Chiều 16/8, UBND TPHCM tổ chức Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo TPHCM với doanh nghiệp Hàn Quốc.
Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM - cho biết, quan hệ giữa TPHCM và Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị |
"Đóng góp của các nhà đầu tư nước ngoài đối với kinh tế TPHCM rất rõ nét. Lãnh đạo thành phố đã nỗ lực để tạo thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và của Hàn Quốc nói riêng. Chúng tôi hiểu rằng, để thu hút đầu tư mới thì việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư hiện tại là rất quan trọng" - Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nói.
Quang cảnh hội nghị chiều 16/8 |
Ông Choi Bundo - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và công nghiệp Hàn Quốc tại miền Trung và miền Nam Việt Nam (KOCHAM) - đã nêu 15 vướng mắc mà doanh nghiệp Hàn Quốc gặp phải trong năm 2023.
Theo ông, việc nêu ra các vướng mắc này là để cùng trao đổi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Thứ nhất, cần tháo gỡ khó khăn về việc thực hiện các thủ tục hải quan về kế hoạch sửa đổi quy định về xuất nhập khẩu tại chỗ; giấy phép lao động cho người nước ngoài; việc chưa hoàn thuế giá trị gia tăng; phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.
Thứ hai, khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục hải quan liên quan đến "kế hoạch sửa đổi quy định về xuất nhập khẩu tại chỗ", đây là lo ngại lớn nhất của các doanh nghiệp dệt may và doanh nghiệp sản xuất chế tạo Hàn Quốc.
Thứ ba, về giấy phép lao động cho người nước ngoài, ông Choi Bun-do thông tin, theo đề nghị của các doanh nghiệp FDI và hiệp hội các nước, việc sửa đổi Nghị định 152 của Chính phủ đang được thảo luận. KOCHAM đã nghiên cứu nội dung dự thảo sửa đổi và nhận thấy vẫn còn tồn tại cần chỉnh sửa.
Thứ tư là việc cần phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, đây là điều hết sức cần thiết không chỉ đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc mà còn đối với cả các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo ông Choi Bundo, trong số 1.800 doanh nghiệp ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam, chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới sản xuất của các công ty đa quốc gia. Điều này dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp FDI, bao gồm cả doanh nghiệp Hàn Quốc, sau khi tiến vào thị trường Việt Nam không tìm được đối tác cung cấp nguyên vật liệu, linh kiện phù hợp, từ đó buộc phải phụ thuộc vào việc nhập khẩu từ nước khác.
"Việt Nam đang ở thời điểm cần phải có một bước nhảy vọt từ giai đoạn chỉ cung cấp những nguyên vật liệu đơn giản lên cấp độ cao hơn, nên việc đầu tư phát triển ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam là nhiệm vụ cấp bách" - ông Choi Bundo nhấn mạnh.
Lãnh đạo TPHCM chụp ảnh lưu niệm cùng đại biểu tại hội nghị |
Tại Hội nghị, đại diện Sở Công Thương, Sở KH&ĐT, Cục Thuế TPHCM, Cục Hải quan TPHCM đã giải đáp các vướng mắc của doanh nghiệp Hàn Quốc.
Về những vấn đề liên quan đến các Bộ, ngành Trung ương, TPHCM sẽ tiếp thu, ghi nhận và báo cáo lên các bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ để bổ sung vào các nghị định đang sửa đổi.
Hàn Quốc hiện là một trong những đối tác thương mại lớn của thành phố, đứng thứ 4/120 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp tại thành phố. Trong năm qua, Hàn Quốc đầu tư trực tiếp 125 dự án vào TPHCM với tổng vốn đầu tư hơn 60,6 triệu USD, chiếm 10,25% so với tổng vốn đầu tư nước ngoài vào TPHCM. Lũy kế đến nay, Hàn Quốc đã có 2.135 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 5.501 triệu USD, chiếm 9,64% so với tổng vốn đầu tư nước ngoài vào TPHCM. Doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm đầu tư nhiều vào các lĩnh vực bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy, công nghiệp chế biến, chế tạo, hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ và thông tin và truyền thông… 4 lĩnh vực này chiếm trên 75% số lượng dự án đầu tư của Hàn Quốc vào thành phố. Về số vốn đăng ký, 3 ngành: xây dựng, kinh doanh bất động sản và công nghiệp chế biến chế tạo chiếm trên 76% tổng vốn đầu tư. |
Tú Ngân