Theo dự thảo, lực lượng thanh tra giao thông sẽ chỉ thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm tĩnh về kết cấu hạ tầng đường bộ, vận tải đường bộ tại đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, hệ thống kiểm soát tải trọng xe, dịch vụ hỗ trợ vận tải... mà không được dừng xe đang lưu thông như quy định hiện hành.
Tuổi Trẻ ghi nhận các ý kiến của đại biểu Quốc hội, chuyên gia, cảnh sát giao thông, lái xe... xung quanh đề xuất này.
Đại biểu PHẠM VĂN HÒA (ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội):
Thanh tra giao thông không được quyền dừng xe là rất hợp lý
Tôi thấy đề xuất này rất hợp lý. Không thể nào để thanh tra giao thông được quyền dừng xe trên các tuyến đường, mà thẩm quyền này chỉ có thể là cảnh sát giao thông.
Xe của người dân, doanh nghiệp đang chạy trên đường mà lực lượng thanh tra giao thông cứ giơ gậy, ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra là hoàn toàn không hợp lý. Chưa kể còn dễ dẫn tới phát sinh tiêu cực, lộng quyền, lạm quyền. Lực lượng thanh tra giao thông chỉ có thể xử phạt đối với xe trong trạng thái tĩnh, đang đỗ, dừng và tại các trạm dừng nghỉ, bãi đỗ, hệ thống kiểm soát tải trọng...
Với những trường hợp phát hiện xe quá khổ, quá tải, có thể gây hư hỏng đường thì lực lượng thanh tra cần phối hợp với cảnh sát giao thông để tiến hành dừng xe xử lý. Trường hợp lực lượng cảnh sát giao thông chưa có mặt, có thể phối hợp với công an xã, phường, thị trấn để có biện pháp xử lý tạm thời, sau đó thực hiện các bước xử lý theo quy định.
TS KHƯƠNG KIM TẠO (nguyên phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia):
Cần đánh giá, nghiên cứu kỹ
Về nguyên tắc, với một xe đang chạy trên đường bình thường, không có dấu hiệu vi phạm, gây nguy hại, không có phản ánh, báo tin của người dân... thì ngay cả lực lượng cảnh sát giao thông cũng không được dừng. Do đó, việc quy định dừng xe phải rất cụ thể, chi tiết, rõ các trường hợp, hành vi để đảm bảo an toàn cũng như quyền công dân.
Với lực lượng thanh tra giao thông, việc có được dừng hay không được dừng phương tiện là điều cần đánh giá, xem xét kỹ. Song, một điều cần khẳng định với những xe đang lưu thông bình thường trên đường thì thanh tra giao thông không được dừng.
Nhưng trường hợp một xe bánh xích đang chạy trên đường với tốc độ không nhanh và đang gây ra phá hỏng mặt đường hay những xe quá tải, chạy chậm, phá đường... lại không cho thanh tra giao thông dừng phương tiện xử lý mà để cho chạy, phá đường tiếp thì cũng không ổn.
Hay những xe quá tải, chạy chậm, phá đường cũng vậy, nếu chờ gọi lực lượng công an đến có thể mất thời gian lâu, trong khi đoạn đường đó do ngành giao thông quản lý.
Bên cạnh đó, nếu cho rằng tất cả hoạt động "động" do công an quản lý còn "tĩnh" sẽ do lực lượng thanh tra giao thông quản lý cũng không hẳn đúng. Bởi một xe dù dừng đỗ không đúng nhưng để thanh tra giao thông có thể viết phiếu xử phạt không hề đơn giản, còn công an sẽ dễ hơn.
Do vậy, điều quan trọng, cần tách bạch rõ phạm vi, quyền của lực lượng thanh tra giao thông với cảnh sát giao thông trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Đồng thời, trong dự Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải rất rạch ròi, không chồng lấn.
Trong đó, có thể xem xét quy định những trường hợp xe quá khổ, quá tải, xe bánh xích đi chậm gây phá đường... và việc dừng xe không gây nguy hiểm gì thì có thể cho phép lực lượng thanh tra được thực hiện. Song việc này phải rất cụ thể, rõ ràng để tránh lạm quyền, lộng quyền.
Ông BÙI DANH LIÊN (chuyên gia giao thông):
Thanh tra giao thông chỉ phối hợp xử lý
Việc dự án Luật Đường bộ đề xuất thanh tra giao thông không được dừng xe là chính xác. Việc dừng xe để kiểm tra, xử lý vi phạm trong quá trình tham gia giao thông nên được quy về một đầu mối thống nhất là cảnh sát giao thông. Trường hợp phát hiện vi phạm lực lượng thanh tra sẽ báo hoặc phối hợp với cảnh sát giao thông để tiến hành xử lý theo quy định.
Bên cạnh đó, hiện nay dự thảo luật đi theo hướng lực lượng thanh tra chỉ xử lý giao thông phần tĩnh khi xe dừng, đỗ ở các trạm, bến, bãi... Nhưng thực tế cũng cho thấy việc này chưa mang lại hiệu quả.
Nhiều chủ xe trước đây khi thấy thanh tra giao thông đã trốn tránh, cho xe di chuyển, nên nếu thanh tra giao thông không được dừng xe mà xe họ di chuyển đi thì rất khó, không có tác dụng.
Trong khi đó, nguồn nhân lực hiện nay cho thanh tra giao thông cũng rất nhiều. Do đó, tôi đề xuất có thể giao cả phần xử lý giao thông tĩnh này cho lực lượng cảnh sát giao thông, công an để xử lý. Khi có công an vào, các chủ xe, tài xế sẽ phải chấp hành. Lực lượng thanh tra giao thông sẽ tham gia phối hợp xử lý.
Còn trong dự thảo luật nên quy định rõ việc lực lượng thanh tra giao thông sẽ tập trung vào nhiệm vụ chính của mình trong lĩnh vực kết cấu, hạ tầng giao thông đường bộ, đào tạo, sát hạch lái xe...
Anh NGUYỄN VĂN SƠN (lái xe đường dài ở Hà Nội):
Đồng ý thanh tra giao thông không được quyền dừng xe
Với anh em lái xe đường dài, chúng tôi hoàn toàn đồng ý với đề xuất không cho lực lượng thanh tra giao thông được phép dừng xe. Thực tế xe chúng tôi đi đường dài, đa phần chở hàng xuất khẩu, nông sản, hải sản và đều đảm bảo trọng lượng.
Nhưng nhiều chuyến chở hàng lạnh từ miền Nam ra vừa bị cảnh sát giao thông tỉnh dừng xe kiểm tra được một đoạn lại gặp thanh tra giao thông tỉnh dừng xe kiểm tra. Tiếp đó lại thanh tra Cục Đường bộ dừng xe kiểm tra. Thậm chí, đi qua một số tỉnh còn có cả kiểm lâm, quản lý thị trường cũng dừng xe kiểm tra.
Khi tài xế xuống xe, cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông cũng chỉ có yêu cầu xuất trình, kiểm tra giấy tờ xe, tải trọng... Dù không vi phạm, không bị xử lý gì nhưng nguyên việc phải dừng xe, trình giấy tờ đã tốn thời gian, ảnh hưởng quá trình vận chuyển hàng hóa.
Do đó, chúng tôi mong muốn chỉ thống nhất về một đầu mối được dừng xe kiểm tra về vấn đề đảm bảo an toàn giao thông chỉ là cảnh sát giao thông. Việc này để tránh phiền hà, mất thời gian cho người dân.
Đại tá NGUYỄN QUANG NHẬT (trưởng phòng tuyên truyền, khám nghiệm giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an):
Giao về một đơn vị mới quy được trách nhiệm
Đối với công tác tuần tra, xử lý vi phạm trên đường, hiện nay có hai lực lượng được phép dừng xe để kiểm tra gồm: cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông. Ngoài ra, còn có kiểm soát quân sự tham gia tuần tra, kiểm soát các phương tiện quân sự.
Còn trong dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ hiện chỉ quy định một lực lượng được phép dừng xe lưu thông trên đường để kiểm tra là cảnh sát giao thông. Ngoài ra, vẫn có lực lượng kiểm soát quân sự tham gia kiểm soát xe quân sự.
Dự án Luật Đường bộ đề xuất lực lượng thanh tra giao thông không được dừng xe nữa để phù hợp với quy định của dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đồng thời, việc này cũng phù hợp, tránh ý kiến cho rằng có nhiều lực lượng cùng có chung nhiệm vụ liên quan trật tự an toàn giao thông.
Bên cạnh đó, một việc chỉ một đơn vị chịu trách nhiệm mới quy được trách nhiệm để làm sao đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tính mạng con người. Đây là một trong những chính sách mang tính đột phá để gắn trách nhiệm rõ ràng hơn, phân công, phân cấp và gắn trách nhiệm của các cơ quan để đảm bảo an toàn.
Ông NGUYỄN VĂN QUYỀN (chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam):
Nên cho thanh tra giao thông dừng xe trong trường hợp khẩn cấp
Việc dự thảo Luật Đường bộ đề xuất không cho thanh tra giao thông dừng xe cần phải xem xét, nghiên cứu kỹ hơn. Bởi thực tế, lực lượng cảnh sát giao thông chủ yếu tuần tra, kiểm soát trên các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh, đô thị... còn ở các tuyến đường huyện, xã, vùng sâu, vùng xa thì không thường xuyên kiểm soát được.
Thêm vào đó tình trạng xe quá tải gây nguy cơ hư hại cầu đường diễn ra ở các địa bàn khá nhiều. Trong nhiều trường hợp chính quyền địa phương, tổ dân phố, người dân... thường báo cho thanh tra giao thông.
Nếu không cho thanh tra giao thông được dừng xe trong các trường hợp khẩn cấp như xe quá khổ, quá tải mà phải đến trạm dừng, kiểm tra mới được kiểm tra, xử lý thì rõ ràng xe đã đi một đoạn khá xa, nguy cơ tác động, gây hư hại công trình giao thông rất lớn.
Do đó, chúng tôi đề nghị trong trường hợp khẩn cấp, nhận được tin báo của người dân, cơ quan về tình huống gây nguy cơ xấu đến công trình giao thông, có thể cho thanh tra giao thông dừng xe để xử lý. Quy định này phải rất rõ ràng, cụ thể trường hợp, khi đó sẽ hạn chế được việc tùy tiện dừng xe.
Đại diện Bộ Giao thông vận tải nói gì?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết việc đề xuất bỏ thẩm quyền dừng xe đang lưu thông của thanh tra giao thông nhằm tách bạch rõ ràng nhiệm vụ của hai lực lượng: cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông.
Tương ứng với mục tiêu hướng tới của hai dự án luật được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ 2008 là Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an soạn thảo.
Theo đề xuất, lực lượng thanh tra giao thông sẽ chỉ xử phạt phần "tĩnh" liên quan đến kết cấu hạ tầng, kinh doanh vận tải của doanh nghiệp... Phần "động" là kiểm tra các hoạt động lưu thông của xe và người điều khiển lưu thông trên đường sẽ do cảnh sát giao thông đảm nhận.
Quy định hiện hành về thẩm quyền dừng xe của thanh tra giao thông
Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định thanh tra giao thông được thanh tra, phát hiện, ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình đường bộ.
Trường hợp cấp thiết, để kịp thời ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra đối với công trình đường bộ, được phép dừng phương tiện giao thông và yêu cầu người điều khiển phương tiện thực hiện các biện pháp để bảo vệ công trình theo quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về quyết định đó.
Thông tư 02/2014 quy định bốn trường hợp thanh tra giao thông được dừng xe gồm: vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường bộ; vượt khổ giới hạn cho phép của cầu, đường bộ; xe bánh xích lưu thông trực tiếp trên đường mà không thực hiện biện pháp bảo vệ đường theo quy định; đổ đất, vật liệu xây dựng, các phế liệu khác trái phép lên đường bộ hoặc vào hành lang an toàn đường bộ.
Thẩm quyền của thanh tra đường bộ theo điều 89 dự thảo Luật Đường bộ
Thanh tra đường bộ có nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm việc thực hiện các quy định của pháp luật về kết cấu hạ tầng đường bộ, vận tải đường bộ tại đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, hệ thống kiểm soát tải trọng xe, dịch vụ hỗ trợ vận tải.
Thanh tra đường bộ có nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm việc thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ và kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới theo quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Sáng 5-7, lực lượng Thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM kiểm tra đột xuất các hãng taxi chạy khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, các tài xế đều chấp hành tốt.