Phước Bến Tre có lượng người ái mộ khiến nhiều nghệ sĩ chuyên nghiệp cũng phải thèm.
Hạnh phúc ca sĩ mù
Sau cánh cổng gỗ dẫn vào khu vườn với mấy chục con chó từ đầu đường xó chợ được anh mang về chăm sóc, nhập bọn cùng đàn "chó mồ côi" vui vẻ.
Phước Bến Tre (tên thật Hoàng Phước) là anh chàng nhỏ người với cặp kính đen, ăn mặc tươm tất. Anh chỉ hỏi tên khách như cho có, rồi chuyện trò thân thiện như quen biết tận khi nào. Phước nói anh ra đời từ nhỏ đã sống trong ân tình của kẻ lạ, người xa.
Cũng nhờ tình cảm của những người không thân bằng quyến thuộc đã đưa chàng trai mù lòa, ám ảnh cuộc sống "ăn mày" đến với lời ca tiếng đàn được nhiều người yêu thích.
Rồi cũng từ tiếng đàn, lời ca mà anh có được tổ ấm với người vợ nhân hậu, bao dung.
Khi chúng tôi đến nhà, chị vợ nói hôm nay anh Phước có sô hát đám giỗ nhà trưởng ấp.
Chỗ nghĩa tình, người ta mời đến đàn ca phục vụ thì không thể từ chối. "Đi đông, đi tây thì cũng phải sống trọn vẹn với xóm giềng trước...", chị vừa giải thích, vừa kiềm chế đàn chó loi nhoi trước khách lạ.
Hơn mười năm trước, chị Nhật Hà tìm đến khu trọ nghèo ở ngoại ô Bến Tre tìm anh nhạc sĩ mù lòa để xin học hát. Chị có thoáng ngạc nhiên khi bước vào căn phòng ngăn nắp của anh chàng, tựa hồ có bàn tay phụ nữ chăm nom.
Họ cùng đàn, cùng hát, rồi đến ngày Phước tỏ tình. Anh nghệ sĩ nghèo, mù lòa, dè dặt: "Chị không cần phải thương em, vì em khuyết tật, mù lòa. Để em thương chị là đủ rồi!". Cuối năm đó, hai người làm đám cưới.
Khi có người phụ nữ yêu thương, cảm thông, chăm sóc, Phước nói đời anh đã khác. Không còn đi về thui thủi, ví kiếp mình cũng như lời ca, tiếng đàn u uất làm anh nhiều ám ảnh.
Ngược thời gian, Hoàng Phước sinh ra trong gia đình đông con ở Chợ Lách, Bến Tre. Cậu mù bẩm sinh từ nhỏ có khả năng cảm âm tốt, diễn cảm được nhiều bài của các nghệ sĩ tên tuổi như Út Trà Ôn, Thanh Tuấn, Chí Tâm..., nên hay được rủ đi phục vụ ca hát cho đám tiệc gần xa. Giọng ca nhiều chất chứa của cậu thiếu niên mù lòa khiến người lớn, trẻ nhỏ đều rưng rưng xúc cảm.
Sau những lần "đi sô" như vậy, Phước cũng được người lớn cho ít tiền đủ mua bánh, ăn xôi.
Có khoảng thời gian người ta không thấy cậu Phước phục vụ ở những tiệc ma chay, cưới hỏi nữa. Đó là khi gia đình gửi anh vào trường khuyết tật để học văn hóa. Ngoài học chữ, các thầy cô ở trường cũng dạy thêm cho các em môn năng khiếu.
Phước đặc biệt có khiếu với các nhạc cụ. Thời gian lãnh hội của anh cũng nhanh hơn nhiều người khác. Lúc đó, học để học thôi, Phước "không biết cuộc đời ngày sau sẽ ra sao".
Ám ảnh kiếp ăn mày
Một lần ra bắc Hàm Luông, Phước gặp người hành khất mù lòa với tiếng đàn não nuột. Cậu thiếu niên lân la làm quen, thì được ông phán một câu làm thay đổi cuộc đời cậu bé mù: "Cháu được học văn hóa, có chữ nghĩa cũng hay rồi. Nhưng nếu không học cho ra cái nghề thì lớn lên cũng... ăn mày thôi".
Nghĩ mình có nghề gì ngoài trời phú cho khả năng văn nghệ. Phước lao vào luyện tập đàn ca, từ đàn măng đô lin, guitar, đờn sến cho đến thổi tiêu...
Khi thì cậu tự học, khi thì được các nghệ nhân thương tình chỉ dạy bài bản. Vậy nên Phước trở nên đa năng, chơi được nhiều nhạc cụ, hát được nhiều bài bản, lớp lang...
Rồi khi tự tin với lời ca, tiếng đàn thì Phước ra đời với nghề... bán vé số dạo ở các bến phà, chợ búa, góc phố... Anh cùng một người bạn đồng cảnh ngộ rủ nhau đi kiếm sống.
Phước đàn ca, người bạn đi mời số. Hình ảnh đôi bạn mù dặt dìu nhau đi bán vé số, với lời ca tiếng đàn làm khách bộ hành qua lại bắc Rạch Miễu, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cầu Vàm... bao phen bịn rịn.
Ban đầu, Phước lén thầy cô ở trường đi bán. Anh bán mà phải né giờ vì mặc cảm, vì sợ điều tiếng học sinh của trường khuyết tật phải đi bán vé số để kiếm sống. Nhưng, có lẽ mục tiêu của anh không chỉ là tiền. Phước thích biểu diễn đàn ca cho hành khách qua lại nghe.
Đó cũng là khoảng thời gian anh dằn dặt về cuộc đời. "Bao nhiêu năm học hành rồi cũng ra bán vé số dạo". Rồi anh tự an ủi: "Nghề nào cũng là nghề. Ở đâu mình cũng đem lời ca tiếng hát đi phục vụ cho đời".
Nghĩ vậy, nên khi có người bạn biết Phước đàn giỏi, hát hay, rủ đi phục vụ các tụ điểm du lịch miệt vườn, anh mở cờ trong bụng. Vì ít ra ở những nơi đó anh được sống trọn vẹn với đam mê, sở trường.
Ở những nơi đó, cái tên Hoàng Phước còn được giới thiệu, hỏi han chân tình. Và khi về quê hương Chợ Lách, anh còn có thể tự tin trả lời khi mọi người hỏi về công ăn chuyện làm.
Một thời gian, khi du lịch Bến Tre nổi lên với các dịch dụ thuần chất xứ dừa. Thiên nhiên sông nước trong lành, con người hồn hậu, và điều không thể thiếu là tiếng đàn, lời ca của các tài tử cây nhà lá vườn, những gia vị tinh thần không thể thiếu.
Nhưng lâu ngày, nhiều dịch vụ trở nên vắng khách. Các tài tử đàn ca phải chực chờ ở các tụ điểm để mong phục vụ kiếm cơm. Riêng Phước thì lại được gần xa biết tới với hình ảnh anh chàng ôm đàn có giọng ca khỏe, ấm "nửa giống Thanh Tuấn, nửa giống Út Trà Ôn" là hai tượng đài của nghệ thuật cổ nhạc, cải lương.
Từ những chương trình được thực hiện bởi các tổ chức cho người khuyết tật như chương trình "Ngọc trong tim", đến các hội thi, hội diễn, games show, Hoàng Phước xuất hiện bên những người cùng cảnh ngộ hay các tên tuổi lớn của showbiz đều tạo nên dấu ấn và giành được nhiều tình cảm của khán giả.
Thấy được khả năng của chàng trai xứ dừa hiền lành, đạo diễn Minh Ngọc đặt nghệ danh cho anh là Phước Bến Tre, thay cho cái tên Hoàng Phước vốn hơi "phổ thông".
Khi cái tên Phước Bến Tre xuất hiện trong những công cụ tìm kiếm trên mạng thì những lời mời biểu diễn bên ngoài cũng nhiều hơn. Từ các buổi diễn trong nước, đến các chương trình ở các nước Âu, Mỹ, Phước đều có tham gia.
Ban đầu thì người ta quan tâm hình ảnh một nghệ sĩ mù chơi nhạc tuyệt hay. Sau thì người ta quên đi yếu tố khiếm khuyết, mà mời anh vì chất giọng Phước ca hát quá hay. Những chương trình triệu view có anh đóng góp xuất hiện ngày càng nhiều. Lượng "fan cứng" của Phước Bến Tre khiến những nghệ sĩ chuyên nghiệp phải phấn đấu.
Là người của công chúng rồi, nhưng Phước vẫn cái tánh của anh chàng nghệ sĩ ôm đàn bán vé số ở bến phà, bãi chợ. Nếu có cơ hội phục vụ, thì dù đó là chương trình lớn hay nhỏ, ngày hay đêm, xa hay gần, hễ sức khỏe có thể đi được là anh sẽ tới.
"Ở đâu nhớ đến em thì em cũng tới. Đặc biệt là những chương trình phục vụ người khuyết tật. Ở đó, em hát không chỉ cho mọi người cùng cảnh ngộ. Mà em còn hát vì bản thân em...", anh chàng nghệ sĩ triệu view trải lòng cuộc sống không cho mình ánh sáng nhưng bù lại thứ khác. Đó là lời ca, tiếng đàn đi vào hồn người, và hạnh phúc mà người vợ nhân từ, bao dung mang đến cho anh.
-----------------------
Có một thời cầu Cần Thơ chưa hoàn thành, người qua kẻ lại những chuyến phà mà chạnh lòng khi nghe tiếng đàn nỉ non từ góc khuất.
Kỳ tới: Tiếng đàn buồn bên bắc Cần Thơ
Anh tài xế bụi bụi với giọng ca triệu view bất ngờ trở nên đắt sô vì thời buổi khán giả thích những gì chất phác, gần gũi và đậm chất đời.