Hãng tin TASS dẫn thông báo từ văn phòng báo chí Quân khu phía Nam của Nga ngày 15-2 cho biết một số lượng binh sĩ bắt đầu quay lại căn cứ thường trực sau các cuộc tập trận theo lịch trình ở bán đảo Crimea.
“Ngày 15-2-2022 sẽ đi vào lịch sử là ngày phương Tây thất bại trong việc tuyên truyền chiến tranh. Phải chịu nhục nhã và bị tiêu diệt mà không cần phát súng nào bắn ra” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova viết trên tài khoản mạng xã hội, cáo buộc phương Tây đang cố tình gia tăng căng thẳng. Ý kiến quan sát cho rằng có thể bà Zakharova muốn nói đến việc phía Mỹ báo động rằng Nga có thể tấn công Ukraine vào ngày 16-2. |
Tín hiệu tốt: Nga rút quân ở Crimea về
Hãng tin AFP cũng đưa tin rằng Nga cho biết đang rút một số lượng binh sĩ gần biên giới với Ukraine về các căn cứ của mình. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết một số lực lượng được triển khai gần Ukraine đã hoàn thành quá trình tập trận và đang thu dọn đồ đạc, khí tài để lên đường quay về căn cứ.
Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu đơn vị rút về và việc rút quân sẽ có ảnh hưởng gì đến tổng số quân xung quanh Ukraine nhưng đây là thông báo đầu tiên về việc Nga rút quân trong nhiều tuần.
Tờ The Moscow Times dẫn lời ông Konashenkov cho biết các cuộc tập trận “quy mô lớn” của quân đội Nga vẫn đang tiếp tục ở nhiều khu vực, bao gồm các cuộc tập trận chung ở Belarus và các cuộc tập trận hải quân ở Biển Đen và các nơi khác.
Xe bọc thép chở binh sĩ Nga trên đường cao tốc Crimea hồi tháng 1. Ảnh: AP
Tuy nhiên, AFP nhận định động thái rút quân từ Crimea là bước quan trọng đầu tiên nhằm giảm leo thang sau nhiều tuần khủng hoảng với phương Tây quanh vấn đề Ukraine.
Cuộc khủng hoảng - được đánh giá là tồi tệ nhất giữa Nga và phương Tây kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc - xảy ra sau khi Moscow tập trung hơn 100.000 quân gần biên giới với Ukraine và lên đến đỉnh điểm trong tuần này với việc các quan chức Mỹ cảnh báo rằng Nga có thể tấn công quân sự vào Ukraine kể cả vào thủ đô Kiev trong vòng vài ngày tới.
Cơ hội xuống thang
Động thái rút quân của Nga diễn ra trong bối cảnh đang có nhiều nỗ lực ngoại giao nhằm ngăn chặn nguy cơ Nga tấn công Ukraine.
Theo AFP, nếu phương Tây xác nhận rằng Nga đang thực hiện các bước để giảm bớt lực lượng thì điều này sẽ làm giảm bớt lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh lớn ở châu Âu.
Ngày 15-2, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói rõ rằng “trách nhiệm giảm leo thang rõ ràng thuộc về Nga và Moscow phải rút quân”. Ngoại trưởng Đức Baerbock khẳng định “chúng ta phải tận dụng mọi cơ hội đối thoại để đạt được một giải pháp hòa bình”.
Phần mình, các quan chức Mỹ khẳng định rằng “ngoại giao vẫn tiếp tục khả thi”. Điện đàm ngày 14-2, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson đồng ý rằng “cửa sổ quan trọng cho ngoại giao” vẫn còn.
Các phát ngôn từ các lãnh đạo Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Nga ngày 14-2 cũng đưa ra một số hy vọng về việc giảm leo thang. Trong cuộc họp với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 14-2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết “luôn có cơ hội” đạt được một thỏa thuận với phương Tây về vấn đề Ukraine. Ông Lavrov nói với ông Putin rằng các cuộc trao đổi với các nhà lãnh đạo các nước châu Âu và Mỹ đã cho thấy đủ cơ hội để đạt các mục tiêu Nga theo đuổi.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói với ông Putin rằng một số cuộc tập trận quân sự Nga phát động vào tháng 12-2021 đã kết thúc và nhiều cuộc tập trận khác sẽ kết thúc trong tương lai gần.
Về Ukraine, ngày 15-2, Ngoại trưởng Dmytro Kuleba lạc quan rằng “chúng tôi và các đồng minh của chúng tôi đã cố gắng ngăn chặn Nga không leo thang thêm nữa”. Một cố vấn thân cận của Tổng thống Volodymyr Zelensky gần đây cũng cho The New York Times biết là ông đã nhận thấy cơ hội đạt được một giải pháp ngoại giao cao hơn xung đột.
Phương Tây vẫn báo động
Trước đó, ngày 14-2, Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết nhận được thông tin từ phía Mỹ rằng Nga có thể tấn công vào ngày 16-2.
Ít nhất 39 nước đã rút một lượng lớn nhân sự ngoại giao về nước và cảnh báo công dân nhanh chóng rời Ukraine. Theo tờ The Guardian, giới chức Mỹ những ngày gần đây liên tục cảnh báo nguy cơ Nga tấn công Ukraine. Mỹ sơ tán hầu hết nhân viên đại sứ quán (ĐSQ), chỉ để lại một nhóm nhỏ đảm trách những hoạt động khẩn cấp và hỗ trợ công dân gặp sự cố; và di chuyển họ từ Kiev đến TP Lviv ở miền Tây Ukraine.
Anh cũng đã rút phần lớn nhân viên ĐSQ về nước. Đại sứ Anh Melinda Simmons sẽ ở lại Kiev cùng với một nhóm nhỏ khác để tiếp tục giải quyết công việc thiết yếu. Mỹ, Anh, Canada cũng rút các cố vấn quân sự về nước.
Một số quan chức ngoại giao ở Kiev nói rằng những hình ảnh rút lui trong hỗn loạn ở Afghanistan cách đây sáu tháng vẫn ám ảnh giới lãnh đạo phương Tây.
Có thông tin Ukraine sẽ đóng cửa không phận trong vài ngày tới. Do lo ngại xung đột xảy ra, hiện nhiều hãng hàng không đã dừng khai thác chuyến bay tới Ukraine hoặc tránh không phận Ukraine để tránh lặp lại kịch bản năm 2014, khi một máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines số hiệu MH17 bị bắn rơi khi qua không phận miền Đông Ukraine, làm 298 người thiệt mạng.•
Lầu Năm Góc: Lính Mỹ sẽ không tham chiến Đài RT ngày 14-2 dẫn lời người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết lính Mỹ sẽ không tham chiến tại Ukraine nếu Nga quyết định tấn công quốc gia Đông Âu này. “Tổng thống Biden đã nói rất rõ rằng binh lính Mỹ sẽ không chiến đấu tại Ukraine. Nếu chúng tôi đưa binh lính tới đó với sứ mệnh hỗ trợ di tản công dân Mỹ thì điều này sẽ làm trầm trọng thêm nguy cơ tính toán sai lầm và chắc chắn làm tăng khả năng quân đội Mỹ và Nga giao chiến với nhau” - ông Kirby nhấn mạnh. Trước đó, một cuộc khảo sát do tờ The Economist và Công ty phân tích YouGov phối hợp thực hiện công bố hôm 11-2 cho thấy chỉ 13% người Mỹ trưởng thành tin rằng việc triển khai quân đội để đối đầu với quân đội Nga ở Ukraine là một “ý tưởng hay”, trong khi đa số phản đối bất kỳ sự can thiệp nào. Những người được khảo sát ủng hộ thực thi các biện pháp khác như trừng phạt, hỗ trợ tài chính và gửi vũ khí.
|