Trong khi hàng loạt doanh nghiệp cho biết rất muốn đầu tư hệ thống điện mặt trời trên mái nhà xưởng, khu công nghiệp... nhưng dự thảo cơ chế khuyến khích điện mặt trời tự sản tự tiêu chỉ cho áp dụng với hộ dân, cơ quan công sở mà không đề cập đến loại hình điện mặt trời trên mái nhà xưởng, khu công nghiệp...
Điện mặt trời chờ cơ chế
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đặng Hiến - tổng giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Tân Quang Minh - cho biết để chuẩn bị cho việc lắp điện mặt trời trên mái nhà xưởng tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc A (TP.HCM), doanh nghiệp đã thuê các đơn vị đến khảo sát mái nhà xưởng và được đánh giá đáp ứng mọi tiêu chuẩn để lắp đặt.
Theo dự kiến, doanh nghiệp này sẽ lắp đặt hệ thống có tổng công suất dưới 1MW, đáp ứng khoảng 1/3 lượng điện của toàn bộ nhà máy lúc cao điểm.
Theo ông Hiến, doanh nghiệp muốn dùng điện mặt trời vừa giảm áp lực lên lưới điện quốc gia mùa cao điểm, vừa giúp các sản phẩm được "xanh" hơn khi dùng điện tái tạo. Tuy nhiên, ngành điện cho rằng chưa có cơ chế phát triển điện mặt trời trên mái nhà xưởng nên không thể đấu nối hệ thống này lên lưới điện.
"Vì vậy, chúng tôi đành tạm ngưng việc lắp đặt, chờ cơ chế mới dù việc lắp đặt điện mặt trời chỉ nhằm mục đích sử dụng cho hệ thống máy móc bên dưới, không bán điện lên lưới", ông Hiến nói.
Giám đốc một doanh nghiệp trong ngành dệt may cũng cho biết tiêu chí cạnh tranh đơn hàng hiện nay không chỉ về giá, chất lượng sản phẩm mà còn các chứng chỉ xanh. Do đó, các doanh nghiệp dệt may cũng phải đầu tư sản xuất theo tiêu chuẩn xanh để giành từng đơn hàng trong bối cảnh rất khó khăn từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang gặp vướng khi thiếu vắng hành lang chính sách để doanh nghiệp lắp điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu.
"Việc sử dụng năng lượng tái tạo sẽ giúp giảm giá thành, tạo ra chứng chỉ xanh cho hàng hóa, nâng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Do đó, chúng tôi rất mong sớm có cơ chế để các doanh nghiệp có thể lắp đặt điện mặt trời trên mái", vị này nói.
Công ty TNHH Far Eastern Polytex (chuyên sản xuất xơ sợi, dệt nhuộm) tại Bình Dương cũng cho biết do lượng điện tiêu thụ rất lớn nên đã đăng ký lắp đặt các hệ thống điện mặt trời tự dùng nhưng chưa thể do đang thiếu cơ chế.
Cần sớm có khung pháp lý cho điện mặt trời
Ông Phạm Đăng An - phó tổng giám đốc Vũ Phong Energy Group - cho biết số lượng các doanh nghiệp sản xuất trong các ngành như dệt may, giày da, gỗ, chế biến chế tạo... muốn lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà xưởng tăng cao do chứng chỉ xanh là yêu cầu bắt buộc tại nhiều thị trường. Doanh nghiệp buộc phải có chứng chỉ xanh, trong đó có dùng điện tái tạo, nếu không sẽ không giành được đơn hàng.
Tuy nhiên, theo ông An, việc lắp đặt và đấu nối Đđiện mặt trời T áp mái vẫn chưa thuận lợi do chưa có cơ chế đối với điện mặt trời mái nhà sau khi quyết định 13 hết hiệu lực. Dù lắp đặt hệ thống ngăn phát điện lên lưới (Zero Export), nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó do một số khu công nghiệp đang chờ hướng dẫn. Do đó, theo ông An, Bộ Công Thương có thể xem xét bổ sung cơ chế lắp ĐMT cho mái nhà xưởng vào dự thảo về cơ chế khuyến khích điện mặt trời tự sản, tự tiêu nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Hồng Khanh - phó giám đốc Công ty Điện lực Bình Dương - cho biết nhu cầu lắp điện mặt trời trên mái nhà xưởng của các doanh nghiệp tại Bình Dương là rất lớn. Theo thống kê sơ bộ của đơn vị này, đã có ít nhất 26 doanh nghiệp đăng ký lắp điện mặt trời với tổng công suất lên đến 60MW.
"Nếu có cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời trên mái nhà xưởng, số lượng các doanh nghiệp sản xuất tại Bình Dương đăng ký lắp đặt điện mặt trời tự dùng trên mái nhà xưởng sẽ tăng nhanh bởi thực tế nhu cầu của doanh nghiệp rất cao", ông Khanh khẳng định.
Ông Bùi Trung Kiên - phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM - thừa nhận có nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn TP.HCM có nhu cầu lắp điện mặt trời trên mái nhà xưởng, Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất cũng ủng hộ việc lắp đặt này. Tuy nhiên, vấn đề là cần có chính sách khơi thông để các doanh nghiệp lắp đặt tự dùng.
Cũng theo ông Kiên, các cơ chế, chính sách đang được xây dựng nhưng bản thân các doanh nghiệp đều mong muốn có cơ chế sớm để doanh nghiệp lắp sớm. "Ngoài ra, cần có các cơ chế, chính sách để khuyến khích nhà đầu tư lắp đặt hệ thống lưu trữ điện năng, giúp hệ thống điện ổn định khi có nguồn điện dự phòng", ông Kiên đề xuất.
Theo ông Samresh Kumar - chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty CP SkyX Solar, việc lắp đặt ĐMT áp mái không ảnh hưởng đến đường dây truyền tải bởi không phát ngược lên lưới điện. Vì vậy, ông Samresh Kumar cho rằng cần khung pháp lý rõ ràng để ĐMT trên mái nhà xưởng, khu công nghiệp... phát triển.
"Trong đó, cần có những chính sách về cơ chế đấu nối vào lưới điện quốc gia ngay cả khi đã lắp thiết bị ngăn phát ngược lên lưới. Ngoài ra, cần các cơ chế về xây dựng, PCCC, đánh giá tác động môi trường... một cách đồng bộ giúp nguồn năng lượng này được tận dụng tối ưu", ông Samresh Kumar kiến nghị.
Nhiều bộ ngành đề xuất mở rộng loại hình điện mặt trời áp mái
Tại báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương cho rằng theo chỉ đạo của phó thủ tướng, đối tượng áp dụng của cơ chế lần này là điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, cơ quan công sở. Do đó, việc mở rộng đối tượng như đề nghị của các bộ để áp dụng cơ chế sẽ được tiếp tục nghiên cứu trong các quy định sau này.
Trước đó, Bộ Công an đã đề nghị nghiên cứu mở rộng đối tượng được lắp điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu thêm khối các trụ sở có hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại. Bộ Giao thông vận tải cũng muốn bổ sung cơ chế để lắp điện mặt trời mái nhà tại cảng hàng không, ga đường sắt, bến xe, cảng biển... Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng các khu công nghiệp có diện tích lớn nên cần được khuyến khích phát triển điện mặt trời, trong khi Bộ Quốc phòng đề xuất lắp thêm tại trường học, bệnh viện, công trình tăng gia sản xuất.
Dự kiến tháng 9-2023, TP.HCM sẽ triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà các trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.