Những hành vi trên đều sẽ bị xử lý hình sự về tội khai báo gian dối.
Tai vạ vì... nghĩa hiệp
Một buổi tối năm 2018, Trần Văn Ngà (50 tuổi, làm nghề lái xe, trú ở TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) thấy người họ hàng là Bảo Trâm đi taxi tới. Trâm kể lại việc công an vừa kiểm tra, bắt quả tang việc đánh bạc tại quán cà phê do mình làm chủ, hên là Trâm kịp trốn ở phía sau nhà nên không bị bắt.
Trâm đề nghị Ngà cùng khai báo với cơ quan điều tra rằng Trâm cùng Ngà đi gửi thiệp mời đám cưới suốt cả buổi chiều để tạo chứng cứ ngoại phạm.
Ngà biết Trâm có một tiền sự về hành vi chứa bạc, nếu tiếp tục bị cơ quan có thẩm quyền xác định có mặt tại quán cà phê khi các con bạc đang sát phạt thì sẽ bị xử lý hình sự. Do vậy, Ngà đồng ý sẽ khai báo như đề nghị của Trâm khi cơ quan chức năng triệu tập.
Nhưng việc khai báo gian dối này không qua mắt được cơ quan tố tụng. Tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung, xác định xem Trâm có mặt ở quán cà phê vào buổi chiều hôm đó hay không. Bị xử phạt 6 tháng tù về tội khai báo gian dối, Ngà kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Cuối cùng, TAND tỉnh Lâm Đồng chấp nhận kháng cáo, tuyên Ngà mức án 12 tháng cải tạo không giam giữ.
Một vụ việc khác: Bùi Văn Chung là tài xế, trong một lần chở hàng từ Đà Lạt ra Hà Nội, khi quay về thì gây tai nạn nên bị Công an huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) tước quyền sử dụng giấy phép lái xe ba tháng. Biết rõ việc này nhưng bà chủ vẫn giao xe cho Chung và Thịnh cùng lái chở hoa ra Hà Nội, sau đó sẽ chở rượu vang vào TP Đà Lạt.
Hành trình xong xuôi không có trở ngại gì nhưng khi đang lái xe về TP Đà Lạt, khi qua một đoạn dốc cua, Chung lấn làn và va chạm với chiếc xe máy đi chiều ngược lại. Hậu quả là người phụ nữ ngồi sau xe bị xây xước, chấn thương phần mềm, trong khi người đàn ông cầm lái bị thương nặng, gãy tay, gãy chân, gãy chín xương sườn, tổn thương cơ thể tỉ lệ 65%. Chung gọi điện báo cho Cường (chồng bà chủ) nói về việc gây tai nạn rồi đưa nạn nhân đi cấp cứu.
Sau đó Cường gọi điện cho Thịnh, nói nếu công an đến thì Thịnh hãy nhận mình là người lái xe. Lát sau, bà chủ cũng gọi cho Thịnh động viên: "Giờ Chung không có bằng lái xe, em cứ nhận thay đi, có gì để anh chị lo". Nghe vợ chồng bà chủ nói vậy, Thịnh đồng ý nhận là người lái xe gây tai nạn thay cho Chung.
Dựa trên những lời khai báo gian dối này, các cơ quan tố tụng TP Đà Lạt đã khởi tố điều tra, truy tố và xét xử Thịnh về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Qua đó, đã bỏ lọt hành vi phạm tội của Chung.
Thế nhưng khi xử phúc thẩm, TAND tỉnh Lâm Đồng đã hủy án sơ thẩm để điều tra lại theo quy định. Lúc này chân tướng sự thật được phơi bày, Cường và Thịnh bị xử tội khai báo gian dối.
Theo đó, Cường bị phạt 36 tháng tù, còn Thịnh bị phạt 24 tháng tù cho hưởng án treo. Người thực sự gây tai nạn là Bùi Văn Chung bị phạt 36 tháng tù về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Còn bà chủ xe cũng bị xử phạt 18 tháng cải tạo không giam giữ do hành vi giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ.
Luật sư cung cấp tài liệu giả cho tòa
Khi giải quyết một vụ án, việc lấy lời khai của những người liên quan là rất quan trọng, giúp làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án. Tuy nhiên, sẽ có những trường hợp khai báo gian dối nhằm đánh lạc hướng điều tra hoặc gây bất lợi cho một bên trong vụ án. Quy định về tội khai báo gian dối trong điều 382 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) chính là để dự liệu, hạn chế các trường hợp trên.
Điều 382 quy định về tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối, nêu hình phạt đối với hành vi "người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, người bào chữa nào mà kết luận, dịch, khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật". Trong một số trường hợp, việc khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật được thực hiện bởi những người rất có hiểu biết về pháp luật.
Tháng 7-2023, TAND tỉnh Hải Dương xét xử phúc thẩm vụ án mà bị cáo là một luật sư 63 tuổi, đó là ông Lê Ngọc K.. Ông K. được mời bào chữa cho một bị cáo về nhiều tội danh, trong đó có tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Mặc dù biết rõ bị hại không cho thân chủ mình khất nợ, nhưng với mục đích giúp thân chủ thoát tội, luật sư K. đã hướng dẫn bị hại viết giấy xác nhận khất nợ 500 triệu đồng rồi cung cấp giấy này cho TAND tỉnh Hải Dương tại phiên tòa. Vì việc này mà tòa phải quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung, làm rõ tính xác thực của tờ giấy xác nhận.
Bị hại cho biết giấy xác nhận trên là do bị gia đình bị cáo và luật sư dụ dỗ, hướng dẫn viết. Trong lúc luật sư hướng dẫn, có người còn quay được clip. Tòa nhận định hành vi này của luật sư K. đã vi phạm nguyên tắc hành nghề của luật sư là "độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan" và vi phạm điều cấm của Luật Luật sư là "cố ý cung cấp hoặc hướng dẫn khách hàng cung cấp tài liệu giả, sai sự thật".
Hành vi này xâm phạm đến sự đúng đắn của hoạt động tố tụng, ảnh hưởng đến quá trình chứng minh xác định sự thật khách quan của vụ án, kéo dài thời gian điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự. Ông K. bị xét xử về tội cung cấp tài liệu sai sự thật, lãnh bản án 9 tháng cải tạo không giam giữ, khấu trừ 10% thu nhập.
Sau đó, ông K. kháng cáo và được TAND tỉnh Hải Dương chấp nhận, tuyên hình phạt cảnh cáo. Đáng nói, ông K. là tiến sĩ luật, có nhiều năm tham gia công tác điều tra trong ngành công an, nhiều năm tham gia giảng dạy, là chủ nhiệm nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, cấp trường...
Tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối
Theo điều 382 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối như sau:
1. Người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, người bào chữa nào mà kết luận, dịch, khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 1-3 năm:
a) Có tổ chức.
b) Dẫn đến việc giải quyết vụ án, vụ việc bị sai lệch.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 3-7 năm:
a) Phạm tội hai lần trở lên.
b) Dẫn đến việc kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm hoặc người phạm tội.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
TTO - Sau khi từ vùng dịch TP.HCM về quê Hà Nam, chị L. không khai báo y tế, tự đi tìm phòng trọ rồi được phát hiện nhiễm COVID-19, làm 71 người phải đi cách ly tập trung, phát sinh chi phí phòng, chống dịch trên 600 triệu đồng.