Tại buổi tọa đàm phổ biến và giải đáp một số quy định mới của pháp luật thú y do Vụ Pháp chế, Cục Thú y và báo Nông Nghiệp Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức diễn ra chiều 14-8, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long lý giải về việc Việt Nam cho nhập nhiều động vật và sản phẩm từ động vật.
Theo ông Long, bất kỳ động vật, sản phẩm động vật nào (thịt và sản phẩm thịt) trước khi vào Việt Nam phải trải qua 6 bước.
Thứ nhất, nước nào muốn xuất khẩu thì phải gửi hồ sơ sang Việt Nam để đánh giá.
Thứ hai, sau khi đánh giá đạt yêu cầu, Cục Thú y sẽ báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập đoàn công tác sang nước muốn xuất khẩu để kiểm tra thực tế.
Thứ ba, nếu đạt yêu cầu thì mới thống nhất với nước xuất khẩu mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch.
Thứ tư, Cục Thú y mới xem xét hồ sơ của doanh nghiệp của nước xuất khẩu vào Việt Nam theo đúng quy định.
Thứ năm, nếu đạt yêu cầu thì mới chấp nhận hồ sơ đăng ký hướng dẫn kiểm dịch.
"Từ bước một đến bước năm chưa bao giờ ít hơn 5 năm. Có những nước lên tới hơn chục năm chưa đạt. Điều này có nghĩa Cục Thú y rất thận trọng trong việc đánh giá toàn diện từ doanh nghiệp và quốc gia xuất khẩu trước khi xem xét chấp nhận hay không chấp nhận" - ông Long nói.
Thứ sáu, ông Long cho biết khi được chấp thuận xuất khẩu vào Việt Nam thì doanh nghiệp phải đăng ký để được hướng dẫn kiểm dịch. Vì tại thời điểm đăng ký Cục Thú y phải kiểm tra xem tình hình dịch bệnh tại nước xuất khẩu và các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm. Trên cơ sở đó, Cục Thú y mới có văn bản hướng dẫn cho doanh nghiệp nhập khẩu.
Sau khi nhập khẩu vào Việt Nam, Cục Thú y tiếp tục kiểm tra giám sát để xem có dịch bệnh xâm nhiễm vào Việt Nam hay không và có đảm bảo an toàn thực phẩm không" - ông Long nói thêm.
Theo Tổng cục Hải quan, quý 1-2023, Việt Nam nhập khẩu gần 130.000 tấn thịt và sản phẩm từ thịt, trị giá 271 triệu USD.
Sang quý 2, nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt lại tăng. Cụ thể, Việt Nam nhập khẩu 165.000 tấn thịt và sản phẩm từ thịt, trị giá 326 triệu USD, tăng 27% về lượng và tăng 20% về trị giá so với quý 1-2023.
Ông Chu Nguyên Thạch - trưởng phòng kiểm dịch động vật, Cục Thú y - cho biết thông tư 09-2022 về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật có một số điểm mới.
Về kiểm dịch vận chuyển, lưu thông trong nước, thông tư 09 bổ sung bệnh dịch tả heo châu Phi ở heo.
Về kiểm dịch động vật nhập khẩu, thông tư bổ sung bệnh viêm da nổi cục đối với trâu, bệnh dịch tả loài nhai lại nhỏ đối với dê và bệnh dịch tả heo châu Phi đối với heo.
"Thông tư 09 đã giảm tỉ lệ lấy mẫu xét nghiệm bệnh đối với động vật nhập khẩu xuống còn 5%. Trước khi có thông tư 09, chúng tôi thường lấy mẫu toàn đàn", ông Thạch chia sẻ.
Đối với sản phẩm động vật trên cạn, Cục Thú y kiểm dịch gộp 5 mẫu thành 1 mẫu xét nghiệm, giảm 66,7% chi phí xét nghiệm (so với trước đây là 3 mẫu xét nghiệm/lô hàng)" - ông Thạch cho biết.
TTO - Theo trưởng đại diện Cục Chăn nuôi phía Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 10 tháng đầu năm nay Việt Nam nhập khoảng 211.000 tấn thịt gà, trong khi đó nguồn cung gà trong nước đang dồi dào, do đó cần hạn chế nhập khẩu gà đông lạnh.