Theo hãng Asia Times, hàng triệu người đến thăm khu vực này mỗi năm để tìm kiếm các phước lành thiêng liêng hay thực hiện các cuộc hành hương đến núi linh thiêng dành cho các vị thần.
Nằm dưới chân các đỉnh núi tuyết cao 20.000 foot, Kedarnath là một trong những đền thờ linh thiêng nhất của đạo Hindu và hàng năm có rất nhiều tín đồ đạo Hindu từ khắp nơi trên thế giới viếng thăm.
Ghé thăm ngôi đền Kedarnath là nghi thức quan trọng không thể thiếu trong Char Dham Yatra - cuộc hành hương nổi tiếng của tín đồ Hindu ở bang Uttarakhand, Ấn Độ.
Nhiều người trong đám đông khổng lồ tham gia cuộc hành hương nổi tiếng của tín đồ Hindu cho rằng điều quan trọng là phải thực hiện cuộc hành hương này ít nhất một lần trong đời, họ thường coi đó là hành trình quan trọng nhất phải thực hiện.
Tuy nhiên, biến đổi khí hậu hiện đang đe dọa các địa điểm linh thiêng của khu vực này. Khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên, các sông băng trên các đỉnh núi cao 20.000 foot phía trên Kedarnath tan chảy và rút lui với tốc độ đáng báo động.
Hiện tại các thảm họa biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến tôn giáo, định hình lại các ý tưởng và thực hành tôn giáo.
"Các vị thần nổi giận"
Sự xuống cấp của sông băng đang diễn ra trên khắp thế giới, nhưng các sông băng cận nhiệt đới ở các vùng núi cao như dãy Himalaya của Ấn Độ lại dễ bị tổn thương hơn do vĩ độ thấp. Nhiều nhà khoa học khí hậu tin tưởng rằng biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến dãy Himalaya nhiều hơn hầu hết các khu vực khác trên thế giới.
Các sông băng tan chảy để lại một lượng nước khổng lồ trong các hồ.Tuyết bám vào các sườn đồi và tan dần, trong khi mưa đổ xuống sườn dốc ngay lập tức, gây xói mòn, sạt lở đất và lũ lụt. Sự kết hợp giữa mưa cực đoan và lũ lụt bùng phát từ hồ băng có thể dẫn đến lũ lụt chết người, như đã chứng kiến trong thảm họa ở Kedarnath năm 2013.
Trong thời gian dài, thiên nhiên và con người có mối liên hệ mật thiết với nhau. Những người sống trong khu vực này đều hiểu được những thay đổi mạnh mẽ đang diễn ra ở đây trước tác động của biến đổi khí hậu.
Ở Gangotri có một ngôi đền thờ nữ thần sông Hằng. Một người dân ở Gangotri cho rằng các vị thần đang nổi giận với chúng tôi vì cách chúng tôi đang hành động.
"Tôi nhận thấy đây là những thảm họa liên quan đến thời tiết, được hiểu là hành động thiếu ý thức của con người, đặc biệt là sự coi thường môi trường", người dân ở Gangotri nói.
Sự thay đổi thần học quan trọng đang diễn ra trong Ấn Độ giáo ở Himalaya do hậu quả của biến đổi khí hậu, được như là sự chuyển đổi quan niệm cơ bản về các vị thần từ những vị thần ban phước sang những vị thần trừng phạt.
"Mọi người đang gây ra rất nhiều ô nhiễm. Vì điều này, khí hậu đang thay đổi và các vị thần bắt đầu trừng phạt chúng tôi", một người dân ở Uttarkashi đã nói như vậy.
Theo một số cách, không có gì mới khi khẳng định rằng ý thức của con người và môi trường có mối liên hệ mật thiết với nhau, nhưng mức độ thay đổi đang diễn ra sẽ thúc đẩy một mức độ quan tâm mới.
"Các vị thần là tự nhiên. Khi chúng ta không tôn trọng tự nhiên nghĩa là chúng ta không tôn trọng các vị thần. Bây giờ họ đang tức giận vì những gì chúng ta đang làm với thiên nhiên. Đây là lý do tại sao các cơn bão hủy diệt ngày càng gia tăng", một người dân ở đây đã nói vậy.
Hy vọng có điều kiện
Tuy nhiên, tất cả không bị mất và vẫn còn hy vọng. Mọi thứ vẫn có thể xoay chuyển và tránh được điều tồi tệ nhất nếu con người sẵn sàng thay đổi cách thức của mình. Cụ thể, nhiều người cho rằng đã đến lúc để trở lại sự tôn trọng hơn với các vị thần của vùng đất.
Khi được hỏi làm thế nào để làm hài lòng các vị thần và xoay chuyển tình thế, một người dân ở Kedarnath chỉ nói đơn giản: "Một lần nữa hãy tôn trọng đất đai và thiên nhiên".
Hành vi của con người vẫn là một yếu tố chính trong thế giới quan tổng thể và việc quay trở lại các mối quan hệ tôn trọng với môi trường sống là chìa khóa cho một tương lai bền vững.
Nhiều người dân Himalaya nói rằng con người có quyền lựa chọn quay trở lại mối quan hệ cùng có lợi hơn với thế giới tự nhiên, nhưng nếu những lời cảnh báo mạnh mẽ từ thiên nhiên không được chú ý thì sự hủy diệt lớn sẽ xảy ra và gây nên kết cục tồi tệ.
Lũ lụt liên tục xảy ra ở trung tâm dãy Himalaya với cường độ và tần suất ngày càng tăng. Kể từ thảm họa năm 2013 tại Kedarnath, hơn 800 người đã thiệt mạng trong lũ quét ở vùng Char Dham.
Cuộc hành hương Kedarnath đã bị tạm dừng vào năm 2022 vì lũ lụt và sạt lở đất chết người, nhưng chính phủ Ấn Độ hiện tại vẫn thúc đẩy mạnh mẽ du lịch tôn giáo ở khu vực này.
Năm 2022 chứng kiến số lượng kỷ lục những người hành hương đến thăm Kedarnath và ba địa điểm Char Dham khác ở trung tâm dãy Himalaya, điều này chỉ gây thêm căng thẳng cho vùng đất với các tòa nhà bổ sung, đường xá đông đúc và phương tiện gây ô nhiễm.
Với việc xe cộ, nhà máy và các hoạt động khác của con người tiếp tục gây ra số lượng lớn khí nhà kính vào bầu khí quyển đang khiến hành tinh nóng lên, các chuyên gia lo ngại những thảm họa như Kedarnath đã thấy vào năm 2013 sẽ chỉ trở nên phổ biến hơn trong thời gian tới.