Tổ yến có giá trị kinh tế lớn
Mới đây, Sở Công Thương, Sở NNPTNT Tp.HCM cùng các cơ quan, doanh nghiệp đã tổ chức ký kết hợp tác xây dựng cùng lúc 3 chương trình: 1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP (đặc sản địa phương); Thương hiệu nông sản Cần Giờ; Sàn giao dịch hàng hóa Tp.HCM.
Theo báo Vietnamnet, chia sẻ tại sự kiện, ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, Tp.HCM cho biết, địa bàn huyện hiện có khoảng 520 căn nhà yến, sản lượng thu hoạch bình quân 14-15 tấn yến khô/năm.
Yến Cần Giờ đã được chế biến ra thành nhiều mặt hàng, trong đó, có cả cà phê yến. Đặc sản OCOP yến này không còn nằm trong biên giới huyện, thành phố, quốc gia mà đang muốn đi ra thế giới.
Ông Nguyễn Quách Nhi, Giám đốc kinh doanh ngành hàng thực phẩm tiêu dùng (Công ty TNHH Tiki) cho hay, tổ yến Việt Nam là mặt hàng tiềm năng và giá trị cao. Ước tính, quy mô thị trường yến toàn cầu khoảng 8 tỷ USD, trong đó, thị trường Việt Nam là 800 triệu USD.
Trên thế giới chỉ có khoảng 4-5 quốc gia sản xuất, kinh doanh mặt hàng này và đa phần các nhà mua hàng lớn ở Hồng Kông (Trung Quốc) đánh giá, tổ yến Việt Nam có chất lượng cao hơn. Do điều kiện tự nhiên, sản phẩm cũng có vị đậm và mùi thơm hơn.
Cần Giờ có khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Rừng Sác rất nổi tiếng, thích hợp để nghiên cứu phát triển ngành tổ yến. "Trước những điều kiện thuận lợi về sản xuất cũng như thị trường ít đối thủ cạnh tranh, tại sao chúng ta không chủ động xây dựng thương hiệu cho tổ yến Cần Giờ, tổ yến Việt Nam là sản phẩm tốt nhất thế giới. Trong khi, năm 2019, Indonesia đã xuất khẩu yến tới 3,6 tỷ USD", ông Nhi nói.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp.HCM, ông Nguyễn Nguyên Phương, thừa nhận, người dân có thể mua đặc sản các tỉnh tại thành phố nhưng không tìm được đặc sản của riêng chính thành phố về làm quà.
Do đó, việc xây dựng những câu chuyện liên quan đến sản phẩm như yến, nhằm tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm, thu hút người tiêu dùng. Xa hơn, các sản phẩm OCOP sẽ không chỉ kết nối ở thị trường nội địa mà còn có thể mang quy mô toàn cầu.
Xây dựng thương hiệu "Tổ yến tốt nhất thế giới"
Theo Người Lao Động, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương Tp.HCM chia sẻ, TP với vai trò là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, đặc sản vùng miền nào cũng có mặt tại đây. Tuy nhiên, khi người dân các nơi đến thành phố muốn mua đặc sản gì đó về làm quà thì không tìm được. "Chúng tôi muốn đẩy mạnh các hoạt động kết nối sản xuất và thương mại để đưa hàng hóa đến gần với người tiêu dùng hơn. Cùng với đó là việc xây dựng những câu chuyện liên quan đến sản phẩm nhằm tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm, giúp chúng tạo ấn tượng tốt hơn với người tiêu dùng. Chúng ta không chỉ kết nối ở thị trường nội địa mà phải nghĩ rộng ra thị trường trên quy mô toàn cầu", ông Phương nhấn mạnh.
Cũng theo ông Phương, qua đánh giá bước đầu của các sở, ngành, chuyên gia, doanh nghiệp, sản phẩm yến sào Cần Giờ có tiềm năng lớn nhất, phù hợp để thí điểm xây dựng thương hiệu nông đặc sản của thành phố trong giai đoạn hiện nay.
"Để phát triển chuỗi giá trị yến sào Cần Giờ, việc xây dựng quy trình sản xuất khép kín, kiểm soát chuỗi cung ứng, tiêu chuẩn hóa chất lượng… là hết sức cần thiết và tương đối thuận lợi trong điều kiện hiện nay, là cơ sở bền vững để xây dựng, phát triển yến sào Cần Giờ trở thành thương hiệu lớn của Tp.HCM và Việt Nam, tương tự nhân sâm Hàn Quốc, mật ong Manuka New Zealand…", ông Phương kỳ vọng.
Cần Giờ có 519 nhà nuôi chim yến, trong đó 459 nhà đã cho thu hoạch; sản lượng ước đạt 14,96 tấn, trị giá khoảng 250 tỷ đồng/năm.
Thông tin thêm trên Vietnamnet, trước đó đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, khoảng 10 năm trở lại đây, nghề nuôi chim yến phát triển nhanh với nhiều loại hình và quy mô khác nhau. Sản lượng tổ yến (yến sào) của Việt Nam đạt khoảng trên 130-150 tấn/năm. Thị trường nhập khẩu chính tổ yến của nước ta là Trung Quốc, cộng đồng người Hoa ở các nước Mỹ, Australia, New Zealand.
Cả nước có 42/63 tỉnh có nuôi chim yến. Số lượng nhà yến toàn quốc tăng rõ rệt những năm qua. Năm 2017, tổng số nhà yến toàn quốc trên 8.300 nhà yến; tới năm 2022 tăng lên 23.665 nhà yến (gấp khoảng 3 lần). Tỉnh có số lượng nhà yến lớn nhất là Kiên Giang với 2.995 nhà yến; khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 10.572 nhà yến, chiếm 44,67% cả nước.
Những năm gần đây, việc dẫn dụ, gây nuôi chim yến và khai thác sản phẩm từ yến là nghề cho sản phẩm có giá trị dinh dưỡng và kinh tế rất cao, giá tổ yến là 1.500-2.000 USD/kg. Sản phẩm tổ yến chủ yếu được các công ty xuất khẩu, thu về khoản ngoại tệ khoảng 200-300 triệu USD/năm, thông tin từ Cục Chăn nuôi.
Trúc Chi (t/h)