Ở Việt Nam, đặc biệt là vựa lúa miền Tây nhiều ngày nay từ các diễn đàn mạng đến hàng quán vỉa hè đâu đâu cũng rôm rả chuyện nông dân sẽ rủng rỉnh tiền bạc nhờ giá lúa tăng cao kỷ lục gần 8.000 đồng/kg. Đây là mức giá lý tưởng khiến nhiều lão nông gắn bó cả đời với cây lúa đều ngỡ ngàng.
Với những "hai lúa" miền Tây sau bao năm vất vả bởi điệp khúc "trúng mùa, rớt giá" nay sẽ "sống khỏe" nhờ bán được giá cao có lợi nhuận gấp đôi.
Với doanh nghiệp đây là cơ hội "vàng" để hốt bạc khi giá gạo thế giới tăng từng giờ, hiện tại gạo 5% tấm của Việt Nam xuất khẩu ở mức 638 USD, tăng 20 USD/tấn so với hôm trước.
Còn với ngành hàng lúa gạo Việt Nam là cơ hội có một không hai để thực hiện mục tiêu "kép" cứu đói cả thế giới và qua mặt các "ông lớn" về xuất khẩu gạo như Ấn Độ, Thái Lan... Thế nhưng, bà con nông dân chưa hưởng trọn niềm vui trúng giá, khi thị trường lúa gạo Việt Nam lộ ra nhiều bất ổn.
Đầu tiên là chuyện thị trường lúa, gạo trong nước nhảy múa loạn xạ, giá cả mỗi nơi mỗi khác, có hiện tượng lo ngại tăng giá nên mua gom, tích trữ.
Đơn cử tại Đồng Tháp giá gạo thơm các loại dao động từ 16.000 - 20.000 đồng/kg, rẻ nhất là gạo 504 giá 15.000 đồng/kg, gạo huyết rồng 22.000 đồng/kg (tăng 1.500 đồng so với tuần trước), nhưng cũng loại gạo này tại An Giang giá tăng cao hơn từ 1.000 - 3.000 đồng/kg.
Đến mức các tiểu thương kinh doanh gạo và các bà nội trợ ngao ngán thốt lên "kinh khủng quá, chỉ sau một đêm hôm sau mua bao gạo đã phải trả thêm 15.000 đồng". Những "hai lúa" miền Tây cũng "liểng xiểng" đứng ngồi không yên.
Theo nhiều lão nông ở An Giang, Kiên Giang thì tưởng rằng vụ này sẽ ngon lành, có đồng vô đồng ra để tiêu xài, sắm áo mới cho con cái vào năm học mới, nào ngờ những ngày qua lúa trữ đầy nhà nhưng không thấy bóng dáng thương lái đến thu mua.
Lý giải nghịch lý này, đại diện một số doanh nghiệp cho hay đa phần họ chưa có hợp đồng mà giá lúa cao quá không thể mua dự trữ vì thua lỗ.
Rõ ràng thực tế những ngày qua cho thấy trong điều hành thị trường và xuất khẩu gạo đang có những lỗ hổng rất đáng lo ngại. Lỗ hổng đó là trong số 180 doanh nghiệp xuất khẩu gạo chỉ có 30 doanh nghiệp có liên kết sản xuất, còn lại 150 tự mua tự bán "trôi nổi" theo mùa vụ, nên khi thị trường có nhu cầu lớn thì những doanh nghiệp này khó tìm được nguồn cung.
Để tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu trước diễn biến bất thường thời tiết và việc dừng xuất khẩu gạo của Ấn Độ có thể kéo dài, lúc này cần nhận diện và bịt ngay các lỗ hổng kể trên.
Trước mắt, các cơ quan quản lý cần kiểm soát chặt chẽ khối lượng gạo mà các doanh nghiệp đã ký kết xuất khẩu từ nay đến cuối năm, nhằm cân đối nguồn cung, tránh gây sốt ảo.
Cần củng cố chuỗi sản xuất từ nông dân đến doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu và giữa doanh nghiệp với nhau nhằm tránh cạnh tranh không lành mạnh lẫn nhau.
Lâu dài doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải đẩy mạnh hợp tác, liên kết để xây dựng vùng nguyên liệu cho riêng mình để khi nhu cầu thị trường được đẩy lên cao không bị đứt gãy chân hàng, vẫn mua được nguyên liệu xuất khẩu.
Đặc biệt, cần sớm sửa đổi nghị định 107 theo hướng đưa các điều kiện ràng buộc doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có vùng nguyên liệu để chủ động nguồn hàng.
Nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước trong xuất khẩu, như kiểm soát khối lượng doanh nghiệp đã ký hợp đồng vì lúa gạo là thương hiệu quốc gia nên dứt khoát phải có vai trò quản lý của Nhà nước để hạt gạo được bảo đảm chất lượng, thương hiệu trên thị trường quốc tế.
Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cho biết Tổng cục Ngoại thương (Bộ Công Thương Ấn Độ) ngày 20-7 đã ra thông báo về việc cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ thường.