Công tác cán bộ được coi là “then chốt” trong công tác xây dựng Đảng với nhiều khâu cùng quy trình chặt chẽ, bài bản. Tuy nhiên, nếu không được kiểm soát tốt thì rất dễ dẫn đến tình trạng dùng người nhà, người thân, họ hàng hay người “cánh hẩu” và cả tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.
Quy định 114/2023 của Bộ Chính trị không chỉ xác định trách nhiệm kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền mà còn đề cập đến việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.
Nhận diện, chống chạy chức, chạy quyền từ gốc
Thực tế công tác cán bộ ở một số ngành, cơ quan, đơn vị thời gian qua cho thấy tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy quy hoạch đã và đang diễn ra, không khó để kể tên một số vụ việc tiêu cực đã bị phát hiện, xử lý.
TS Trần Thị Hà Vân, Trưởng khoa Xây dựng Đảng Học viện Cán bộ TP.HCM |
Thường những sai phạm trong công tác cán bộ là do người đứng đầu, người có quyền lực lồng ghép ý đồ cá nhân khi thực hiện các khâu của công tác cán bộ nhưng lại được hợp thức hóa bởi nguyên tắc tập trung dân chủ. Qua kiểm tra một số vụ việc trong thực tế khi thấy có vấn đề nảy sinh, có dấu hiệu vi phạm thì thường được kết luận là đúng nguyên tắc, đúng quy trình nhưng vấn đề là không đúng người, đúng việc.
Quy định 114 của Bộ Chính trị không chỉ nhận diện hành vi chạy chức, chạy quyền và tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền mà đã chỉ rõ tám hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ để tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.
Trong đó, đáng chú ý là nội dung dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và người có quan hệ gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để người khác quyết định, chỉ đạo, tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự, bỏ phiếu bầu theo ý mình. Hoặc để người có quan hệ gia đình, người có mối quan hệ thân quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của bản thân tác động, thao túng, can thiệp vào các khâu của công tác cán bộ. Hay việc lồng ghép ý đồ cá nhân khi thực hiện các khâu trong công tác cán bộ vì động cơ, mục đích vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình thực hiện công tác cán bộ…
Như vậy, Quy định 114 đã nhận diện rõ các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ để có cơ sở xác định đối tượng “được chạy” mà xử lý, chứ không chỉ nhận diện và xử lý đối tượng “phải chạy”. Đây cũng là cơ sở, là mấu chốt để phát hiện, kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống chạy chức, chạy quyền từ gốc trong công tác cán bộ.
Khoanh vùng để không còn việc bố trí người nhà
Quy định 114 cũng đề cập đến việc không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh liên quan như thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị.
Quy định 114 đã nhận diện rõ các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Trong ảnh: Hội nghị sơ kết một năm hoạt động của BCĐ cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: TTXVN |
Đặc biệt, Đảng quy định không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đứng đầu các cơ quan ở 13 ngành. Đây là bước cụ thể hóa của Đảng khi đã “chỉ tên”, “khoanh vùng” các cơ quan, đơn vị không được bố trí người đứng đầu có quan hệ gia đình với người đứng đầu cấp ủy và người đứng đầu các cơ quan hành chính nhằm chống tình trạng “chủ nghĩa thân hữu”, “gia đình trị”, “một người làm quan cả họ được nhờ” đã tồn tại ở một số địa phương, gây bức xúc trong nhân dân, tác động đến tâm tư của cán bộ, đảng viên.
Chưa kể, khi người đứng đầu trong các cơ quan này có quan hệ gia đình mà tâm không trong sáng thì rất dễ dẫn đến tình trạng câu kết, móc ngoặc, lợi ích nhóm, bòn rút của công và của dân.
Quy định 114 của Bộ Chính trị là một bước tiến mới của Đảng trong công tác cán bộ với mục đích nhận diện rõ, đấu tranh quyết liệt, có hiệu quả với các việc làm sai trái, lợi ích nhóm, mưu lợi cá nhân, với các biểu hiện, hành vi chạy chức, chạy quyền. Bảo vệ cái đúng, chỉ rõ cái sai, phát hiện và xử lý kịp thời việc lạm dụng, lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền…
Để quy định này được thực hiện có hiệu quả thì phải đảm bảo tính đồng bộ trong tổ chức thực hiện từ trung ương đến địa phương. Người đứng đầu phải nêu gương, chấp hành nghiêm quy định, thực hiện đúng nguyên tắc, công tâm, dân chủ, khách quan trong công tác cán bộ; cán bộ, công chức, viên chức phải có dũng khí đấu tranh với những hành vi vi phạm trong công tác cán bộ.
Đồng thời, khi có vi phạm phải căn cứ vào trách nhiệm của người đứng đầu, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo để quy trách nhiệm rõ ràng, tránh đổ lỗi cho tập thể; phải xử lý nghiêm minh, kịp thời những sai phạm trong công tác cán bộ.
(*) Trưởng khoa Xây dựng Đảng Học viện Cán bộ TP.HCM
Không ai dùng tiền mua quyền với mục đích cống hiến
Theo TS Trần Thị Hà Vân, tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ là được coi là một loại tham nhũng khó phát hiện, để lại hậu quả lâu dài và nặng nề, làm suy yếu tổ chức, chất lượng cán bộ giảm sút, cản trở sự phát triển.
Nó cũng chính là căn nguyên dẫn đến các loại tham nhũng, tiêu cực khác, bởi không ai dùng tiền để mua quyền với mục đích cống hiến mà họ dùng quyền mua được với mục đích là để kiếm tiền.