Dựa trên dữ liệu về đầu tư, vay vốn và chi tiêu của 23 triệu khách hàng, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng Quân đội (MB), cho biết hoạt động kinh doanh của nhà băng đang có nhiều cơ hội hơn. "Chi tiêu tiêu dùng gần đây đã tăng lên nên tôi dự đoán phục hồi kinh tế đang tới", ông Thái nói tại "Diễn đàn Kinh doanh 2023" chiều 17/8.
Phân tích thêm các điểm sáng, người đứng đầu MB cho rằng lãi suất của Cục dự trữ Liên bang Mỹ - Fed có khả năng tăng nhưng lãi suất trong nước được kiểm soát và xu hướng giảm. "Đầu tư công và đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng tốt nên chúng ta còn câu hỏi là tư nhân sẵn sàng mở rộng đầu tư hay không?", ông Thái đặt vấn đề.
Báo cáo gần đây của HSBC đánh giá kinh tế Việt Nam nửa cuối năm nay đã có sự khởi đầu ổn định trong tháng 7. Trong khi dòng chảy thương mại toàn cầu vẫn chưa cho thấy sự hồi phục rõ ràng, giao thương bên ngoài của Việt Nam đã ổn định hơn. Xuất khẩu tiếp tục giảm nhưng chỉ ở mức thấp 3,5% so với cùng kỳ 2022. Vốn FDI mới đạt 3% GDP trong quý II, ngang bằng với năm ngoái.
Trong tháng 7, doanh số bán lẻ tăng 7,1%. Chi tiêu cho dịch vụ là động lực chính, tăng 7,5% so với cùng kỳ 2022. Tổng giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Anh Đức, cho biết hệ thống của ông vẫn tăng trưởng nửa đầu năm và cho rằng thị trường chỉ giảm tốc chứ không khủng hoảng.
"Cá nhân tôi rất lạc quan về các chính sách trong nước như tăng tốc đầu tư công, giảm thuế VAT, thông qua Nghị quyết 98 cho TP HCM. Tuy nhiên, khi nào kinh tế phát triển lại mức trước dịch rất khó đoán do còn những giới hạn từ kinh tế quốc tế", ông Đức nói.
Khách quốc tế cũng tiếp tục quay lại Việt Nam. Tháng trước là lần đầu tiên sau hơn ba năm, Việt Nam đón hơn một triệu lượt khách trong một tháng. Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Thiên Minh Group, nói vấn đề thị thực - một trong các nút thắt cổ chai của ngành du lịch - phần nào được gỡ khi Việt Nam quyết định cấp thị thực điện tử từ 15/8 và nâng thời hạn tạm trú 45 ngày với công dân 13 nước.
Theo cập nhật mới nhất hôm 10/8, World Bank dự báo GDP Việt Nam 2023 tăng trưởng 4,7%, và đạt 5,5% vào 2024, 6% vào 2025. Bà Dorsati Madani, Chuyên gia Kinh tế cao cấp tại Ngân hàng Thế giới (WB) nói rằng điều này có nghĩa đà hồi phục của Việt Nam sẽ diễn ra từ từ.
Chỉ ra một số cơ hội, bà Dorsati Madani nói tiêu dùng hàng hóa thiết yếu vẫn có nhu cầu. Việc tăng lương cơ sở cho công chức và đầu tư công cũng sẽ góp phần thúc đẩy khả năng chi tiêu của người dân.
"Dự báo nhu cầu nhập khẩu của Mỹ và EU sẽ có khôi phục nhẹ vào cuối năm, là cơ hội cho Việt Nam", chuyên gia World Bank nhận định. Theo bà, nhờ xuất khẩu dần khả quan, đầu tư tư nhân có hy vọng khôi phục cuối năm và tốt hơn vào 2024.
Để tăng cơ hội, chuyên gia World Bank khuyến nghị Việt Nam mở rộng việc tận dụng các hiệp định Thương mại Tự do (FTA) đã ký với các quốc gia để giảm thiểu tác động từ sức mua yếu của các thị trường nhập khẩu chủ lực. "Việt Nam nên tận dụng tốt hơn từ tỷ trọng 40% đối tác thương mại khác ngoài Mỹ, châu Âu để đa dạng hóa thị trường và chống chọi các cú sốc bên ngoài", bà nói.
Ngoài ra, cần phát triển thêm ngành dịch vụ, bao gồm tài chính, logistics và các dịch vụ chuyên nghiệp như luật, thuế, có thể đóng góp vào giá trị gia tăng và doanh thu cao hơn. Riêng ngành tài chính cần được nghiêm túc cải cách để đủ vững mạnh, có tính bao trùm, tỷ lệ an toàn vốn phù hợp, khung thể chế cần thiết để giải quyết các tranh chấp và khủng hoảng.
Với doanh nghiệp, ông Bruce Delteil, Giám đốc McKinsey Việt Nam khuyến nghị giảm đầu tư dàn trải, tập trung những mảng hiệu quả - kể cả M&A. "Đầu tư công nghệ số, đổi mới sáng tạo không chỉ giúp vượt qua giai đoạn khó khăn này mà còn tạo đà tăng trưởng về sau", ông gợi ý.
Đồng tình với phương thức này, ông Lưu Trung Thái cho biết MB đang tìm cách cắt giảm chi phí và giảm lãi suất, song song với đầu tư lớn cho công nghệ dữ liệu, chuyển đổi số để thu hút khách hàng.
Nhà băng này đặt mục tiêu các nền tảng số của họ sẽ chiếm tỷ trọng doanh thu 50% trong 5 năm tới, so với mức khoảng 20% của hiện tại. "Những năm qua, chúng tôi không tăng quy mô chi nhánh, nhân viên nhưng doanh thu và lợi nhuận vẫn tăng do công nghệ giúp cải thiện hiệu quả hoạt động", ông lý giải.
Ông Nguyễn Anh Đức cũng cho biết Saigon Co.op vẫn tăng trưởng nửa đầu năm nhờ 3 phương thức. Một là tập trung tăng trưởng theo chiều sâu, mạnh dạn hy sinh những mặt hàng, dịch vụ, bạn hàng không khả quan.
Hai là cải tổ hiệu suất bên trong, tiết kiệm theo phương châm "Do more with less" (Làm nhiều hơn với ít công hơn) chứ không đơn thuần là thắt lưng buộc bụng. Ba là nghiên cứu sâu để tận dụng những lợi ích của các chính sách hỗ trợ gần đây nhằm tạo cú hích nhất định cho các sản phẩm, ngành hàng hay địa bàn kinh doanh.
Ngoài ra, phát triển bền vững vừa là yêu cầu vừa là cơ hội có thể tận dụng. Xu hướng này trải dài từ sản xuất đến dịch vụ. Ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch Secoin, một nhà sản xuất vật liệu xây dựng, cho biết các khách hàng Âu, Mỹ yêu cầu ngày càng cao về tiêu chí ESG (bộ tiêu chuẩn đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững).
Trong lĩnh vực du lịch, ông Trần Trọng Kiên cho biết có xu hướng sản lượng khách du lịch toàn cầu ít hơn nhưng chi tiêu cao hơn vì họ đi dài ngày và yêu cầu chất lượng dịch vụ cao hơn. "Chúng ta phải chuyển dịch rất nhanh để phục vụ khách cao cấp. Họ cần du lịch bền vững, trung hòa carbon và không ảnh hưởng đến cộng đồng địa phương", ông cho biết.
Viễn Thông