Bộ luật Tố tụng Hình sự Trung Quốc quy định, mọi tài liệu có thể dùng để chứng minh những tình tiết của vụ án đều là chứng cứ, chia 8 loại: chứng cứ vật chất, chứng cứ tài liệu, lời khai nhân chứng, lời khai nạn nhân, lời khai nghi phạm hoặc bị cáo, ý kiến chuyên gia, các hồ sơ (từ thí nghiệm, giám định, nhận dạng, điều tra) và cuối cùng là tài liệu âm thanh hoặc hình ảnh và dữ liệu điện tử.
VKS có trách nhiệm đưa ra chứng cứ chứng minh bị cáo có tội. Chứng cứ liên quan bí mật quốc gia, bí mật thương mại hoặc bí mật đời tư của cá nhân phải được giữ bí mật.
Điều 55 của Bộ luật này nhấn mạnh khi chỉ có lời nhận tội của bị cáo và không có bằng chứng nào khác thì không thể kết tội hoặc kết án bị cáo. Nhưng nếu bị cáo không nhận tội mà chứng cứ đáng tin cậy và đầy đủ, vẫn có thể kết tội.
Những lời thú tội được thu thập bằng phương pháp bất hợp pháp hay tra tấn, bạo lực, đe dọa, đều không được công nhận. Ví dụ, nội dung nghe lén cho thấy bị cáo có hành vi gây án, nhưng việc nghe lén chưa được nhà chức trách phê chuẩn thì cuộc thoại đó vẫn không được công nhận là bằng chứng buộc tội.
Trong quá trình xét xử, VKS sẽ phải chứng minh các chứng cứ buộc tội được họ thu thập hợp pháp.
Trong án dân dự và cả hình sự, thẩm phán Trung Quốc có xu hướng đặc biệt coi trọng bằng chứng vật chất và tài liệu, với niềm tin rằng bằng chứng loại này không dễ bị giả mạo, phản ánh chính xác hơn những gì đã xảy ra. Bằng chứng tài liệu, vật chất do có thể chứng minh sự thật dễ dàng hơn nên có thể giảm bớt khối lượng công việc của thẩm phán trong việc xử lý vụ án.
Còn chứng cứ lời khai dễ bị thay đổi. Nhân chứng của các bên đều có thể khai gian dối để bảo vệ bản thân, bảo vệ các bên liên quan hoặc thậm chí để nhận tiền thù lao. Bên cạnh đó, các nhân chứng hiếm khi xuất hiện tại tòa án.
Trong một vài trường hợp, thẩm phán coi trọng bằng chứng vật chất, tài liệu hơn còn để tránh rủi ro nghề nghiệp. Bởi khi các thẩm phán bị chất vấn về tính đúng đắn của phán quyết, họ sẽ dễ dàng sử dụng các chứng cứ tài liệu để khôi phục phiên tòa, từ đó chứng minh rằng hành vi và phán quyết của họ tại thời điểm đó là hợp lý. Vì vậy, chứng cứ tài liệu trở thành "lá chắn" để thẩm phán tự bảo vệ mình.
Trong khi đó tại Mỹ, quyền quyết định một người có tội hay không sẽ thuộc về bồi thẩm đoàn 12 người. Các quy tắc về áp dụng bằng chứng trong buộc tội do đó cũng có khác biệt. Cụ thể, trong quá trình xét xử, kể cả bằng chứng hợp pháp nhưng không phải luôn được phép đưa ra.
Ví dụ, trong các vụ án hình sự, công tố viên thường không được phép đưa bằng chứng về tiền án tiền sự của bị cáo. Lý do là việc nghe bằng chứng loại này có thể khiến bồi thẩm đoàn có định kiến với bị cáo, việc kết tội dễ bị cảm tính.
Song nếu một người làm chứng có tiền án, tiền sự liên quan đến lĩnh vực mình đang làm chứng, bồi thẩm đoàn phải được biết, để đánh giá về độ tin cậy, uy tín của nhân chứng với thông tin anh ta sẽ đưa ra.
Hệ thống chứng cứ trong luật hình sự Mỹ được chia làm 4 loại: bằng chứng tài liệu, bằng chứng xác thực, bằng chứng chứng minh và bằng chứng chứng thực.
Bằng chứng xác thực là sự vật có thể được bồi thẩm đoàn nhìn thấy hoặc cảm nhận, cầm nắm, liên quan trực tiếp đến phần nào đó của tội phạm. Ví dụ, con dao, khẩu súng được sử dụng để giết người, các chất cấm tìm thấy trong nơi cư trú của bị cáo đều là bằng chứng xác thực. Chúng đều là vật chứng có thật, có thể quan sát và có liên quan đến tội phạm.
Bằng chứng tài liệu là bất kỳ loại tài liệu nào có thể được sử dụng để chứng minh hoặc bác bỏ sự thật của vụ án. Ví dụ, một bức ảnh của bị cáo rời khỏi hiện trường vụ án, các email được gửi đến và từ bị cáo về tội ác đều là bằng chứng. Đây là loại chứng cứ thuyết phục nhất, do đó công tố viên thường dựa rất nhiều vào nó để chứng minh vụ án của họ.
Bằng chứng chứng thực là bất kỳ loại thông tin nào được cung cấp bởi các nhân chứng có tuyên thệ, các chuyên gia của các lĩnh vực liên quan vụ án...
Người không có kiến thức về lĩnh vực đó hoặc không thể nhớ những gì mình đã chứng kiến sẽ không được coi là có năng lực chứng thực.
Ví dụ trong án mạng đầu độc, một bác sĩ, dược sĩ nghiên cứu độc tố có thể được công tố/luật sư mời đến để nhận định chuyên môn về tác hại của chất này lên cơ thể nạn nhân, với liều lượng, thời gian sử dụng thế nào sẽ gây ra tử vong... Lời khai của bác sĩ trong trường hợp này là bằng chứng chứng thực.
Bằng chứng chứng minh là loại bằng chứng dùng để minh họa cho lời khai của nhân chứng. Bằng chứng minh chứng có thể bao gồm bản đồ, sơ đồ và đồ thị, ảnh chụp, phim ghi lại hoặc phim chụp X-quang, bản đồ... Ví dụ, bồi thẩm đoàn có thể dễ dàng theo dõi lời khai của nhân chứng hơn nếu họ được cung cấp sơ đồ hoặc ảnh chụp về hiện trường vụ án.
Trong một vụ án tiêu biểu xét xử tội giết người thuê, một nhân chứng xác định bị cáo là người đã bắn nạn nhân. Bên công tố giới thiệu khẩu súng được sử dụng trong vụ án, các bức ảnh chụp hiện trường vụ án và một hợp đồng giết người lấy tiền công. Ở ví dụ này, tồn tại cả 4 loại chứng cứ: nhân chứng là chứng cứ chứng thực; khẩu súng là bằng chứng thực tế; hợp đồng giết người là bằng chứng tài liệu và ảnh chụp hiện trường là bằng chứng chứng minh.
Bồi thẩm đoàn đánh giá tầm quan trọng của 4 loại chứng cứ buộc tội khá ngang nhau, thậm chí họ có thể kết tội ngay cả khi không có lời thú tội, bằng chứng vật chất hoặc bất kỳ nhân chứng nào khác. Nhiều phạm nhân khắp nước Mỹ đang thụ án trong các vụ việc như bạo hành, dâm ô hay lạm dụng, đặc biệt là lạm dụng trẻ em, chỉ dựa vào lời tố của nạn nhân.
Hoặc cũng có những vụ án được kết tội, dựa phần nhiều vào lời nhận tội của bị cáo, đặc biệt trong các vụ được giải quyết bằng "thỏa thuận nhận tội".
Tính toán của Hội Luật gia Mỹ cho thấy, chi phí để mở mỗi phiên tòa có bồi thẩm đoàn trung bình là một triệu USD mỗi vụ. Trong khi số lượng vụ án ngày càng gia tăng và sức ép đè nặng lên các tòa án, Mỹ ngày càng thịnh hành phương pháp "thỏa thuận nhận tội", để không phải trải qua quá nhiều thủ tục tranh tụng rườm rà tốn kém, và đó được coi là một cách giải quyết vụ án hiệu quả.
Hội luật sư Mỹ ước tính khoảng 98% vụ án hình sự tại các tòa án liên bang đều kết thúc bằng một thỏa thuận nhận tội. Tòa án dần hướng tới vai trò trọng tài, hơn là xét xử. Bị cáo, đổi lại, được giảm án, truy tố khung nhẹ hơn hoặc đổi tội danh ít nghiêm trọng.
Ở Mỹ, bị cáo là bên có nhiều "lợi thế" hơn công tố khi bắt đầu phiên tòa, được cho là vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội.
Nói cách khác, bên công tố có nghĩa vụ chứng minh, theo đó bên công tố phải chứng minh "không còn nghi ngờ hợp lý" rằng bị cáo có tội.
Ngược lại, bị cáo không có nghĩa vụ phải chứng minh bất cứ điều gì, và cơ quan công tố không thực hiện nghĩa vụ của mình sẽ dẫn đến việc bị cáo được trắng án. Đó là lý do tại nhiều phiên tòa ở Mỹ, bị cáo im lặng suốt quá trình xét xử.
Tại Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Luật Bằng chứng mới 2023 vừa được sửa đổi bổ sung và có hiệu lực từ 2/1. Một trong những thay đổi quan trọng nhất được đưa vào bộ luật mới này là có tính đến bằng chứng điện tử.
Sau Covid-19 và sự phụ thuộc vào công nghệ và các loại thư tín điện tử trong khoảng thời gian gần hai năm, UAE nhận thấy, các bằng chứng loại này cần phải được hợp pháp hóa và cập nhật nhanh chóng.
Theo đó, bằng chứng điện tử là bất kỳ bằng chứng nào có thể được lấy từ bất kỳ dữ liệu hoặc thông tin nào được tạo, lưu trữ, trích xuất, sao chép, gửi, truyền hoặc nhận bằng công nghệ thông tin, trên bất kỳ phương tiện nào và có thể truy xuất được ở dạng có thể nhận biết được.
Bằng chứng điện tử sẽ bao gồm hồ sơ điện tử, tài liệu điện tử, chữ ký điện tử, con dấu điện tử, thư từ điện tử, e-mail, phương tiện truyền thông hiện đại...
Chín loại chứng cứ còn lại gồm: Bằng chứng bằng văn bản, bằng chứng bằng lời khai, sự nhận tội, giả thuyết, phong tục tập quán, lời tuyên thệ, kết quả điều tra và bằng chứng chuyên gia.
Luật UAE có chế tài xử phạt với nhân chứng được triệu tập nhưng cố tình không tới phiên tòa. Mức phạt ở luật cũ là 1.000 AED cho lần vắng đầu tiên, được nâng lên 2.000 trong luật mới. Ở lần vắng mặt thứ hai, tiền phạt sẽ 2.000-10.000 AED, tùy tính chất quan trọng của nhân chứng và vụ án, và có thể bị cảnh sát cưỡng chế áp giải tới tòa.
Giống như hầu hết tòa án khắp thế giới, nghĩa vụ chứng minh tội phạm ở UAE cũng thuộc về cơ quan công tố, song riêng trường hợp các vụ án liên quan tấn công tình dục, nghĩa vụ chứng minh tội phạm lại đặt nặng lên các nạn nhân, hầu hết là nữ. Ví dụ để buộc tội một nam giới vì tội hiếp dâm, luật quy định cần có sự thú tội của người đó và ít nhất 4 nhân chứng nam giới, điều này gần như bất khả thi trong mọi tình huống.
Do đó, một số nạn nhân tố cáo việc bị tấn công tình dục, nhưng đôi khi không thể chứng minh được, và cuối cùng, còn bị trừng phạt vì tội "quan hệ ngoài luồng". Tại UAE, việc các cặp vợ chồng quan hệ tình dục ngoài luồng, hay một người độc thân quan hệ tình dục với người đã có gia đình, đều là phạm pháp. Các hình phạt bao gồm bỏ tù, trục xuất, đánh roi và ném đá.
Hải Thư (Theo US Court, The Intelligencer, China Justice Observer, Jstor, NYT)
Xem thêm: lmth.7089364-aot-neihp-iat-iot-tek-ed-oan-gnuhc-gnab-gnuhn-oav-aud-coun-cac/ten.sserpxenv