Ngày 15/8, Vinfast chính thức được niêm yết trên Nasdaq, Mỹ với mã VFS. Sự kiện này được nhiều người đánh giá là cột mốc lịch sử khi một doanh nghiệp Việt Nam được niêm yết thành công và tạo ra những hiệu ứng tích cực trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Bản thân Phó Chủ tịch Nasdaq Bob McCooey cũng dành nhiều mỹ từ để nói về quyết tâm, về nỗ lực của người Vinfast trong việc tạo ra các phương tiện thông minh, an toàn và thân thiện với môi trường.
Chia sẻ về việc Vinfast được niêm yết tại Mỹ, Doanh nhân Đỗ Cao Bảo, một trong 13 thành viên sáng lập Tập đoàn FPT, nhấn mạnh: “Vinfast đã làm được việc cực khó là niêm yết trên sàn Nasdaq dù cho có những trở ngại tưởng như không thể vượt qua. Tôi hy vọng Vinfast sẽ trở thành thương hiệu ô tô điện có thị phần lớn tại thị trường Mỹ và châu Âu”.
Bên cạnh đó, vị doanh nhân nhiều năm dạn dày trên thương trường cả trong và ngoài nước nhấn mạnh việc lên sàn thành công của Vinfast góp phần không nhỏ trong việc tạo dựng niềm tin cho khách hàng cũng như nâng tầm thương hiệu của hãng xe ô tô của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Tuy nhiên, ông Bảo cũng nhấn mạnh con đường phía trước của Vinfast chắc chắn không phải hành trình trải đầy hoa hồng. Ngược lại, sẽ có rất nhiều khó khăn, thách thức mà người Vinfast sẽ phải kiên định và nỗ lực vượt qua.
“Tôi nghĩ việc chinh phục các thị trường khó tính như Mỹ và châu Âu sẽ là thử thách rất lớn, đối thủ của Vinfast là những tên tuổi lẫy lừng như Tesla, Chevrolet, Ford, Huyndai, BMW, Mercedes-Benz, Volkswagen, Rivian, Kia, Audi, Nissan, Volvo, Polestar, họ không những có thương hiệu, có tiềm lực tài chính, có kinh nghiệm trong lĩnh vực xe ô tô mà còn đang có số lượng xe ô tô điện bán ra nhiều gấp 10, 20, 50, 100 lần Vinfast. Vinfast phải làm sao để người Mỹ, người châu Âu tin tưởng, yêu thích và quyết định mua xe, mà phải mua xe với số lượng lớn, lên tới hàng trăm ngàn chiếc chứ không chỉ dừng lại ở vài nghìn, vài chục nghìn xe”, ông Bảo nhận định.
Theo cựu Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FPT, Go Global thì gốc rễ vẫn là sản phẩm, dịch vụ, thị trường và khách hàng. Dù trong bất cứ lĩnh vực nào, doanh nghiệp cũng cần bán những sản phẩm chất lượng, dịch vụ chu đáo nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Sau đó, số lượng hàng được bán cũng cần phải lớn, phải có doanh số lớn và phải có lợi nhuận, đấy mới là cái đích cần hướng tới, đấy mới là giá trị cốt lõi, việc niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ chỉ là công cụ để đạt được điều đó thôi.
Thực ra, với một lĩnh vực cần rất nhiều vốn như sản xuất xe điện, IPO thành công đã mở ra cơ hội huy động vốn cho Vinfast. Chắc chắn rằng Vinfast sẽ còn phải huy động vốn nhiều lần nữa cho chặng đường dài phía trước. Có vốn, Vinfast mới có tiền để đầu tư xây nhà máy, mua sắm trang thiết bị, máy móc, nghiên cứu công nghệ, thiết kế các mẫu mã xe, tổ chức sản xuất và tổ chức hệ thống dịch vụ hậu mãi, làm thương hiệu….
Tuy với Vinfast, việc IPO mang lại nhiều giá trị to lớn nhưng ông Bảo khuyên các doanh nghiệp Việt Nan khác cần cân nhắc mục tiêu và thời điểm lên sàn ở Mỹ, nhất là khi không quá cần vốn như Vinfast. Thay vào đó, cần đặt mục tiêu chinh phục thị trường trước rồi mới quay tính việc IPO.