Phiên giao dịch ngày 16-8, nhiều cổ phiếu trên sàn chứng khoán Việt tiếp tục bị bán chốt lời sau đợt tăng giá mạnh vừa qua. Tuy vậy, các chỉ số thị trường vẫn tăng điểm đáng kể, như VN-Index tăng 9,21 điểm (+0,75%), VN30 tăng tới 15,71 điểm (+1,27%)… nhờ sự nâng đỡ của các mã vốn hóa lớn trên sàn, đặc biệt là các mã thuộc nhóm Vingroup gồm VIC, VHM, VRE. Trong đó, VIC tăng trần 6,93% khi nhà đầu tư đã bỏ ra hơn 1.400 tỉ đồng để gom cổ phiếu này.
Hiệu ứng tích cực
Đà tăng giá của nhóm Vingroup đến từ hiệu ứng cổ phiếu hãng xe điện VinFast - một thành viên của Vingroup vừa chính thức lên sàn Nasdaq (Mỹ) ngày 15-8 (theo giờ địa phương). Cổ phiếu VFS của VinFast đã có một phiên chào sàn bùng nổ khi tăng tới 68,45% và đóng cửa ở mức 37,06 USD.
Theo Bloomberg, với số lượng cổ phiếu VFS đang lưu hành hơn 2,307 tỉ đơn vị, vốn hóa của hãng xe điện này tăng lên tới 85,5 tỉ USD, gấp hơn 3 lần ước tính ban đầu, lọt vào tốp những doanh nghiệp (DN) sản xuất xe điện có vốn hóa lớn nhất toàn cầu, vượt trên vốn hóa của nhiều tên tuổi ngành ô tô như Ford, General Motor…
Phát biểu tại buổi rung chuông cổ phiếu VFS tại Mỹ, bà Lê Thị Thu Thủy, Tổng Giám đốc Toàn cầu VinFast, cho biết DN đã hướng tới mục tiêu niêm yết lên sàn chứng khoán Mỹ trong vài năm gần đây. Dù thị trường chung còn nhiều khó khăn nhưng VinFast tự hào ghi dấu mốc mới trong lịch sử của VinFast.
Cổ phiếu VinFast chính thức niêm yết trên sàn Nasdaq (Mỹ) từ ngày 15-8 Ảnh: BÌNH AN
CEO của VinFast toàn cầu cũng nhấn mạnh việc niêm yết lên sàn chứng khoán Mỹ sẽ giúp DN có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn lớn nhất thế giới để đẩy nhanh quá trình mở rộng thị trường quốc tế, tiếp tục giới thiệu các sản phẩm mới và đem các sản phẩm xe điện đến gần hơn với tất cả mọi người.
Dưới góc nhìn của chuyên gia tài chính trong nước, ông Huỳnh Minh Tuấn, Chủ tịch FIDT, đánh giá việc VinFast được niêm yết tại Mỹ là kết quả xứng đáng cho sự nỗ lực và quyết tâm của DN thời gian qua. Sự kiện này sẽ đánh dấu bước ngoặt cho VinFast - Vingroup nói riêng và thị trường vốn Việt Nam nói chung. "Đây là thương vụ vô tiền khoáng hậu, sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực về mặt tâm lý và định hướng. Chắc chắn đây sẽ là câu chuyện truyền cảm hứng để các DN lớn có thêm động lực, kinh nghiệm nối gót VinFast đưa thương hiệu Việt vươn tầm quốc tế" - ông Tuấn nói.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, phân tích VinFast là DN thứ 2 của Việt Nam niêm yết lên sàn chứng khoán Mỹ nhưng về quy mô vốn hóa và tầm ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều. Theo giá đóng cửa của phiên ngày đầu tiên, giá trị vốn hóa của VinFast lên tới hơn 85 tỉ USD, nằm trong tốp vốn hóa lớn. Xét về quy mô, không chỉ ảnh hưởng thị trường chứng khoán Việt Nam mà cả nước ngoài. "Để lên được chứng khoán Mỹ đòi hỏi DN niêm yết phải đáp ứng các yêu cầu về thủ tục, tiêu chí tạo ra độ minh bạch gián tiếp cho Vingroup và cũng nâng tầm của DN Việt nói chung. Xét về góc độ thị trường sẽ giúp huy động vốn quốc tế nhiều hơn, chưa kể hạn chế lớn nhất của chứng khoán Việt Nam là giới hạn tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài gây rào cản cho DN huy động vốn" - ông Minh nhìn nhận.
Riêng về thông tin số lượng cổ phiếu free float (cổ phiếu trôi nổi trên thị trường) chưa nhiều khiến thị giá của VFS chưa phản ánh đúng giá trị, ông Nguyễn Thế Minh cho rằng nếu nhìn sòng phẳng, DN này chỉ mới hoạt động trên thị trường khoảng 6 năm và đang trong giai đoạn huy động vốn đáp ứng cho hoạt động kinh doanh. Do đó, cần thời gian để cổ phiếu VFS được nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ hoặc tổ chức khác sở hữu nhiều hơn, ít nhất cũng khoảng 20%-30% tổng lượng cổ phiếu VFS. Khi đó định giá của VFS trên thị trường sẽ chính xác hơn.
Đà tăng vẫn còn
Trở lại với chứng khoán trong nước gần đây liên tục có những phiên chốt lời và rung lắc mạnh, chỉ số tăng nhưng cổ phiếu giảm và ngược lại, chuyên gia đến từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng thị trường thời gian qua phục hồi mạnh chủ yếu dựa trên hiệu ứng của dòng tiền và gần như bỏ quên các yếu tố cơ bản về kinh tế, DN. Hiệu ứng về dòng tiền có thể khiến thị trường biến động mạnh trong thời gian ngắn và khó đoán định, nhất là khi tỉ trọng tham gia của nhà đầu tư cá nhân đang ở gần mức đỉnh như hiện nay thì tâm lý giao dịch thay đổi rất nhanh. Xu hướng chốt lời từ nhóm này kéo dài có thể là một chỉ báo trong sự thay đổi về tâm lý giao dịch theo hướng tiêu cực, ảnh hưởng tới vùng dao động của VN-Index.
Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích Công ty CP Chứng khoán SSI, cho rằng nếu nhìn nhận đúng bản chất thì thị trường đã có sự điều chỉnh vào đầu tháng 8. Nhưng nhờ một số cổ phiếu "trụ" như VIC, nhóm ngân hàng cũng như một vài DN lớn có "câu chuyện riêng" tích cực đã đỡ cho VN-Index không giảm mạnh về 1.200 điểm. "Rõ ràng thị trường giai đoạn vừa qua có nhiều điều thú vị, cổ phiếu của nhiều DN tăng tích cực. Dòng tiền tăng mạnh nhờ tâm lý lạc quan của nhà đầu tư trước những chính sách giảm lãi suất, thúc đẩy đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho DN, đặc biệt là ngành bất động sản… Thời gian tới, DN cần thêm thông tin tích cực từ nội tại nền kinh tế để gia tăng nội lực và bứt phá vào những tháng cuối năm" - bà Phương nhận định.
Báo cáo từ Công ty Chứng khoán Mirae Asset cũng cho rằng việc thị trường hồi phục gần như tích cực và liên tục kể từ giữa tháng 11-2022 đến nay đã khiến mức định giá P/E (hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) của thị trường được đẩy lên gần ngưỡng trung bình 5 năm là 17,7 lần. Điều đó cho thấy giá cổ phiếu đã không còn rẻ như đầu năm, mức độ hấp dẫn của chứng khoán Việt Nam cũng không còn quá lớn. Thực tế, chỉ trong đợt tăng điểm tháng 7, nhiều nhóm cổ phiếu đã tăng giá rất mạnh, như ngành hàng tiêu dùng dẫn đầu với mức tăng 16,28%, tiếp theo là ngành công nghệ thông tin tăng 14,91% và ngành bất động sản tăng 14,45%... Giá trị vốn hóa thị trường đạt hơn 4,87 triệu tỉ đồng, tăng 9,11% so với tháng trước. Nhiều nhà đầu tư lúc này mong bán chốt lời hơn là mua mới cổ phiếu.
Dù vậy, theo đại diện Công ty Chứng khoán Rồng Việt, tỉ lệ dư nợ vay ký quỹ/tổng vốn chủ sở của các công ty chứng khoán và nguồn cho vay ký quỹ hiện nay vẫn khá an toàn, quy mô dư nợ ký quỹ khoảng 137.000 tỉ đồng, vẫn dưới mức đỉnh quá khứ khoảng 40.000 tỉ đồng, tức dư địa hỗ trợ cho thị trường thời gian tới vẫn còn.
Xem thêm: mth.4695352261803202-ym-o-tey-mein-tsafniv-ihk-gnos-yad-naohk-gnuhc/et-hnik/nv.moc.dln