bước. Những kết quả trong năm qua cũng nhờ qua các vụ án, cảnh báo, làm một vụ cảnh tỉnh cả vùng nên thị trường chứng khoán, trái phiếu tốt lên", trung tướng Tô Ân Xô nêu.
Về kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự dịp Tết Nguyên đán 2024, từ ngày 15.12, Bộ Công an đã tổ chức các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm. Trong 15 ngày triển khai từ 15 - 29.12, lực lượng công an đã điều tra khám phá 1.587 vụ phạm tội về trật tự xã hội, bắt xử lý 3.544 đối tượng. Trong đó khởi tố, bắt 103 vụ, 191 đối tượng liên quan đến hoạt động "tín dụng đen". Phát hiện, xử lý hơn 145.841 trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông, phạt hơn 334 tỉ đồng, tước 31.462 giấy phép lái xe, trong đó có 36.560 trường hợp vi phạm nồng độ cồn...