Mặt trái của giá gạo tăng cao
Giá gạo Việt Nam xuất khẩu đạt “đỉnh”, sau hàng loạt lệnh cấm xuất khẩu gạo từ các quốc gia như Ấn Độ, Nga, UAE... Thị trường xuất khẩu gạo đang trở nên “nóng” hơn bao giờ hết.
Thế nhưng, tại thời điểm này, không ít doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết, họ đang phải cẩn trọng hơn bao giờ hết.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, doanh nghiệp đầu ngành xuất khẩu gạo nhận định: “Nếu không xử lý tốt, thì rất có thể, cơ hội sẽ biến thành rủi ro”.
Theo ông Thòn, với cơ hội này, chúng ta có thể nâng cao vị thế quốc gia, tăng thu nhập cho người dân. Tới thời điểm hiện tại, nguồn cung lúa gạo cho xuất khẩu đã ổn định được khoảng 6 triệu tấn, sắp tới có thể nâng lên tới 9 triệu tấn gạo cho thị trường xuất khẩu mỗi năm. Đây là thời cơ tốt để ngành xuất khẩu gạo Việt Nam vươn lên. Tuy nhiên, cũng cần tính đến bài toán an ninh lương thực quốc gia.
“Làm thế nào để vừa tận dụng được thời cơ xuất khẩu, vừa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia? Theo tôi, cần phải có những bước xử lý khôn ngoan từ chuỗi sản xuất tới cơ quan quản lý”, ông Huỳnh Văn Thòn chia sẻ.
Đồng thời, ông Thòn cũng cho biết, sự biến động của thị trường lúa gạo tuy đã được dự đoán từ trước, song doanh nghiệp cũng không lường được mức độ xảy ra quá nhanh và mạnh mẽ như hiện nay, dẫn tới tình trạng nhiều doanh nghiệp bị thiếu hụt nguồn vốn do giá tăng cao, gây đứt gãy chuỗi cung ứng.
Nhìn xa hơn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời cũng bày tỏ sự lo lắng khi giá gạo lên cao khiến người nông dân, đơn vị sản xuất không quan tâm tới việc tiết giảm chi phí, tổ chức lại sản xuất để giảm giá thành, đưa ra mức giá hợp lý hơn.
Tương tự, ông Nguyễn Lưu Tường, Giám đốc Công ty TNHH Gạo Ngon Nhất (TP.HCM) cho biết, do sự biến động giá quá đột ngột, nhiều doanh nghiệp không lường trước được, nên đang phải chịu tình trạng lỗ ngược.
Nguyên nhân do các doanh nghiệp chưa nắm chắc được sản lượng gạo sẽ có trong kho, mà đã ký kết đơn hàng với nước ngoài khi gạo còn thấp. Tới khi đi gom hàng thì giá gạo đã tăng cao, doanh nghiệp muốn thu mua theo giá cũ là không thể.
Trong khi đó, hợp đồng đã ký, doanh nghiệp buộc phải mua vào với giá cao và xuất đi với giá thấp theo hợp đồng, nên rơi vào tình trạng lỗ.
Ứng biến linh hoạt
Trong bối cảnh hiện nay, ông Nguyễn Lưu Tường cho biết, doanh nghiệp của ông rất thận trọng, xem xét kỹ càng khả năng đáp ứng sản lượng trước khi nhận đơn hàng.
Bên cạnh đó, ông Tường cho rằng, khi giá gạo vẫn biến động không ngừng, thì khi ký kết đơn hàng, doanh nghiệp cần thêm điều khoản linh hoạt theo giá thị trường. Theo đó, nếu giá gạo tăng, phía đối tác nước ngoài cũng cần tăng giá thu mua. Ngược lại, nếu giá gạo giảm, doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng nên hạ giá bán để hài hòa lợi ích của hai bên.
Bên cạnh đó, theo ông Huỳnh Văn Thòn, doanh nghiệp cũng phải cân đối giữa giá bán ra cho đối tác và giá mua vào của bà con nông dân.
“Đây là khi doanh nghiệp cần phải linh hoạt, khéo léo giữa tình và lý”, ông Thòn nói.
Theo đó, khi làm việc với đối tác xuất khẩu, doanh nghiệp có thể làm việc theo lý, dựa trên hợp đồng, giá cả thị trường. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần suy xét về tình với bà con nông dân, làm thế nào để giúp người nông dân nâng cao thu nhập.
Ông Thòn cho biết, Lộc Trời là đơn vị tổ chức sản xuất và cùng với bà con nông dân, nên đã có những chuẩn bị trước, có đặt cọc và hỗ trợ sản xuất… Tuy nhiên, khi giá lên cao quá, thì cũng không thể nói rằng, vì lý tôi đã đặt cọc, đã có tổ chức dịch vụ, thì phải bán theo giá đã ký.
Doanh nghiệp xuất khẩu là người đứng giữa, cần phải hết sức linh hoạt để giải quyết giữa phần tăng giá của bên mình, để người nông dân hưởng lợi từ việc tăng giá gạo, đồng thời bù lỗ cho những hợp đã ký kết với lãi thấp trước đó”, ông Thòn chia sẻ.
Bước sang quý II, nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường tiếp tục tăng trong khi nguồn cung gạo từ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Pakistan tiếp tục hạn chế. Đặc biệt, việc Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo khiến giá gạo xuất khẩu các nước tăng mạnh. Trong đó giá gạo 5% tấm của xuất khẩu tăng 25 USD/tấn so với thời điểm lệnh cấm được ban hành. Đến ngày 1/8, giá gạo 5% tấm của xuất khẩu đạt trung bình 590 USD/tấn, mức giá cao nhất trong 11 năm qua, tăng khoảng 80 USD so với tháng trước.