Tối 15/8 (giờ Việt Nam), Vinfast - thương hiệu xe hơi lớn nhất Việt Nam, đã chính thức niêm yết cổ phiếu lên sàn giao dịch NASDAQ, Mỹ và có phiên giao dịch đầu tiên. Đây được xem là sự kiện bước ngoặc khi Việt Nam có một doanh nghiệp niêm yết tại sàn giao dịch chứng khoán Mỹ, với vốn hóa lên tới hàng chục tỷ USD.
Theo đó, kết thúc phiên giao dịch đầu tiên, cố phiếu VFS của thương hiệu xe hơi Việt Nam đã tăng "phi mã", đóng cửa ở mức giá 37,06 USD/cp, tăng 68,4% so với mức giá chào sàn (22 USD/cp). Khối lượng khớp lệnh trong phiên đạt gần 6,8 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch trên 170 triệu USD. Như vậy, sau phiên đầu tiên, vốn hóa thị trường của VFS ước đạt mức 85,5 tỷ USD, gấp 3,7 lần định giá ban đầu là 23 tỷ USD và gấp hơn 3 lần định giá lại sau khi sáp nhập thành công với Black Spade.
Với khối lượng giao dịch lớn, bước đầu cho thấy sự quan tâm, cũng như tiềm năng lớn của nhiều nhà đầu tư quốc tế đối với thương hiệu ô tô tới từ Việt Nam. Tuy nhiên, đối với các nhà đầu tư Việt Nam, việc đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, cụ thể là việc mua bán giao dich cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán nước ngoài còn nhiều hạn chế.
Trao đổi với Người Đưa Tin, Luật sư Lê Thiện, Giám đốc Công ty TNHH Luật Khang Lợi, Thanh Hóa cho biết, theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 135/2015/NĐ-CP, đầu tư gián tiếp ra nước ngoài là hoạt động đầu tư ra nước ngoài dưới hình thức mua, bán chứng khoán, các giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài.
Đáng chú ý, theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 135/2015/NĐ-CP, nhà đầu tư là cá nhân có quốc tịch Việt Nam chỉ được thực hiện đầu tư gián tiếp ra nước ngoài dưới hình thức tham gia chương trình thưởng cổ phiếu phát hành ở nước ngoài. Như vậy, hoạt động trực tiếp giao dịch mua bán cố phiếu Vinfast niêm yết ở sàn giao dịch chứng khoán tại Mỹ đối với cá nhân trong nước là hành vi không được phép.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư là tổ chức kinh tế được thực hiện theo các phương thức quy định tại Điều 6 Nghị định 135/2015/NĐ-CP thông qua tự doanh thực hiện mua, bán chứng khoán và giấy tờ có giá khác ở nước ngoài hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài cho chính mình. Hoặc các tổ chức kinh tế có thể uỷ thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài thông qua việc giao vốn bằng ngoại tệ cho tổ chức được phép nhận ủy thác đầu tư ở trong nước thực hiện đầu tư gián tiếp ra nước ngoài thông qua hợp đồng ủy thác đầu tư.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Đàm Quang Tiến, Trưởng phòng Môi giới Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho biết, việc đầu tư gián tiếp ra nước ngoài tại Việt Nam còn tương đối hạn chế với nhiều thủ tục, quy định chặt chẽ,. Việc này ngoài đảm bảo các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế trong nước, thì cũng nhằm bảo vệ, hạn chế tối đa rủi ro cho các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân với kinh nghiệm, thông tin... còn yếu khi thực hiện giao dịch chứng khoán tại các sàn giao dịch quốc tế, mà đặc biệt với biên độ giao dịch lớn trong phiên như sàn NASDAQ.
Trở lại sự kiện niêm yết của hãng xe hơi lớn nhất Việt Nam tại Mỹ, quá trình niêm yết của VinFast đã được nhen nhóm từ năm 2021. Chia sẻ với báo chí, bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Vingroup cho biết, việc niêm yết thành công tại Mỹ sẽ mở ra cơ hội cho VinFast tiếp cận các nguồn vốn quốc tế, thu hút đầu tư công nghệ và kỹ thuật, cùng với đó góp phần hiện thực hóa chiến lược đưa VinFast trở thành thương hiệu toàn cầu. Việc này cũng sẽ giúp VinFast dễ dàng hơn khi tiếp thị và đưa các sản phẩm vào thị trường Mỹ.
Trên tham vọng đó, tháng 12/2021, HĐQT Vingroup đã phê duyệt việc chuyển nhượng toàn bộ 51,52% vốn góp tại Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast (VinFast Việt Nam) cho VinFast Trading and Investment Pte.Ltd., một công ty con của Tập đoàn Vingroup có trụ sở chính tại Singapore (VinFast Singapore). Sau khi hoàn thành quá trình tái cấu trúc, Vingroup và các cổ đông hiện hữu của VinFast Việt Nam trực tiếp sở hữu 100% vốn của VinFast Singapore.
Ngày 12/5/2023, VinFast và Black Spade Acquisition Co (Black Spade) đã công bố thỏa thuận sáp nhập doanh nghiệp. Ngày 10/8/2023, các cổ đông của Black Spade Acquisition Co đã thông qua kế hoạch hợp nhất kinh doanh tại Đại hội Cổ đông Đặc biệt. Theo hồ sơ gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ hồi tháng 6, VinFast được định giá khoảng 23 tỷ USD. Sau hợp nhất, Black Spade sẽ trở thành một công ty con hoàn toàn thuộc sở hữu bởi VinFast và hủy niêm yết trên Sàn Giao dịch chứng khoán New York. Công ty sau hợp nhất được định giá 27 tỷ USD.
Và tới ngày 15/8, cổ phiếu phổ thông và chứng quyền hãng xe điện tại Việt Nam đã chính thức bắt đầu giao dịch trên sàn chứng khoán NASDAQ, dưới các mã niêm yết mới lần lượt là VFS và VFSWW.
Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, trước khi sự kiện Vinfast lên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đã rục rịch kế hoạch nhưng chưa thể thực hiện như mong đợi như Công ty xây dựng Cavico, Thaiholdings, Tiki - sàn thương mại điện tử Việt Nam, VNG - Công ty trò chơi trực tuyến Việt Nam...
Việt Phương