Như Thanh Niên vừa đề cập, không chỉ dừng lại ở mục tiêu phát triển hiệu quả hành lang sông Sài Gòn và kênh rạch nội thành, TP.HCM đang muốn nối một dải đại lộ từ sông Sài Gòn tới sông Đồng Nai, kết nối toàn vùng Đông Nam bộ.
Ý tưởng này đã được đề cập trong nghiên cứu rà soát, đề xuất bổ sung, điều chỉnh quy hoạch đường ven sông Sài Gòn do Sở GTVT TP.HCM tiến hành. Đồng thời, tại cuộc họp mới đây giữa lãnh đạo UBND TP.HCM cùng các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, lãnh đạo các địa phương đã thống nhất chủ trương đề xuất định hướng quy hoạch ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, kết nối khu vực Đông Nam bộ.
Trao đổi với Thanh Niên sáng 11.8, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết định hướng chung là sẽ tận dụng tối đa các tuyến đường hiện hữu chạy dọc sông Sài Gòn để hoạch định hướng tuyến quy hoạch một cách linh hoạt, phù hợp với hiện trạng, cảnh quan đô thị dọc sông. Mục tiêu là hình thành trục đường ven sông Sài Gòn kết nối giữa các tỉnh Đông Nam bộ, không những thuận lợi về mặt giao thông mà phải đảm bảo cảnh quan đô thị đẹp, phục vụ du lịch, tương xứng với tiềm năng của sông Sài Gòn.
Nên là tuyến đường đa mục tiêu
Đánh giá tầm nhìn quy hoạch này sẽ giúp phát triển hiệu quả hành lang sông Sài Gòn trên quy mô liên kết vùng, bạn đọc (BĐ) Vanson Le đồng thời xem đây là ý tưởng đột phá: "Tôi hình dung một đại lộ ven sông như cao tốc vậy. Không những có không gian đô thị mới mà kéo theo sự phát triển mọi mặt về kinh tế xã hội của khu vực phía nam". BĐ Van Dong Nguyen còn đề nghị nếu đã đặt vào tầm nhìn quy hoạch thì cần đi trước, đón đầu luôn về quy mô: "Nên ước lượng chính xác lưu lượng giao thông trên tuyến đường này, theo tôi nên làm 8 làn đường. Đừng như các cầu, đường đã làm trước đây, khi làm xong bị quá tải mấy lần".
Ý tưởng về một đại lộ kết nối kinh tế, văn hóa mang lại nhiều sự hào hứng, tuy nhiên cũng có BĐ cho rằng "dòng chảy của con đường cần nghiêng về hướng du lịch". BĐ duc tri nguyen nêu ý kiến: "Tại sao lại chờ đợi tuyến kết nối này là tuyến cao tốc? Tôi cho rằng đường ven sông phải là con đường dành cho du lịch, mang ý nghĩa lớn hơn nhiều là con đường chỉ để lưu thông".
Trong mạch suy nghĩ này, BĐ duc tri nguyen tiếp tục hình dung: "Dọc con đường này một bên là nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, bãi đỗ xe, công viên, một bên còn lại là bờ sông với hệ thống cống ngầm để thoát nước chống ngập, một vỉa hè rộng thênh thang với những hàng cây, ghế đá, bến du thuyền...".
BĐ Trương Công Đoàn đánh giá: "Đề xuất hợp lý. Nếu thành hiện thực sẽ mở ra tuyến đường mới phát triển ven sông". Đa số BĐ mong ý tưởng về dải đại lộ ven sông kết nối toàn vùng Đông Nam bộ sẽ sớm trở thành hiện thực.
Cần cơ chế kết nối
Nếu xem đề xuất của TP.HCM là một ý tưởng kết nối vùng, BĐ Thắng Nguyễn cho rằng: "Cần phải có cơ chế kết nối vốn, kết nối quy hoạch để có thể thực hiện việc nối dài tuyến đường đồng nhất và đồng loạt".
BĐ Lê cũng cho rằng điều đáng ngại nhất của các ý tưởng quy hoạch là "nằm trên giấy quá lâu". Từ đó, BĐ Lê nêu ý kiến: "Vấn đề quan trọng là khi nào làm, chứ quy hoạch xong rồi treo đó thì tội người dân lắm". Cùng lo ngại này, BĐ Hà Mai băn khoăn: "Có thể ưu tiên phát triển trước một đại lộ kết nối đường thủy được không? Đường thủy thì vận hành được ngay, đường bộ ven sông thì phải chờ lâu hơn và đặc biệt là lo lắng chuyện đội vốn".
Phát biểu trên Thanh Niên, ông Trần Quang Lâm khẳng định: "TP.HCM cùng các tỉnh đang thực hiện quan điểm của quy hoạch mở rộng không gian kết nối, không chỉ kết nối thuận tiện về giao thông mà còn mở ra tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch, kéo theo nhiều lợi thế của vùng Đông Nam bộ gắn với đặc thù sông nước".