Phát hiện rừng phi lao bị hạ nhưng không báo cáo
Theo tìm hiểu, từ tháng 7-2021, UBND tỉnh Ninh Thuận có quyết định cho phép chuyển đổi rừng sang mục đích sử dụng khác để thực hiện dự án Ninh Chữ Sailing Bay tại xã Tri Hải (huyện Ninh Hải). Trong đó, có hơn 1ha là rừng phi lao.
Đến ngày 16-5-2022, tỉnh Ninh Thuận có văn bản giao ban quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa tổ chức bán đấu giá tài sản số lâm sản tại dự án theo phương án tận thu lâm sản.
Thế nhưng khi liên hệ để hướng dẫn công ty chuẩn bị hồ sơ để bán đấu giá thì phát hiện rừng phi lao trên đã bị cưa hạ. Điều đáng nói, ban quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa lại không báo cáo vụ việc đến các cơ quan chức năng cao hơn.
Đến ngày 24-5-2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận tổ chức kiểm tra tại dự án mới phát hiện sự việc.
Cơ quan chức năng xác định thời gian rừng phi lao bị cưa hạ trong khoảng từ ngày 6-5 đến 16-5-2022.
Sự việc "bại lộ"… mới mua lại lâm sản
Thời điểm cơ quan chức năng phát hiện sự việc, công ty trên đã sử dụng một phần số cây phi lao để làm dụng cụ chống đỡ, phần còn lại đã mối mọt.
Ngày 30-5-2023, sau gần một tuần bị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát hiện sự việc tự ý cưa 1ha cây phi lao, công ty trên mới có văn bản đề nghị mua lại toàn bộ số lâm sản đã tự ý cưa hạ.
Công ty cổ phần Ninh Chữ Bay lý giải: "Việc tự ý cưa hạ 1ha rừng phi lao là để thuận tiện cho các phương tiện vận tải chở vật tư ra vào, làm nhà cho cán bộ công nhân và tập kết vật tư phục vụ thi công".
Sở Tư pháp tỉnh Ninh Thuận cho biết số lâm sản trên được xác định là tài sản thuộc sở hữu nhà nước phải bán đấu giá công khai theo quy định bằng phương thức "bán đấu giá cây đứng".
Liên quan đến vụ việc trên, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam giao các cơ quan liên quan tổ chức xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan.
Đồng thời, chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cũng giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu xử lý vi phạm của Công ty cổ phần Ninh Chữ Bay.
TTO - Tại tiểu khu 613 xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng), một trong những điểm "nóng” bất động sản, có 1,9 hecta rừng bị triệt hạ bằng cưa máy, cây chất thành đống la liệt.