Tại sự kiện, các đoàn đại diện nước ngoài tại TP.HCM, bao gồm Anh, Úc, Belarus, Campuchia, Cuba, Hungary, Indonesia, Malaysia, Nhật Bản, Trung Quốc và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), được giới thiệu nét văn hoá ẩm thực Việt Nam nói chung và món phở truyền thống nói riêng.
Sự kiện do Viện trao đổi văn hóa với Pháp (IDECAF), Sở Ngoại vụ TP.HCM phối hợp cùng Hiệp hội ẩm thực TP.HCM, Hội đầu bếp TP.HCM tổ chức nhằm hưởng ứng ngày Phở Việt Nam (12/12).
Bà Phạm Trần Thanh Thảo, phó giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM, hy vọng thông qua lớp học nấu phở, các cơ quan đại diện nước ngoài sẽ hiểu rõ hơn về ẩm thực Việt Nam, học được cách nấu món phở và góp phần quảng bá hình ảnh và hương vị của ẩm thực Việt Nam cũng như món phở.
Kể từ khi báo Tuổi Trẻ khởi xướng vào Ngày của phở vào 12-12-2017, Ngày phở của Việt Nam được xác lập vào ngày 12-12-2018.
Từ đó đến nay, sự kiện đã trở thành một hoạt động quảng bá văn hóa ẩm thực quan trọng, góp phần nâng tầm ẩm thực Việt Nam và lan tỏa món phở truyền thống của Việt Nam ra khắp thế giới, theo Sở Ngoại vụ.
Dù đã quen thuộc với phở, với nhiều khách mời, đây là lần đầu tiên họ tự tay nấu các món phở gồm: phở bò, phở cừu và phở chay.
Chia sẻ tại sự kiện, Tổng lãnh sự Cuba Ariadne Feo Labrada, nói rằng đây là lần đầu bà nấu phở. Sau hôm nay, bà hy vọng sẽ thường xuyên nấu phở cho gia đình và bạn bè thưởng thức.
“Biết vị phở chuẩn”
“Tôi từng nấu phở, dạy phở cho người nước ngoài khá nhiều, nhưng đặc biệt lần này là hướng dẫn cho các anh chị đại diện cơ quan nước ngoài tại Việt Nam, và tôi rất bất ngờ là họ rất hứng thú với món phở của mình”, đầu bếp Alain Nguyễn, chủ tịch Hội đầu bếp TP.HCM, nói.
“Hôm nay chúng tôi không phải chỉ cho họ toàn bộ 100% quy trình nấu phở, mà là hướng dẫn cho họ biết vị phở chuẩn là như thế nào. Từ vị phở chuẩn đó, với các gia vị và cách nấu, công thức mà chúng tôi đưa ra, họ có thể tự nấu ở nhà”, ông nói thêm.
Theo đầu bếp Alain Nguyễn, có một vài điểm cơ bản nhưng quan trọng để nấu được một tô phở ngon mà ông hy vọng mọi người nhớ được sau lớp học hôm nay.
Đầu tiên là chọn thịt, phải là thịt nạm có gân, có mỡ, khi nấu lên có mùi thơm đặc biệt. Tiếp đó là thời điểm và cách cho gia vị vào nước dùng, cách nêm nếm…
Thêm một điểm nữa rất quan trọng, là một tô phở ngon không phải là một tô đầy thịt, đầy bánh, mà phải có sự cân bằng giữa các nguyên liệu và nước dùng.
Quả mọng khô, cá bào, và phở
Lớp học nấu phở sáng 24-11 còn là nơi giao thoa văn hóa Việt Nam với các nước bạn, khi có sự hiện diện của những tô phở có quả mọng sấy khô của “đội” Belarus, hay phần phở trang trí bằng cá khô bào của “đội” Nhật.
Đại diện lãnh sự đoàn Belarus chia sẻ họ muốn mang một chút đặc trưng của đất nước mình đến với sự kiện nên đã hỏi các đầu bếp là mình có cho quả mọng khô vào được không.
“Đầu bếp nói chúng tôi có thể làm như vậy nhưng phải cẩn thận, nên chúng tôi chỉ cho một chút thôi để không ảnh hưởng đến vị phở”, vị này nói.
Bà Ainun Madihah Ahmad từ Tổng lãnh sự quán Malaysia tại TP.HCM bày tỏ mình không quá ngỡ ngàng với việc nấu phở, bởi người Malaysia khi nấu một số món súp, mì…cũng cho một số nguyên liệu tương tự như phở.
Theo bà, yêu cầu khó nhất của món phở nằm ở phần nước dùng cần phải mất nhiều thời gian để ninh.
Trong khi đó, bà Emily Hamblin - tổng lãnh sự Vương quốc Anh tại TP.HCM, cảm thấy hạnh phúc khi có nhiều nơi bán phở ngon để bà có thể…mua ăn, vì phở thật khó nấu.
“Chắc tôi vẫn sẽ tiếp tục ra ngoài ăn phở thôi, nhưng tôi sẽ tôn trọng món phở của mình hơn sau khi biết được những kiến thức và chuyên môn cần phải có để nấu được tô phở ngon như vậy”, bà vui vẻ chia sẻ.
TTO - Sau khi trải nghiệm nấu và thưởng thức phở tại sự kiện “Trải nghiệm phở cùng nghệ nhân”, gần 20 nhà ngoại giao đang công tác tại Việt Nam di chuyển đến làng phở Vân Cù, nơi được xem là khai sinh ra món phở trứ danh của người Việt.