Ngày 16-8, phóng viên Tuổi Trẻ quay lại khu vực mỏ cát sông Tiền, đoạn chảy qua xã Mỹ Hiệp và xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, An Giang - nơi từng là "cái máy đẻ ra tiền" của Công ty cổ phần đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 (gọi tắt là Công ty Trung Hậu).
"Bán cần", mỗi tháng thu bạc tỉ
Tiếp chuyện chúng tôi, chủ một doanh nghiệp khai thác cát ở An Giang (đề nghị không nêu tên) cho biết mình từng là lính của ông Lê Quang Bình - chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc Công ty Trung Hậu. Tuy nhiên, ông đã chủ động rút lui, xin nghỉ việc vì thấy doanh nghiệp này bắt đầu manh nha làm ăn không trung thực. Cụ thể, sau khi có giấy phép khai thác, ông Bình đã "bán cần" xáng cạp (một kiểu bán quyền khai thác) cho nhiều doanh nghiệp khác.
"Tức là giao khoán cho người khác vào mỏ khai thác. Mỗi tháng các doanh nghiệp này phải nộp cho ông Bình từ 3-4 tỉ đồng/xáng cạp. Số tiền lời chênh lệch còn lại từ việc bán cát ra ngoài các doanh nghiệp mua cần hưởng trọn.
Ngoài ra, chính những xáng cạp còn lại của Công ty Trung Hậu cũng lén bán cát ra ngoài. Xuất phát từ những việc này, những xáng cạp phải múc thật sâu, vượt trữ lượng cho phép. Kiểm chứng chuyện "bán cần" của ông Bình không khó, chỉ cần sao kê tài khoản những người gửi tiền hằng tháng là rõ", ông nói và cho biết ông Bình không trực tiếp làm mỏ mà giao cho ba công ty và đàn em ở An Giang quản lý.
Người này cũng "bật mí": những doanh nghiệp "mua cần" của Công ty Trung Hậu thường ký hợp đồng dưới hình thức cạp gia công, làm thuê, góp vốn... nhưng đa số lấy cát từ mỏ bán ra ngoài là chủ yếu. Giá cát bán ra ngoài dao động 110.000 - 120.000 đồng/m3. Ông Bình đã bán ba cần xáng cạp cho công ty M.L. và V.A., mỗi tháng thu lợi 4 tỉ đồng/cần.
"Sà lan đến mỏ của Công ty Trung Hậu thường phải che biển số để đối phó cơ quan chức năng và người dân. Sau khi tuồn được cát ra ngoài, các doanh nghiệp mua cần chỉ thu tiền mặt và có nguồn riêng để mua hóa đơn hợp thức hóa. Do đó mới có chuyện khai thác vượt trữ lượng, con số này có lẽ còn vượt rất nhiều lần", người từng làm thuê cho Công ty Trung Hậu nói.
Nhà thầu bị thao túng từ mỏ cát tại An Giang
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, mỏ cát sông Tiền, đoạn xã Mỹ Hiệp và xã Bình Phước Xuân có tổng trữ lượng khoảng 4,4 triệu m3. Tháng 10-2022, UBND tỉnh An Giang điều chỉnh tăng trữ lượng khai thác cho Công ty Trung Hậu từ 740.000m3 lên 1.110.000m3 với tám xáng cạp, thay vì sáu xáng cạp như trước đây.
Riêng năm 2023, Công ty Trung Hậu được UBND tỉnh An Giang cấp phép khai thác hơn 1,5 triệu m3 để cung cấp cho bốn công trình gồm cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, tuyến nối quốc lộ 91 và tuyến tránh TP Long Xuyên; công trình đường kênh Long Điền A - B; dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau thuộc dự án công trình đường cao tốc Bắc - Nam phía đông.
Tuy nhiên, Công ty Trung Hậu đã bán ra ngoài hơn một nửa số cần xáng cạp đã đăng ký với cơ quan chức năng. Do đó, nguồn cát đưa vào phục vụ công trình giao thông, đường cao tốc chỉ chiếm khoảng 30 - 40%, số cát còn lại được bán ra ngoài để thu lợi bất chính. "Doanh nghiệp mua cần cạp gấp đôi số cần của Công ty Trung Hậu", nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết.
Còn theo một nhà thầu thi công tuyến tránh TP Long Xuyên, trước đây UBND tỉnh An Giang chỉ định bốn mỏ cát cho bốn doanh nghiệp (trong đó có Công ty Trung Hậu) khai thác phục vụ thi công tuyến tránh TP Long Xuyên và các tuyến cao tốc. Nhưng khi các nhà thầu tiếp cận nguồn cát thì chịu sự thao túng từ mỏ, chỉ được cung cấp khoảng 5.000m3 cát/ngày.
"Khi chúng tôi đến lấy cát, quản lý mỏ thường ghi khối lượng bàn giao cao hơn thực tế. Họ lấy phần chênh lệch bán ra ngoài. Đáng nói là việc cung cấp cát phục vụ dự án cũng chậm hơn bán cát ra ngoài. Có khi chúng tôi chỉ lấy được một hoặc hai sà lan/ngày. Nếu cứ để tình trạng này diễn ra thì nhiều dự án sẽ vẫn còn chậm tiến độ", nhà thầu bức xúc.
Giá cát miền Tây lại "nóng"
Theo Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, kết quả xác minh đến nay cho thấy ông Lê Quang Bình đã lợi dụng giấy phép khai thác khoáng sản được cấp để khai thác hơn 4,7 triệu m3 cát, vượt trữ lượng được cấp phép trên 3,2 triệu m3, có trị giá tạm tính khoảng 253 tỉ đồng.
Kể từ khi Bộ Công an triệt phá vụ án tại Công ty Trung Hậu và UBND tỉnh An Giang thu hồi nhiều mỏ cát theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, thị trường cát miền Tây bắt đầu có dấu hiệu "nóng". Một doanh nghiệp cho biết giá cát tại mỏ hiện nay đã tăng hơn 10.000 đồng/m3 nhưng cũng không có để mua vì các mỏ đều tạm dừng để "nghe ngóng tình hình".
Ông P.T.H. - chủ một doanh nghiệp xây dựng lớn tại Vĩnh Long - cho biết các tỉnh đều quy định nguồn cát chỉ được tự cung tự cấp trong địa bàn, không được bán ra ngoài. Cát vàng hiện chỉ có ở An Giang, nếu bán ra ngoài tỉnh thì bị coi là cát lậu nhưng vẫn có trường hợp lâu lâu mỏ cạp lén bán ra ngoài một vài sà lan.
"Nhiều ngày nay, sà lan không có điểm chạy vì không có cát. Dẫn đến việc những nơi đang có nhu cầu sử dụng cát thì không có cát. Hiện giờ cát san lấp hay cát xây dựng gì cũng khan hiếm và tăng giá mạnh. Trong đó, cát xây dựng tăng 70.000 đồng/m3. Tôi là doanh nghiệp lớn, nhập cát số lượng lớn. Trước đây, sà lan cát về cặp bến, chưa tính tiền bốc dỡ, tập kết bến bãi là 200.000 đồng/m3. Nay giá cặp bến đã 270.000 đồng/m3. Đơn giá chúng tôi trúng thầu công trình là giá cố định. Cho nên với tình hình giá cát tăng như vậy doanh nghiệp làm đều lỗ. Bây giờ bán bê tông tươi thôi cũng đã lỗ", ông H. chia sẻ.
Ông N.H.Đ. - chủ một doanh nghiệp vật liệu xây dựng khác - cũng nhập cát từ An Giang, Campuchia về phân phối lẻ cho thị trường xây dựng dân dụng. "Giá cát vàng, hạt to chỉ An Giang và bên Campuchia mới có. Hiện cát này bán lẻ ra thị trường 370.000 đồng/m3, do giá đầu vào quá cao. Giá này là bán cầm chừng chứ không có lời, vì hiện nguồn cung rất hiếm. Giới chạy sà lan cát hiện cũng thất nghiệp, neo phương tiện", ông Đ. cho hay.
Chủ vựa Thái Tâm tại thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long cho biết giá cát đang tăng liên tục. Cách đây nửa tháng, giá cát mịn dùng xây dựng bán ra 300.000 đồng/m3, nay là 320.000 đồng/m3. Còn tại vựa Diệu Nở, giá cát vàng, hạt to lên tới 420.000 đồng/m3, tương đương với giá đá ½ dùng trong xây dựng và trộn bê tông.
Lãnh đạo Ban quản lý dự án thị xã Bình Minh cũng nhìn nhận tình trạng thiếu cát, khan hiếm cát đang là thách thức lớn với các công trình có mặt bằng lớn cần san lấp. "Khan hiếm cát, giá tăng cao khiến doanh nghiệp lỗ. Trong khi tiến độ san lấp công trình chậm, bị ảnh hưởng", vị này nói.
Dân mừng vì xóm làng bình yên trở lại
Chỉ tay về hướng xáng cạp đang gác cần ở mỏ cát của Công ty Trung Hậu, ông Lê Minh Thắng (ngụ xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới) kể xế chiều 28-7 hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Bộ Công an bất ngờ đổ bộ bên phía bờ Đồng Tháp rồi tỏa ra giữa sông Tiền bắt giữ những người đang khai thác và mua bán cát.
"Trên đoạn sông này có đến 15 xáng cạp khai thác cát và gần 10 sà lan đang mua cát đều bị bắt giữ. Theo ước tính của tôi, có trên 80 người bị tạm giữ lúc đó. Tất cả đều bị đưa về trụ sở UBND xã Bình Phước Xuân. Bà con ở đây từ lâu đã bức xúc vì đơn vị khai thác cát để rất nhiều xáng cạp trên một đoạn sông chưa đầy 2km. Chúng tôi ai cũng lo lắng sạt lở tái diễn", ông Thắng kể.
Cũng theo ông Thắng, từ khi Công ty Trung Hậu khai thác cát thì xứ cù lao Giêng cũng nhộn nhịp và trở thành chợ cát lớn nhất tỉnh An Giang. Mỗi ngày có cả trăm sà lan neo đậu ken đặc trên một đoạn sông Tiền để chờ lấy cát chở đi bán khắp nơi.
"Lúc đầu họ chỉ khai thác tám xáng cạp, sau đó lên 10 rồi 15 xáng cạp cùng ồ ạt khai thác. Bất chấp bà con phản ứng, tụi tui thấy họ lấy cát kiểu này sớm muộn gì cũng xảy ra sạt lở. Công an triệt phá vụ này bà con chúng tôi vui lắm", ông Thắng nói.
* PGS.TS Lê Anh Tuấn (nguyên phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường đại học Cần Thơ):
Cần xác định ngưỡng cho phép khai thác cát
Tôi từng là thành viên tham gia các dự án đánh giá về tài nguyên khai thác cát ở tỉnh An Giang. Tại các cuộc họp của họ, lúc đó tôi có cảnh báo khả năng hồi phục chỗ đã khai thác cát là rất khó, khiến tình trạng sạt lở tăng lên. Nhưng họ tin rằng khai thác rồi sẽ được hồi phục lại.
Lợi nhuận từ cát là quá lớn, nhu cầu nguồn cát cũng quá lớn, hai cái này gộp lại thì họ sẵn sàng chung chi cho người ra quyết định. Giá cát ngày càng tăng, An Giang và Đồng Tháp có lợi thế về cát so với các tỉnh khác nên doanh nghiệp sẵn sàng chi tiền hối lộ vì họ chi một nhưng lời ba, bốn lần.
Theo tôi, cần xác định ngưỡng cho phép khai thác cát hiện nay. Mặt khác, nên tính tới phương án làm đường trên cao. Phương án này chi phí có cao hơn, nhưng về lâu về dài hiệu quả hơn so với khai thác cát đắp nền đường. Mình đừng giải quyết một vấn đề rồi tạo ra vấn đề khác.
UBND tỉnh Đồng Tháp đã có quyết định công nhận kết quả đấu giá quyền khai thác hai mỏ cát sông.