TP.HCM và Bắc Ninh lọt 'top' xuất nhập khẩu hơn 20 tỉ USD sau 7 tháng
Theo tin tức từ số liệu của Tổng cục Hải quan, TP.HCM và Bắc Ninh là hai địa phương ghi nhận kim ngạch xuất khẩu hàng hóa vượt mốc 20 tỉ USD.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của hai địa phương này tính đến tháng 7-2023 lần lượt đạt 23,6 tỉ USD và 20,6 tỉ USD, đứng thứ nhất và thứ hai cả nước. Theo sau là Bình Dương, với kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm đạt 17,34 tỉ USD.
Về nhập khẩu, 5 địa phương có kim ngạch nhập khẩu cao nhất cả nước 7 tháng đầu năm lần lượt là TP.HCM (31,1 tỉ USD), Hà Nội (20,2 tỉ USD), Bắc Ninh (17,5 tỉ USD), Bình Dương (12,2 tỉ USD) và Hải Phòng (11,4 tỉ USD).
Nhiều năm qua, TP.HCM luôn giữ vai trò là địa phương đi đầu cả nước về xuất nhập khẩu.
Theo báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2022, TP.HCM cũng dẫn đầu 10 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu cao nhất cả nước với 47,5 tỉ USD.
- Tham khảo thêm
Mở tiệc buffet cho đàn voi nhà nhân Ngày quốc tế voi
Ngày 12-8, Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý bảo vệ rừng tổ chức lễ kỷ niệm "Ngày quốc tế voi" và các hoạt động phúc lợi cho đàn voi nhà tại huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk.
Tại buổi lễ, đàn voi nhà của huyện Lắk được tham gia "tiệc buffet" và hoạt động giao lưu giữa các nài voi và du khách. Đây là hoạt động thường niên để cộng đồng cùng nâng cao nhận thức về bảo vệ voi cũng như nỗ lực bảo tồn loài vật này trong tự nhiên.
Ông Trần Xuân Phước - giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý bảo vệ rừng - cho biết: Đắk Lắk chỉ còn 36 con voi nhà, trong đó huyện Lắk có 14 con và huyện Buôn Đôn có 22 con.
Hiện công tác bảo tồn, phát triển loài voi ở địa phương gặp khá nhiều khó khăn khi số lượng voi nhà còn ít, khó sinh sản.
Ngày quốc tế voi cũng là dịp để người dân và du khách nâng cao nhận thức trong công tác bảo tồn voi, cùng chung tay xây dựng các mô hình du lịch thân thiện với voi, đảm bảo phúc lợi cho voi để góp phần bảo tồn đàn voi nhà tại tỉnh Đắk Lắk.
Theo thống kê, thời gian qua, số lượng voi nuôi ở Đắk Lắk đã sụt giảm mạnh, từ khoảng 502 con vào đầu những năm 1980 xuống chỉ còn 36 con vào năm 2023.
Xuất khẩu cá ngừ sang Ý tăng 12 lần
Tin từ VASEP, dù không nằm trong top 3 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay, nhưng Ý gây chú ý với mức tăng gấp 12 lần trong tháng 6-2023.
Theo tin tức từ số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Ý sau khi sụt giảm trong tháng 1 đã tăng trưởng liên tục ở mức 3 con số trong những tháng sau đó.
Và nhờ đó, tính lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này đạt 5,8 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2022.
- Tham khảo thêm
Vào mùa rắn cắn, chú ý phòng tránh, sơ cứu đúng cách
Gần đây, các tỉnh miền Bắc lượng người nhập viện do bị rắn độc cắn gia tăng. Theo các bác sĩ, mùa mưa là mùa sinh sôi phát triển của rất nhiều loài rắn độc khiến số bệnh nhân tăng.
Tin tức tại Bệnh viện Nhi trung ương cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận 3 trẻ bị rắn độc cắn trong khi nằm ngủ dưới nền nhà. Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai vài tuần gần đây hầu như ngày nào cũng tiếp nhận bệnh nhân bị rắn cắn.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai - cho hay do không gian sống của nhiều loài rắn bị thu hẹp nên rắn đang ngày càng sống gần con người.
"Hầu hết các trường hợp rắn cắn do làm vườn, vô tình chạm phải hoặc cố tình bắt rắn. Sai lầm lớn nhất là cố tình bắt chúng bởi như vậy khiến rắn tấn công lại.
Bên cạnh đó, sau khi bị rắn cắn nhiều người không sơ cứu, đưa đến cơ sở y tế mà đưa đến thầy lang đắp thuốc hay tự chữa.
Rất nhiều trường hợp do không được cấp cứu kịp thời đã dẫn đến hoại tử, thậm chí tử vong", bác sĩ Nguyên cho hay.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi bị rắn cắn cần để nạn nhân nằm yên, không đi lại, cử động.
Rửa sạch vết cắn bằng nhiều nước (nước muối hoặc thuốc sát khuẩn vết thương nếu có). Dùng băng ép hoặc băng chun giãn để băng vết cắn, hạn chế sự lan truyền của nọc độc. Đồng thời gọi xe cấp cứu để đưa nạn nhân đến cơ sở y tế.
Một số tin tức đáng chú ý trong tuần tới
- 13 đến 14-8: Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại Đắk Lắk.
- 14-8: Hội nghị Ban chấp hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ 15 (khóa 12).
- 14-8: Tại TP.HCM, Hội thảo tham vấn khu vực miền Nam về tổng kết nghị quyết 24-NQ/TW.
- Từ ngày 14 đến 22-8; tại Cà Mau, Giải vô địch thể hình nam cổ điển, nữ fitness và nữ body fitness.
- 15-8: Hội thảo quốc gia "Vai trò của gia đình, dòng họ trong việc thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa và những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam trong thời kỳ mới".
- 15-8: Hội thảo "Xây dựng Hội Cựu chiến binh Việt Nam vững mạnh về chính trị, tư tưởng trong giai đoạn mới".
- Từ ngày 15 đến 24-8: Tại TP.HCM, Giải vô địch vovinam thế giới.
- 16-8: Hội thảo khoa học cấp quốc gia về tín dụng chính sách với bảo đảm an sinh xã hội.
- Từ ngày 16 đến 18-8: Liên hoan chỉ huy Đội giỏi toàn quốc lần thứ 4.
- 18-8: Hội thảo khoa học "80 năm Nhật ký trong tù - Những giá trị bền vững, sức lan tỏa sâu rộng".
- Từ ngày 19 đến 27-8: Tuần văn hóa, thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh lần thứ 4 năm 2023.
- Từ ngày 19 đến 27-8: Tại Bắc Giang, Giải vô địch đá cầu đồng đội toàn quốc.
Tin tức đáng chú ý: Trò chơi điện tử trên mạng phải phân loại lứa tuổi; Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thúc đẩy thị trường bất động sản, tháo gỡ khó khăn cho đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp...