Đây là gói thầu lớn nhất của dự án T3 với tổng mức hơn 9.000 tỉ đồng. Nhiều doanh nghiệp hàng không, hành khách kỳ vọng sẽ sớm thoát cảnh "kẹt trên trời, dưới đất" khi nhà ga mới công suất 20 triệu khách/năm đi vào hoạt động.
Khởi công dự án vào cuối tháng 8-2023
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo của ACV - chủ đầu tư dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất - cho biết cuối tháng 8-2023 sẽ khởi công gói thầu số 12 "xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga T3 Tân Sơn Nhất" với tổng mức đầu tư 9.000 tỉ đồng, sau khi chọn được nhà thầu đủ điều kiện sau bốn tháng nhận hồ sơ và đánh giá nhà thầu.
Trước đó, từ tháng 4-2023, ACV đã tổ chức mời thầu công khai nhưng thời gian đầu chỉ có một liên doanh nhà thầu tham gia. Sau khi được gia hạn, gói thầu đã nhận được hai đơn vị liên danh nộp hồ sơ.
Kết quả mở thầu cho thấy liên doanh sáu tổng công ty gồm Tổng công ty CP Xây dựng Hà Nội, Tổng công ty CP Xây dựng số 1, Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng), Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Công ty CP đầu tư xây dựng Ricons và Công ty TNHH xây dựng Lưu Nguyễn đáp ứng yêu cầu về hồ sơ năng lực kỹ thuật, trúng thầu với giá bỏ thầu thấp hơn giá công bố hàng chục tỉ đồng.
Vị lãnh đạo của ACV khẳng định công tác chọn thầu được đảm bảo chặt chẽ giữa các bên liên quan, đầy đủ pháp lý. Trường hợp có những kiến nghị, vướng mắc giữa các nhà thầu vẫn được chủ đầu tư tiếp thu, giải đáp. Trong nguyên tắc của liên danh cần có sự thống nhất chung giữa các thành viên liên danh.
"Nếu có một doanh nghiệp trong liên danh không đồng thuận là chưa phù hợp với thỏa thuận liên danh của nhà thầu trong hồ sơ dự thầu đã nộp", vị này nói và khẳng định đây là công trình trọng điểm quốc gia, dự án cấp bách "giải cứu" Tân Sơn Nhất, khi chốt được nhà thầu công việc xúc tiến nhanh, đảm bảo tiến độ chung.
Sân bay Tân Sơn Nhất sắp được "giải cứu"!
Trước đó, khi tham dự lễ khởi công dự án T3 Tân Sơn Nhất vào tháng 12-2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo chủ đầu tư phải quyết liệt, đảm bảo dự án đúng tiến độ, không được đội vốn.
Hàng loạt hạng mục triển khai dự án được ACV triển khai gấp rút, kịp mục tiêu đưa nhà ga T3 công suất 20 triệu khách/năm vào khai thác năm 2025, nâng tổng công suất của sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu khách/năm.
Theo các chuyên gia hàng không, dự án mở rộng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất cần được thúc đẩy quyết liệt để nhanh chóng đưa vào khai thác đúng tiến độ. Càng chậm ngày nào, sân bay Tân Sơn Nhất càng quá tải do số lượng hành khách đi lại bằng hàng không ngày càng tăng.
"Tân Sơn Nhất và Nội Bài là hai "con gà đẻ trứng vàng" cho ngành hàng không nhiều năm qua, làm ra rất nhiều tiền, góp phần "nuôi" hàng chục cảng hàng không khác trong cả nước còn vắng khách. Do đó, việc đầu tư dự án mở rộng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất là rất cần thiết nhưng các đơn vị tham gia phải đảm bảo dự án đúng tiến độ", một chuyên gia nói.
Lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất thừa nhận mọi sự điều chỉnh khai thác trong dịp cao điểm đi lại cũng không thể tránh khỏi tình trạng "kẹt trên trời, dưới đất".
Nhà ga chật chội, có cải tạo, nâng cấp cũng chỉ là giải pháp tình thế "dồn chỗ này, bóp chỗ kia" nên việc tổ chức, phục vụ khách vẫn còn nhiều bất cập. "Càng nhanh đưa vào khai thác nhà ga T3 và sân bay Long Thành, ùn tắc ở sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được giải quyết" - vị này nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện một hãng bay cho biết trong kế hoạch tăng thêm máy bay thân rộng khai thác quốc tế, hãng cũng tính đến khả năng đáp ứng của sân bay. Trong thời gian qua, hạ tầng chật chội, quá tải từ nhà ga đến sân đỗ, đường băng... "níu chân" hãng bay muốn đầu tư, khai thác thêm.
"Tân Sơn Nhất vẫn là hub (trung tâm) của các hãng trong nước và quốc tế. Khi có thêm nhà ga, mở rộng sân đỗ chắc chắn việc khai thác trở nên thuận lợi hơn" - đại diện hãng bay nói.
Chiều 14-8, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã tổ chức lễ trao hợp đồng gói thầu xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga T3 Tân Sơn Nhất cho nhà thầu để khởi công trong tháng 8-2023.