Nga tấn công phía tây Ukraine
Ngày 16-8, lực lượng phòng không Ukraine phát hiện một nhóm lớn các thiết bị không người lái của Nga đang tiến về phía cảng Izmail, một cửa ngõ xuất khẩu ngũ cốc quan trọng của Kiev.
Trước đó, Ukraine cho biết trong ngày 15-8 một loạt tên lửa của Nga nã xuống các khu vực ở miền tây nằm cách xa chiến tuyến. Tại thành phố Lviv, hệ thống phòng thủ của Ukraine chỉ chặn được 1 trên 6 tên lửa của Nga, khiến 19 người bị thương và hàng chục ngôi nhà bị hư hại.
Ông Serhii Cherevatyi, phó chỉ huy phụ trách liên lạc chiến lược của nhóm quân sự phía đông, nói rằng Ukraine đã củng cố các vị trí ở phía đông Kharkiv, dọc theo trục Lyman-Kupiansk. Kiev cũng tuyên bố phản công thành công ở khu vực phía nam theo hướng Melitopol và Berdiansk.
Trong khi đó, Nga tuyên bố đã tiêu diệt các đồn chỉ huy phòng không và chiến tranh điện tử của Ukraine ở Donetsk và các kho đạn của Kiev ở khu vực Zaporizhzhia tại phía nam, theo Hãng tin Tass.
* Triều Tiên muốn tăng cường hợp tác quân sự với Nga. Ngày 15-8, Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên, ông Kang Sun Nam, cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong Un của nước này đã kêu gọi đẩy mạnh "hợp tác chiến lược và chiến thuật" với Nga trong lĩnh vực an ninh quốc phòng.
Nhà lãnh đạo quân sự Triều Tiên cũng nói rằng chiến tranh hạt nhân là điều không thể tránh khỏi. "Vấn đề bây giờ không phải liệu chiến tranh hạt nhân có nổ ra ở bán đảo Triều Tiên hay không, mà là ai và khi nào nó bắt đầu", Đài RT của Nga dẫn lời ông Kang.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng khẳng định hai nước "sẽ tăng cường hợp tác song phương trong mọi lĩnh vực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, cũng như sự ổn định và an ninh vững chắc của bán đảo Triều Tiên và toàn bộ khu vực Đông Bắc Á".
Trong phản ứng sau đó, Mỹ cảnh báo nếu Matxcơva và Bình Nhưỡng bắt tay mua bán vũ khí sẽ là vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Hãng tin AFP dẫn lời Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Nga muốn hợp tác với Triều Tiên, cũng như Iran, để hỗ trợ cho cuộc chiến ở Ukraine.
* Nga thử nghiệm tiền điện tử để tránh trừng phạt. Sau nhiều năm ấp ủ, đồng ruble điện tử của Nga bước vào giai đoạn thử nghiệm từ ngày 15-8. Ngân hàng Trung ương Nga cho biết 13 ngân hàng sẽ tham gia giao dịch đồng tiền điện tử tại 11 thành phố.
Khoảng 20 nước khác trên thế giới cũng đang thử nghiệm tiền điện tử.
Nga cho biết tiền sử dụng công nghệ blockchain sẽ giúp giao dịch an toàn, thuận tiện hơn trong khi giới chuyên gia phương Tây cho rằng mục đích của Matxcơva nhằm giúp hệ thống tài chính linh hoạt hơn và tiền điện tử sẽ khó bị trừng phạt hơn.
* Phần Lan nói Nga vẫn chưa đưa quân đến gần biên giới. Trong tuyên bố ngày 15-8, Ngoại trưởng Elina Valtonen của Phần Lan cho biết Nga vẫn chưa thực hiện tuyên bố cuối năm ngoái về cải cách quân sự và lập các đơn vị mới ở phía tây bắc để đối phó với sự bành trướng của NATO.
"Các nguồn lực của Nga dường như đang bận rộn ở nơi khác", bà Valtonen nói. Nước này hiện đang củng cố hàng rào tại 200km trên 1.340km biên giới với Nga.
Sau khi Phần Lan gia nhập NATO hồi tháng 4-2023, Matxcơva đã tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả các nguy cơ từ biên giới phía tây.
Niger vẫn rộng đường ngoại giao
Chính quyền quân sự Niger cho biết vẫn sẵn lòng đối thoại trong lúc Mỹ và Nga kêu gọi giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng tại quốc gia Tây Phi này.
"Chúng tôi đang trong quá trình chuyển đổi. Chúng tôi nhắc lại rằng chúng tôi sẵn sàng cởi mở và nói chuyện với tất cả các bên, nhưng phải nhấn mạnh đất nước chúng tôi cần được độc lập", ông Ali Mahamane Lamine Zeine, người được quân đội bổ nhiệm làm thủ tướng vào tuần trước, khẳng định.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 15-8 cho biết Washington vẫn tin có thể đảo ngược cuộc đảo chính ở Niger bằng con đường ngoại giao. "Tôi nghĩ họ (chính quyền quân sự Niger) phải tính đến điều đó, cũng như thực tế là hành động của họ đã cô lập họ với khu vực và thế giới", ông Blinken nói.
Trong khi đó, các chỉ huy quân đội Tây Phi sẽ họp vào ngày 17 và 18-8 để chuẩn bị cho việc can thiệp quân sự mà nhóm Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) đã đe dọa sẽ thực hiện nếu ngoại giao thất bại.
Nigeria, thủ lĩnh ECOWAS, cho biết đã nhận được sự ủng hộ của nhóm Cộng đồng Kinh tế Trung Phi (ECCAS) về vấn đề Niger.
* Ông Biden sẽ đến Hawaii sau thảm họa cháy rừng. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông sẽ đến Hawaii "sớm nhất có thể" để đánh giá thiệt hại và xoa dịu những người sống sót sau vụ cháy rừng chết người nhất tại nước này trong 100 năm qua.
Trong khi đó, lực lượng cứu hộ đang đẩy mạnh việc tìm kiếm nạn nhân bằng tia X và các công nghệ khác trong lúc chính quyền bắt đầu nhận dạng 99 thi thể được tìm thấy.
Đến nay, họ chỉ mới tìm kiếm được 1/4 khu vực bị cháy và số nạn nhân ước tính có thể tăng mạnh.
* Mỹ nói thượng đỉnh Mỹ - Nhật - Hàn không nhắm đến Trung Quốc. Người phát ngôn Vedant Patel của Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định cuộc họp thượng đỉnh của 3 đồng minh vào cuối tuần này chỉ nhằm củng cố hợp tác trong các lĩnh vực có lợi ích chung, theo Hãng tin Reuters.
"Không có lý do gì để coi hội nghị thượng đỉnh này là hành động khiêu khích hay động thái, nỗ lực nào nhằm kích động căng thẳng", ông Patel nói.
Ngày 15-8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cùng người đồng cấp Nhật Bản Yoshimasa Hayashi và Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin đã bắt đầu cuộc họp trực tuyến trước thềm hội nghị thượng đỉnh tại Mỹ.
Các bên sẽ thảo luận các vấn đề về an ninh kinh tế, trí tuệ nhân tạo, chuỗi cung ứng chất bán dẫn cũng như xung đột Nga - Ukraine.
"Con trai của Trái đất"
Tiêm kích Nga đánh chặn máy bay Na Uy; Tổng thống Ukraine thăm binh sĩ ở tiền tuyến; Liên Hiệp Quốc lên án nỗ lực truy tố tổng thống Niger; Nổ trạm xăng, mỏ dầu tại Nga... là một số tin tức thế giới đáng chú ý ngày 15-8.