Tuy nhiên, cho đến nay việc triển khai thực hiện con đường ven sông Sài Gòn này vẫn giậm chân tại chỗ. Lý do được cho là một phần vì có một số dự án nhà ở được triển khai trong khu vực, một phần vì có một số thửa đất được quản lý bởi các đơn vị quốc phòng.
Trong xã hội đương đại, bờ sông, bờ biển tọa lạc tại những vùng lãnh thổ không liên quan quốc phòng, cũng như lề đường bộ công cộng, là tài sản của cộng đồng. Người dân được tự do tiếp cận và sử dụng các tài sản này và Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm các quyền tự do đó như một phần của phúc lợi công cộng.
Ở các nước tiên tiến không thể có chuyện bờ sông, bờ biển, lề đường bộ liền kề với bất động sản tư nhân mà ở trong tình trạng bị vây bọc, nghĩa là bị rào chắn, trở thành một phần nối dài của bất động sản tư nhân và được dành để phục vụ riêng cho chủ bất động sản tư nhân đó.
Bất động sản tư nhân nằm dọc theo bờ sông, bờ biển, lề đường bộ luôn phải được xác định ranh giới thích hợp để chừa một khoảng không gian hợp lý tạo thành lối đi của dân. Không tư nhân nào được quyền độc chiếm không gian công cộng để sử dụng phục vụ cho các lợi ích của riêng mình.
Ở Việt Nam, việc chiếm không gian công cộng, bao gồm bờ sông, hồ, biển, lề đường công cộng, là vấn nạn từ nhiều năm. Đã có những chủ các khu đất ven biển tự ý rào chắn phần đất tiếp giáp biển để xây dựng lãnh địa, người dân không có nơi đi tắm biển... Nhà chức trách, xã hội đã có nhiều nỗ lực để giành lại không gian chung của cộng đồng song kết quả không phải lúc nào cũng suôn sẻ và dễ ngã ngũ.
Câu chuyện về xây dựng đoạn đường ven sông Sài Gòn giữa cầu Ba Son và cầu Sài Gòn không gai góc như chuyện giành lại vỉa hè, bãi biển. Việc giải quyết những vướng mắc pháp lý để dự án được triển khai hoàn toàn nằm trong tầm tay của chính quyền TP.HCM, nhất là trong điều kiện thành phố đã được trao quyền tự chủ rộng rãi theo nghị quyết 98 của Quốc hội.
Mục đích quốc phòng được xác định trước đây đối với một vài phần đất trong khu vực rõ ràng không còn phù hợp với hiện trạng sử dụng đất của cả khu vực. Chính quyền đã điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cho phù hợp với xu thế đô thị hóa, dân sự hóa tự nhiên và không thể đảo ngược của cả vùng đất. Vấn đề còn lại là tổ chức việc triển khai quy hoạch với sự hợp tác của các thực thể đang quản lý các phần đất liên quan.
Một vài nhà đầu tư tiếp nhận các thửa đất trong khu vực để thực hiện các dự án nhà ở thương mại cao cấp đã chủ động xây dựng các công trình giao thông nội bộ; họ đồng thời xây dựng phần đường công cộng chạy dọc bờ sông tiếp giáp với các thửa đất thuộc quyền sử dụng của mình và cả công viên bên bờ sông như một phần tiện ích phục vụ khách hàng của họ, cũng như cho mọi người dân vãng lai.
Trong trường hợp các công trình xây dựng này đạt, thậm chí có thể vượt và nói chung là phù hợp với chuẩn được dự kiến trong quy hoạch được duyệt thì chính quyền thành phố có thể bàn bạc với các chủ thể có liên quan để thanh toán một cách hợp lý các chi phí nhà đầu tư đã bỏ ra.
Điều quan trọng là chính quyền cần mạnh dạn xác lập quản lý đối với các công trình hiện hữu, sau đó triển khai các giải pháp kỹ thuật cần thiết để biến các công trình vốn là các kết quả đầu tư theo các dự án riêng lẻ và phục vụ mục tiêu riêng của nhà đầu tư, trở thành một tổng thể đồng bộ mang ý nghĩa công trình phúc lợi chung của cộng đồng.
Cơ sở pháp lý để giải quyết đã có, đừng để một con đường ven sông Sài Gòn gặp khó chỉ vì một vài công trình "vướng mắc" mà không kết nối được. Đó là chưa nói đến việc TP.HCM đang lên kế hoạch làm đường ven sông kết nối các tỉnh miền Đông thì sẽ còn gặp nhiều khó khăn khác nữa nhưng cũng phải tìm cách giải quyết được thì đường mới thông.
Sông Sài Gòn chảy qua trung tâm TP.HCM qua quận 1, Bình Thạnh, quận 4 đã cơ bản hình thành cảnh quan, đường ven sông, bên còn lại thuộc TP Thủ Đức đang trong quá trình quy hoạch. Sẽ tuyệt vời khi đôi bờ con sông này cùng hoàn chỉnh, liền mạch.