UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vừa ban hành kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc UBND tỉnh, giai đoạn 2022-2025.
Mục tiêu của kế hoạch là triển khai thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có quyết định số 1479/QĐ-TTg năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022-2025...
Theo đó, tỉnh duy trì nhà nước nắm 100% vốn điều lệ đối với Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Thực hiện thoái vốn tại 7 doanh nghiệp có vốn nhà nước. Cụ thể, trong giai đoạn 2022-2023, thoái vốn tại bốn doanh nghiệp. Gồm: Công ty Cổ phần Dịch vụ Môi trường và Công trình đô thị Vũng Tàu; công ty Cổ phần Dịch vụ đô thị Tân Thành; công ty Cổ phần Dịch vụ và Đầu tư phát triển đô thị huyện Long Điền và công ty Cổ phần Công trình Giao thông tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.
Nhân viên công ty Cổ phần Dịch vụ Môi trường và Công trình đô thị Vũng Tàu dọn dẹp rác đại dương dạt vào khu vực Bãi Trước hồi tháng 6-2023. Ảnh:TK |
Thoái hết vốn tại ba doanh nghiệp khác trong giai đoạn 2024-2025. Gồm: công ty Cổ phần Phát triển Công viên cây xanh và Đô thị Vũng Tàu; công ty Cổ phần Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; công ty Cổ phần Du Lịch Quốc tế tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu.
Bên cạnh đó, giữ nguyên phần vốn nhà nước tại 4 doanh nghiệp. Gồm: Công ty Cổ phần Cấp nước Bà Rịa- Vũng Tàu (tỉ lệ vốn nhà nước nắm giữ đến năm 2025 là 36.25%); Công ty Cổ phần Dịch vụ đô thị Bà Rịa (76.92%); Công ty Cổ phần Cao su Thống Nhất (51%); Công ty Cổ phần Dịch vụ và Vận tải biển Vũng Tàu (79.17%).
Hoạt động lai dắt tàu của Công ty Cổ phần Dịch vụ và Vận tải biển Vũng Tàu. Ảnh: VTShip |
Tỉnh cũng chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Đô thị tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (UDEC) về Tổng Công ty Đầu tư Kinh doanh vốn nhà nước.
Tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố kịp thời giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh; phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính trong việc xử lý tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Đối với người đại diện vốn nhà nước cần khẩn trương rà soát xử lý các tồn tại về tài chính, tài sản, đất đai, công nợ,… để công tác thoái vốn đạt hiệu quả cao nhất, hoàn thành sớm kế hoạch đề ra và đúng các quy định hiện hành; chủ động phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan thực hiện nhiệm vụ được giao...