Những ngày gần đây, khi ngành giáo dục tiến hành tuyển sinh năm học mới 2023-2024, đặc biệt là ở các lớp đầu cấp, nhiều nơi phụ huynh vẫn phải khổ sở làm thủ tục xin cho con em vào học, nhất là với những trường điểm, những trường được đánh giá cao.
Tình trạng phụ huynh phải thức có khi xuyên đêm chầu chực trước cổng trường chờ mua hồ sơ rồi nộp hồ sơ nhập học vẫn xảy ra.
Nổi cộm nhất vẫn là ở Hà Nội. Hình ảnh những phụ huynh vạ vật, chen chúc nhau cố giành suất học cho con em mình lan truyền trên mạng xã hội trông thật nhức nhối.
Tại hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 của Sở GD-ĐT Hà Nội sáng 16-8-2023, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã nhấn mạnh: "Đề nghị TP trong công tác tuyển sinh đầu cấp, dứt khoát không còn cảnh phụ huynh xếp hàng thâu đêm mua, nộp hồ sơ đăng ký nguyện vọng. Với thời đại công nghệ số, quản trị hiện đại, tại thủ đô dẫn đầu cả nước, đây là việc không nên".
Công bằng mà nói cho tới nay đã có rất nhiều trường ở TP.HCM ứng dụng hình thức đăng ký trực tuyến đem lại nhiều tiện lợi. Không lâu sau khi kết thúc năm học trước, chính quyền phường thông báo qua tổ dân phố đến từng hộ có con em trong độ tuổi đầu cấp để xác nhận đăng ký học các trường theo đúng tuyến. Phụ huynh vẫn có thể chọn đăng ký tại trường phù hợp dù trái tuyến và chấp nhận may rủi.
Tới thời hạn quy định, phụ huynh lên mạng, vào cổng đăng ký tuyển sinh trực tuyến của toàn TP để đăng ký rồi vào website của trường mình chọn xem thông tin cụ thể và tải mẫu đơn xin nhập học về tự in ra.
Với các trường hợp đúng tuyến, phụ huynh có con em được nhận sẽ được nhà trường thông báo qua tin nhắn. Ở một số trường, phụ huynh đăng ký trái tuyến phải đến trường để xem danh sách học sinh được nhận. Cuối cùng, đến thời gian quy định, các phụ huynh có con em trúng tuyển sẽ đến trường nộp hồ sơ làm thủ tục nhập học.
Như vậy, tại sao cho đến nay vẫn còn có những trường chưa chịu ứng dụng tuyển sinh trực tuyến hoàn toàn mà vẫn duy trì chuyện phát đơn giấy? Và tại sao các cấp quản lý vẫn để điều đó tồn tại?
Chắc chắn ai cũng hiểu việc ứng dụng công nghệ vào tuyển sinh sẽ giúp mọi sự minh bạch hơn, tạo sự công bằng vì bất cứ ai cũng có thể được tiếp cận, giúp cả nhà trường lẫn phụ huynh nhẹ nhàng hơn, đồng thời cũng hạn chế được tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu.
Có ưu thế hơn các lĩnh vực khác với nhân sự có trình độ học vấn cao dễ dàng tiếp thu công nghệ, có cơ sở hạ tầng đầy đủ, có các công nghệ hỗ trợ, ngành giáo dục rất thuận lợi trong việc ứng dụng công nghệ, số hóa vào mọi hoạt động của mình ngay từ khâu tuyển sinh, dạy và học, quản lý học tập đến kết nối với học sinh và phụ huynh.
Ngành giáo dục cũng xác định lấy người học và người dạy làm trung tâm của chuyển đổi số; lấy lợi ích của người học, nhà giáo, người dân làm thước đo đánh giá chuyển đổi số...
Xã hội nói chung và phụ huynh nói riêng vẫn mong mỏi sớm được thụ hưởng kết quả của chuyển đổi số trong ngành GD-ĐT một cách cụ thể từ chuyện tuyển sinh mỗi đầu năm học, để không còn cảnh tuyển sinh giữa thời công nghệ 4.0 mà như đang ở thời 1.0.
TP.HCM bước vào năm đầu tiên tuyển sinh trực tuyến 100% và cũng là năm đầu tiên bỏ hộ khẩu nên việc tuyển sinh đầu cấp ở nhiều quận, huyện gặp không ít khó khăn.