Sau một quý II dao động trong vùng giá tương đối ổn định, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng nửa đầu tháng 8 đã bật tăng từ mức giá 23.700 - 23.750 lên mức 23.950 - 24.000, tương đương với mức mất giá 1,2% của tiền đồng và là mức tăng cao nhất trong vòng 10 tháng trở lại đây.
Biên độ giao dịch của cặp tỷ giá cũng chứng kiến những bước tăng mạnh cả về bước giá cũng như độ rộng giữa giá mua và bán. Hôm 17/8, tỷ giá trung tâm cũng được đặt lên mức cao nhất từ trước tới nay là 23.951 đồng vào ngày 17/8.
Đến 18/8, sau 4 phiên tăng liên tiếp, tỷ giá trung tâm giảm nhẹ 5 đồng về 23.946 đồng. Với biên độ 5%, giá USD được phép giao dịch tại các ngân hàng thương mại dao động 22.748 - 25.143 đồng.
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán của HSBC Việt Nam lý giải giá USD tăng tuần qua phần lớn đến từ những biến động trên thị trường quốc tế.
Với những lo ngại về lạm phát của Mỹ chưa hạ nhiệt nhanh như kỳ vọng trong khi các số liệu kinh tế khác của Mỹ vẫn không cho thấy dấu hiệu suy thoái, mặt bằng lãi suất của Mỹ và chỉ số USD Index tăng trở lại. Ở phía ngược lại, đồng nhân dân tệ mất giá tuần qua đã khiến những ngoại tệ khác trong khu vực cũng mất giá đáng kể. Đứng trước xu hướng đó, tiền đồng cũng không phải là ngoại lệ.
Trong nước, sự đối lập về chính sách tiền tệ giữa Việt Nam và Mỹ cũng tạo áp lực chung cho tỷ giá. Tăng trưởng trong nước chậm lại, lạm phát hạ nhiệt nhanh chóng và sự ổn định của thị trường ngoại hối trong những tháng đầu năm đã cho thấy ưu tiên chính sách của Việt Nam tập trung vào hỗ trợ tăng trưởng.
Điều này ngược với Mỹ, nơi số liệu kinh tế vẫn tích cực và lạm phát cơ bản chưa hạ nhiệt về mức mục tiêu đã khiến Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn duy trì xu hướng thắt chặt tiền tệ. Trong bối cảnh Fed chưa hoàn toàn chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là một trong những ngân hàng trung ương đầu tiên ở châu Á cắt lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành 3 lần trong năm nay, đưa mức chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ lên mức kỷ lục lịch sử. Sự chênh lệch lãi suất cũng là một yếu tố tạo tâm lý găm giữ ngoại tệ khiến tỷ giá bật tăng trong thời gian qua, theo ông Khoa.
Tuy nhiên, đánh giá về xu hướng tỷ giá trong thời gian tới, HSBC cho rằng những biến động tăng đột biến chỉ mang tính chất ngắn hạn. "Mặc dù những áp lực hiện hữu lên tỷ giá kể trên là tương đối rõ ràng, trong trung và dài hạn tiền đồng vẫn có khả năng tăng giá trở lại", ông Khoa nói. Cơ sở cho nhận định là 2 lý do.
Thứ nhất, trên thị trường quốc tế đồng USD được dự báo sẽ yếu trở lại vào những tháng cuối năm trong bối cảnh Fed đã đạt tới gần cuối chu kỳ thắt chặt tiền tệ. Thứ hai, những yếu tố nội tại của Việt Nam vẫn đưa ra những dấu hiệu tích cực.
Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi sụt giảm đơn hàng, cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng đầu năm vẫn xuất siêu 15,23 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,34 tỷ USD). Đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng ổn định, với vốn thực hiện trong 7 tháng đầu năm ước đạt 11,58 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, những nỗ lực của Chính phủ để hỗ trợ hồi phục kinh tế thông qua chính sách tiền tệ và tài khóa trên diện rộng cũng có thể giúp xây dựng lại niềm tin của các nhà đầu tư vào các lĩnh vực khác, cũng như tạo ra kết quả tích cực. "Đây là những cơ sở để có thể tin tưởng vào việc tỷ giá sẽ ổn định trở lại trong thời gian sắp tới", ông Khoa nói.
Với những phân tích này, HSBC giữ nguyên dự báo mức tỷ giá bình quân 23.450 đồng cuối quý III và 23.350 đồng vào cuối năm nay.
Dỹ Tùng