20 năm ra đời học bổng Tiếp sức đến trường (2003 - 2023), thuộc chương trình Vì ngày mai phát triển, báo Tuổi Trẻ tổ chức tọa đàm để lắng nghe góp ý, hiến kế với kỳ vọng tìm giải pháp hay và cách làm mới nhằm giúp hoạt động lan tỏa hơn vào hôm 18-8.
Báo chí, nhà trường cùng bắt tay
PGS.TS Bùi Mai Hương - trưởng phòng quản trị thương hiệu truyền thông Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho biết học bổng của các trường đại học cho tân sinh viên và học bổng Tiếp sức đến trường không mâu thuẫn mà còn bổ trợ lẫn nhau.
Cụ thể, học bổng Tiếp sức đến trường tiếp cận với sinh viên từ sớm, khi các bạn chưa trở thành tân sinh viên. Điều này giúp các bạn tự tin tiếp tục con đường đại học trước khi có thể được nhận thêm hỗ trợ từ trường theo học.
TS Bùi Quang Hùng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - nói học bổng Tiếp sức đến trường trước giờ thường tập trung vào các nguồn đóng góp từ doanh nghiệp, nhà hảo tâm hoặc các tổ chức cộng đồng.
Theo ông, chương trình cần kết nối mạnh mẽ hơn với các trường đại học. "Mỗi trường đều có những nguồn học bổng và hoàn toàn có thể đồng hành với các chương trình học bổng của báo", ông Hùng nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo thông tin từ TS Nguyễn Tuấn Anh - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, trường này đã có cơ chế kết nối với học bổng Tiếp sức đến trường. Ngay trong năm học này, trường sẽ trao 50 suất học bổng (10 triệu đồng/suất) theo danh sách của báo cung cấp cho các bạn nhập học vào trường.
"Chúng tôi sẽ đồng hành cùng báo trong nhiều chương trình học bổng tiếp theo cho tân sinh viên", ông Tuấn Anh nói.
Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing Cao Tấn Huy khẳng định bất cứ khi nào sinh viên gặp khó khăn, trường đều giúp từ các quỹ học bổng hoặc vận động các doanh nghiệp, mạng lưới cựu sinh viên. Mục tiêu là không có tân sinh viên trúng tuyển phải từ bỏ giấc mơ đại học vì khó khăn.
Ông Phạm Tuấn Hiệp - phó trưởng phòng công tác sinh viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM - thông tin hằng năm nhà trường đều có quỹ hỗ trợ sinh viên gặp khó khăn và vài năm gần đây còn không dùng hết nguồn này.
"Trường sẵn lòng kết nối với báo trao học bổng cho sinh viên vào trường. Chỉ cần báo cung cấp thông tin sinh viên trúng tuyển vào trường nhưng có nguy cơ không thể nhập học vì hoàn cảnh gia đình, trường sẽ cử người đến tận nơi xác minh, có thể cấp học bổng ngay tại nhà cho các em này", ông Hiệp khẳng định.
Thêm hình thức hỗ trợ sinh viên
Ông Phạm Uyên Nguyên - phó chủ nhiệm gia đình Vì ngày mai phát triển báo Tuổi Trẻ, giám đốc đầu tư Công ty Buymed - góp ý Tuổi Trẻ có thể đứng ra xây dựng cơ chế cho vay tín chấp với lãi suất thấp cho tân sinh viên. Nguồn vốn vay này cũng giúp cho các bạn trong suốt các năm học đại học chứ không dừng lại ở năm đầu tiên. Đây sẽ là cách làm để có điều kiện hỗ trợ thêm cho nhiều học sinh, sinh viên khó khăn.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Giàu - từng nhận học bổng Tiếp sức đến trường 2005 để vào Trường ĐH Y Dược TP.HCM - nói ngoài khoản tiền, chương trình nên có thêm nhiều hướng giúp đỡ tân sinh viên.
Chẳng hạn báo có thể phối hợp tổ chức các khóa học, khóa kỹ năng miễn phí cho tân sinh viên khi bắt đầu vào môi trường đại học. Đặc biệt hỗ trợ các bạn tìm kiếm việc làm, như thế sẽ không chỉ cho "con cá" mà còn cho cả "cần câu".
Tương tự, Phó bí thư Thành Đoàn TP.HCM Trương Minh Tước Nguyên nói thời gian tới các cơ quan, đơn vị thuộc Thành Đoàn sẽ phối hợp chặt chẽ để có thêm nhiều trợ giúp đa dạng cho tân sinh viên.
Anh Nguyên gợi ý báo phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ học sinh sinh viên TP.HCM, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM để ngoài học bổng còn có thể hỗ trợ các bạn tìm chỗ trọ, giới thiệu việc làm không tốn phí cũng như tạo cơ hội cho các bạn tham gia một số chương trình nâng cao kiến thức, kỹ năng.
Tạo cộng đồng kết nối các thế hệ
Một trong những trăn trở mà ông Lê Quốc Phong - chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc Công ty cổ phần phân bón Bình Điền II - nêu ra là cần đẩy mạnh truyền thông câu chuyện những tân sinh viên đã từng nhận học bổng hiện trưởng thành như thế nào, thành công trong sự nghiệp ra sao.
Ông nói mỗi năm có cả ngàn tân sinh viên được trao học bổng và các doanh nghiệp hảo tâm cũng muốn được thấy nhiều hơn những tác động từ đóng góp tâm huyết của mình.
"Tôi nghĩ nên có một kênh kết nối cộng đồng sinh viên đã được nhận học bổng để các nhà hảo tâm sẽ có thêm nhiều động lực tiếp tục gắn bó với chương trình", ông Phong nói.
"Ăn quả nhớ trồng cây"
Ông Lê Nguyễn Minh Quang - giám đốc đối ngoại Tập đoàn Nam Long, người từng nhận một trong những suất học bổng đầu tiên của báo Tuổi Trẻ từ năm 1988 - chia sẻ thông điệp mà báo nên gửi gắm đến tân sinh viên được tiếp sức không phải là "ăn quả nhớ kẻ trồng cây" mà hãy "ăn quả nhớ trồng cây".
Ông nói doanh nghiệp hay các nhà hảo tâm đôi khi không cần được trả ơn, nhưng họ sẽ rất hạnh phúc nếu thấy sinh viên từng nhận học bổng sau khi thành công quay lại đóng góp cho những thế hệ sinh viên đàn em.
Ông Quang nói nếu xây dựng được một cộng đồng như thế, học bổng Tiếp sức đến trường sẽ phát triển một cách bền vững.
Bạn đọc ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ: 113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể Tỉnh/Thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ: Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM; Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể Tỉnh/Thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.
Chiều 18-8, Câu lạc bộ Tiếp sức đến trường Quảng Nam - Đà Nẵng đã trao 1,5 tỉ đồng cho báo Tuổi Trẻ chuẩn bị tiếp sức tân sinh viên nghèo xứ Quảng năm nay.