Nhiều doanh nghiệp cho rằng thương lái và "cò" đang gây hỗn loạn thị trường lúa gạo, đồng thời khuyến cáo nguy cơ thương lái bỏ cọc trong vụ thu đông sắp tới rất lớn một khi thị trường gạo đảo chiều, nhất là với những thương lái đặt cọc bao tiêu lúa với giá lên tới 7.800 đồng/kg. Theo các doanh nghiệp, lúa tại ĐBSCL thu hoạch liên tục nên việc tích trữ lúa gạo chỉ góp phần làm xáo trộn thị trường, có cả mua bán lúa non.
Đặt cọc lúa non mới sạ 10 ngày
Ông Nguyễn Thành Nhơn (xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn, An Giang) cho biết khu vực huyện Thoại Sơn đang bắt đầu xuống giống lúa thu đông 2023 nhưng nhiều thương lái đã tìm đến từng nhà để đặt cọc mua lúa với giá 7.400 đồng/kg lúa OM18 và Đài thơm 8, dù bà con mới xuống giống chưa được 10 ngày. Trong đó, nhà ông Nhơn được đặt cọc trước 400.000 đồng/công với giá mua là 7.400 đồng/kg.
"Gia đình tôi sản xuất 8ha lúa nên được thương lái đặt cọc 24 triệu đồng. Dù giá đặt cọc thấp hơn so với lúa hè thu hiện tại, với khoảng 8.000 đồng/kg, nhưng giá bao tiêu đã được đặt cọc cao hơn so với cùng kỳ gần 1.500 đồng/kg rồi. Theo tôi, lúa thu đông sẽ không bao giờ có giá cao ngất ngưởng như hiện nay. Chúng tôi dự đoán lúa sẽ giảm xuống một chút nên tôi vận động bà con bán gần 300 công lúa cho thương lái với giá đó rồi", ông Nhơn nói.
Theo ông Nhơn, nếu sắp tới giá lúa giảm còn 7.000 đồng/kg, thương lái sẽ thua lỗ 400 đồng/kg nhưng họ vẫn thu mua. Tuy nhiên, nếu giá lúa giảm xuống còn 6.000 đồng/kg, nhiều khả năng thương lái sẽ bỏ cọc vì thu mua lúa sẽ làm thương lái thua lỗ nặng hơn. "Tôi đã phân tích cho bà con rằng vào vụ thu đông sẽ rất khó có giá cao như hiện nay. Hơn nữa, nếu Ấn Độ mở cửa xuất khẩu gạo trở lại, giá lúa sẽ giảm nữa. Do đó, tôi chốt giá 7.400 đồng/kg với thương lái là tụi tôi chắc chắn nắm lợi nhuận rồi", ông Nhơn kể.
Ông Phan Văn Nhơn, giám đốc Hợp tác xã (HTX) thương mại - dịch vụ Bình Hòa, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp, cho biết giá lúa tại Đồng Tháp vẫn đang ở mức cao với giống chất lượng cao như OM18, 5451 vẫn ở mức 8.200 đồng/kg. Vì thế, HTX đứng ra làm đầu mối trung gian để ký hợp đồng tiêu thụ vụ thu đông giữa bà con với doanh nghiệp đang gặp khó khăn, chưa thể chốt được.
"Giá lúa chỉ đứng lại, không giảm. Vì thế doanh nghiệp muốn ký kết vụ thu đông giá 7.200 đồng/kg nhưng nông dân không đồng ý. Còn những HTX lân cận chuẩn bị thu hoạch và đang thu hoạch cuối vụ hè thu, giá lúa vẫn ở mức 8.200 đồng/kg. Riêng giống lúa Putin, thương lái đặt cọc 7.500 đồng/kg nhưng người dân chưa chốt", ông Nhơn nói.
Ông Danh Lời (xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất, Kiên Giang) cho biết dù 20 công đất đã gieo sạ DS1 của ông đang trong giai đoạn làm đòng, trổ bông nhưng nhiều thương lái tìm đến bày tỏ mong muốn được đặt cọc với giá 8.000 - 8.100 đồng/kg nhưng ông vẫn chưa chịu bán. Nếu lấy tiền cọc bán lúa non trên đồng lúc này, ông Lời vẫn có lợi nhuận cao hơn 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.
"Ở địa phương có một số hộ lấy tiền cọc trước và bán với giá 7.200 đồng/kg lúa giống DS1. Giờ giá lúa lên khoảng 8.000 đồng/kg nên ai cũng tiếc. Hơn nữa, giá lúa cũng đang cao nên tôi chưa muốn nhận cọc", ông Lời nói và cho biết vẫn đợi lúa chín, thu hoạch rồi mới bán.
Thương lái thao túng thị trường lúa gạo?
Là một trong những địa phương thu hoạch vụ hè thu 2023 muộn nhất, không khí thu hoạch lúa ở huyện Gò Quao (Kiên Giang) đang khá nhộn nhịp và nông dân rất vui khi bán lúa với giá dao động 8.000 - 8.200 đồng/kg (giống OM 18, Đài thơm 8 và RVT...). Ông Phạm Duy Khánh, chủ tịch Hội Nông dân xã Định Hòa, huyện Gò Quao, cho biết vụ lúa hè thu năm 2023, ông và người dân ở địa phương rất phấn khởi vì bán được giá cao.
"Giá lúa đã có dấu hiệu bình ổn lại nhưng vẫn còn giữ ở mức cao. Các thương lái vào tận ruộng thu mua với giá dao động 8.000 - 8.200 đồng/kg lúa tươi giống OM18, Đài thơm 8 và RVT... 10 công lúa giống OM18 của tôi cỡ 10 ngày nữa mới thu hoạch. Tôi cũng hy vọng đến đó giá lúa vẫn ở mức này", ông Khánh nói thêm.
Ông Ngô Thanh Bình (xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) cho hay dù giá thỏa thuận chỉ 7.000 đồng nhưng thương lái đồng ý tăng lên 7.500 đồng/kg sau khi thấy giá lúa OM18 gần đạt mốc 8.000 đồng/kg. Riêng những hộ nông dân có diện tích lúa sản xuất bởi giống Đài thơm 8, được các doanh nghiệp ký kết cách đây một tuần, lúa được bao tiêu với giá 8.100 đồng/kg.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Thái Bình - tổng giám đốc Công ty CP công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) - cho hay giá lúa OM5451 đang được thu mua với giá 7.500 đồng/kg, giảm gần 500 đồng/kg so với tuần rồi nhưng các doanh nghiệp không thể mua giá này để xuất khẩu do giá gạo xuất khẩu chỉ dao động từ 620 - 630 USD/tấn.
"Giá gạo Việt Nam ở mức này là cao nhất thế giới rồi, không thể cao hơn nữa. Vì cao hơn nữa không ai mua. Tuy nhiên, với giá lúa này, các doanh nghiệp không thể mua lúa được mà phải giảm nữa thì các doanh nghiệp mới ký hợp đồng xuất khẩu được. Có thể giá lúa giảm lại còn 7.000 đồng/kg, doanh nghiệp mới ký hợp đồng bán gạo với giá 620 - 630 USD/tấn, không thể cao hơn số này được", ông Bình nói.
Cũng theo ông Bình, giá lúa tăng mạnh như thời gian qua là do "cò" và thương lái thao túng thị trường lúa gạo. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu gạo với giá 570 - 580 USD/tấn phải đàm phán với đối tác chậm giao hàng khi thấy giá lúa vượt 7.000 đồng/kg. Các doanh nghiệp tạm dừng xuất khẩu gạo, vì giao với giá lúa cao như vậy là chắc chắn thua lỗ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Thuận - tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời - cho hay đến thời điểm này giá lúa đã tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm trước. "Giá lúa tăng vì một số thương lái nhỏ mua và trữ lại. Dù giá lúa có chững lại do doanh nghiệp hạn chế mua bởi lo ngại Ấn Độ sẽ mở cửa xuất khẩu trở lại. Tuy nhiên, tôi cho rằng khó giảm giá lúa nữa vì lượng hợp đồng ký tháng 10, tháng 11 với giá cao rồi nên mua được giá cho bà con", ông Thuận nói.
Vựa gạo nhỏ, tiệm tạp hóa cũng mua gạo để tích trữ!
Trao đổi với chúng tôi, chủ một đại lý gạo ở phường 9, TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) cho biết gia đình đã mua bán gạo ba đời nay nhưng chưa khi nào thấy giá gạo "nóng" như thời gian qua, biến động như con nước lớn nước ròng.
Theo người này, ngoài yếu tố khách quan do tác động giá lương thực thế giới, giá gạo trong nước tăng còn do tâm lý của người tiêu dùng. Đặc biệt là trong tháng bảy âm lịch, nhu cầu mua gạo để làm từ thiện, cúng cô hồn sẽ cao hơn nữa.
"Chứ miền Tây làm gì hết gạo, vậy mà không ít người mua trữ lại", chủ đại lý gạo này cho hay. Chị Ngọc Phượng, chủ đại lý gạo Phượng Bích 2, quận Cái Răng (TP Cần Thơ), cho biết dù gần đến rằm tháng bảy nhưng lượng gạo đặt để làm từ thiện còn khá ít do giá gạo tăng cao.
Ông Đoàn Văn Hùng - chủ vựa gạo tại TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau - cho biết giá gạo những ngày gần đây đang "nóng" nên một số vựa gạo nhỏ và tiệm tạp hóa có xu hướng mua tích trữ gạo để bán lại kiếm lời. "Cộng thêm tháng bảy nhiều nhà hảo tâm, cơ sở thờ tự cũng mua để cho dân nghèo nên càng làm thị trường gạo sôi động hơn", ông Hùng nói.
Do giá lúa gạo tăng từng ngày, diện tích gieo trồng vụ thu đông tại nhiều địa phương ở khu vực ĐBSCL cũng tăng so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có địa phương dự kiến không xả lũ để tăng diện tích gieo sạ vụ thu đông thêm 3.000ha.