Một kỷ lục mới thiết lập
Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), VN-Index ghi nhận một tuần giao dịch biến động mạnh, với tâm điểm là mức giảm điểm mạnh trong phiên thứ sáu (18-8), theo đó xóa sạch thành quả tăng điểm của 3 tuần liền trước.
Cũng trong phiên cuối tuần, kỷ lục mới được thiết lập, hơn 1,6 tỉ cổ phiếu được khớp lệnh trên sàn HoSE, cao nhất lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tâm lý nhà đầu tư muốn bán cổ phiếu bằng mọi giá khiến hàng loạt mã cổ phiếu giảm sàn, 240 mã giảm hết biên độ trong phiên giao dịch cuối tuần, theo VCBS.
Ngoài ra, khối lượng giao dịch trong tuần này cũng nối tiếp xu hướng tăng so với tuần trước. Đây là tuần thứ tư liên tiếp khối lượng giao dịch vượt mức trung bình kể từ đầu tháng 6 đến giờ.
Cụ thể, VN-Index ghi nhận diễn biến giao dịch lình xình trong 4 phiên giao dịch đầu tuần. Xu hướng chủ đạo là dao động trong vùng 1.220 - 1.240 điểm. Tuy nhiên, đáng chú ý là biên độ dao động trong phiên có xu hướng được mở rộng hơn so với giai đoạn trước.
Phiên kết tuần, áp lực bán chủ động gia tăng mạnh, khởi đầu từ nhóm cổ phiếu bất động sản có vốn hóa lớn, sau đó lan rộng ra trên bình diện toàn thị trường và kết thúc phiên với 158 mã giảm sàn trên HoSE.
Mặc dù khối ngoại mua ròng với giá trị khá lớn trong phiên ngày 18-8 (trên 430 tỉ đồng), nhưng tính chung cả tuần thì khối ngoại vẫn bán ròng với giá trị đạt gần 980 tỉ đồng.
Kết tuần, VN-Index đóng cửa tại 1.177.99 điểm, giảm 54,22 điểm so với tuần trước và tương đương 4,4%.
Điều gì xảy ra?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Đức Anh - giám đốc kinh tế vĩ mô và chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) - cho biết có một số lý do chính khiến nhà đầu tư ồ ạt bán ra.
Thứ nhất, thị trường vừa qua có nhiều đợt tăng mạnh, song thị trường chưa có điều chỉnh nào đáng kể. Tâm lý chốt lời ở vùng giá cao xuất hiện.
Thứ hai, thị trường chịu ảnh hưởng khi các mã vốn hóa lớn như VIC (Vingroup), VHM (Vinhomes) và VRE (Vincom Retail) đều lao dốc.
Thứ ba, thông tin các công ty chứng khoán đã cắt giảm margin trong ngày thứ 5 cũng có tác động đáng kể đến thị trường.
Ngoài ra, ông Trần Đức Anh cho biết thông tin quốc tế như thị trường bất động sản ở Trung Quốc cũng có tác động nhất định đến tâm lý thị trường. Cụ thể, China Evergrande Group - một trong những doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Trung Quốc - vừa chính thức nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ.
Thêm nữa, câu chuyện tỉ giá ở trong nước cũng có tác động đáng kể, dù bản chất chưa đáng lo ngại.
"Vụ Evergrande đã được đề cập từ trước. Còn tỉ giá trong nước dù có tăng nhưng vẫn trrong tầm kiểm soát. Còn một biên độ tăng dài nữa khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp mới đáng lo ngại", ông Đức Anh phân tích.
Do vậy, vị chuyên gia cho rằng nhịp điều chỉnh này chủ yếu vẫn là giải tỏa áp lực chốt lời. Nhà đầu tư cá nhân đua nhau bán ra, khối ngoại và tự doanh vẫn mua vào.
"Phiên giảm sâu là cơ hội mua lớn, mặc dù đi kèm với rủi ro tiếp tục giảm điểm. Tâm lý nhà đầu tư cá nhân thường hay bị FOMO (hiệu ứng tâm lý của những người sợ bỏ lỡ cơ hội - PV)", ông Đức Anh nói.
Không nên bán bằng mọi giá?
Trong ngắn hạn, ông Trần Đức Anh cho rằng thị trường phụ thuộc vào tâm lý của nhà đầu tư dưới tác động nhiều yếu tố. Còn ở trung và dài hạn, đà tăng chưa kết thúc, điểm số kết thúc 5 năm nay vẫn sẽ cao hơn năm ngoái.
"Lãi suất huy động, cho vay có xu hướng giảm. Lạm phát được kiểm soát. Dòng tiền sẽ tiếp tục chảy vào thị trường chứng khoán dưới sự hỗ trợ của xu hướng giảm lãi suất. Chưa kể, kỳ vọng doanh nghiệp niêm yết phục hồi lợi nhuận trong quý 3 và quý 4 khá cao", chuyên gia KBSV nhận định.
Về tác động áp lực tỉ giá tới thị trường chứng khoán, chuyên gia KBSV cho rằng tỉ giá đã tăng 1,1-1,2% so với đầu năm, mức này vẫn trong tầm kiểm soát. Tăng ngoài 2% mới đáng lo ngại. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại khi lạm phát trong nước đang được kiểm soát, ông Đức Anh dự báo Ngân hàng Nhà nước có thể vẫn tiếp tục nới lỏng tiền tệ.
Với các thông tin từ quốc tế, ông Trần Đức Anh cho biết những rủi ro từ những doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc hay Fed vẫn duy trì quan điểm giữ lãi suất cao sẽ tiếp tục được thị trường quan tâm.
Theo khuyến nghị của Chứng khoán Vietcombank, xu hướng hiện tại của chỉ số đang là tương đối tiêu cực, do đó nhà đầu tư nên cân nhắc hạ tỉ trọng cổ phiếu một cách dứt khoát để quản trị rủi ro.
Mặc dù vậy, nhà đầu tư nên canh những nhịp phục hồi trong phiên để giảm tỉ trọng, chứ không cần thiết phải bán bằng mọi giá.
Đồng thời vẫn có thể chú ý những cổ phiếu đang ở vùng nền giá tích lũy và giá không biến động nhiều trong thời gian vừa qua để tìm kiếm cơ hội giải ngân khi thị trường ổn định trở lại trong thời gian tới.
Nhiều nhà đầu tư tỏ ra hoảng loạn, mồ hôi vã ra như tắm khi chứng kiến thị trường chứng khoán giảm sốc tới gần 60 điểm trong ngày 18-8.