Sáng 16-8, Câu lạc bộ Thư pháp Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM tổ chức triển lãm thư pháp Việt với chủ đề Cội nguồn.
Đây là một trong những hoạt động hướng đến kỷ niệm 48 năm ngày thành lập Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM (4-9-1975 - 4-9-2023).
Trưng bày 160 tác phẩm thư pháp đặc sắc
Triển lãm Cội nguồn trưng bày hơn 160 tác phẩm của hơn 80 nhà thư pháp, ông đồ đến từ 24 tỉnh, thành trong cả nước như: TP.HCM, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Long An, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai...
Các tác phẩm được sáng tác trên chất liệu bằng lụa, khung kính, gỗ, canvas...
Nội dung tác phẩm thể hiện tình yêu quê hương, đất nước; tình cảm dành cho ông bà, cha mẹ; những câu ca dao, tục ngữ, thơ ca.
Ông Nguyễn Hồng Phúc - giám đốc Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM - cho biết triển lãm này là hoạt động mở đầu chuỗi sự kiện kỷ niệm ngày thành lập Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM.
Triển lãm lần này mang dấu ấn đặc biệt về số lượng tác phẩm, số lượng ông đồ tham dự và cả quy mô tổ chức. Theo ông Hồng Phúc, đây là triển lãm thư pháp lớn nhất TP.HCM từ trước đến nay và có thể lớn nhất cả nước.
“Thông qua các tác phẩm, nghệ sĩ thư pháp mang đến đời sống tinh thần phong phú cho người dân. Đây là giá trị tinh thần rất quý” - ông Nguyễn Hồng Phúc nhấn mạnh.
Anh Phạm Văn Nguyên - chủ nhiệm Câu lạc bộ Thư pháp Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM - cho biết câu lạc bộ hiện có hơn 20 thành viên hoạt động thường xuyên.
Anh cho biết câu lạc bộ mất một năm để chuẩn bị cho triển lãm này. Đây cũng là triển lãm có quy mô lớn nhất trong giới thư pháp.
Thư pháp định hướng lối sống cho các bạn trẻ
Tham dự triển lãm có kiến trúc sư - nhà thư pháp Nguyễn Thanh Sơn, nghệ sĩ thư pháp Tuyết Nhung...
Ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết ông có hơn 23 năm gắn bó với thư pháp chữ Việt. Ông đến với thư pháp bằng trái tim đam mê.
“Tôi xúc động khi được gặp nhiều nhà thư pháp, ông đồ hôm nay. Các bạn, các cháu đã tiếp nối và lan tỏa, đưa thư pháp đến nhiều địa phương trong cả nước và ra bạn bè quốc tế” - ông Thanh Sơn chia sẻ.
Còn nghệ sĩ thư pháp Tuyết Nhung cũng không giấu được niềm vui khi thư pháp được nhiều người yêu mến. Chị nói thư pháp có tính giáo dục cao, nhất là giáo dục thẩm mỹ.
Những sản phẩm thư pháp đã và đang góp phần trong công tác giáo dục, nhất là giới trẻ. Theo đó, mọi người sẽ điều chỉnh bản thân sống tốt hơn thông qua những thông điệp trên từng tác phẩm thư pháp.
Triển lãm thư pháp chữ Việt Cội nguồn diễn ra từ ngày 16 đến 20-8. Trong khuôn khổ triển lãm có hoạt động tặng chữ thư pháp cho khách tham quan, giao lưu cùng ông đồ với chủ đề Câu chuyện thư pháp “xưa và nay”, thưởng thức trà đạo, workshop Viết thư pháp...
Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM sẽ có 20 hoạt động chính và 50 hoạt động hưởng ứng để chào mừng 48 năm ngày thành lập. Đó là triển lãm thư pháp, chuỗi workshop các loại hình thể thao đường phố, âm nhạc đường phố…
TTO - Những năm 1930, khi người dân Việt chỉ biết thư pháp viết bằng chữ Hán, các trí thức nặng lòng với tiếng Việt đã âm thầm nghiên cứu cách viết thư pháp bằng chữ quốc ngữ.