Dù đã quyết định từ bỏ vì mục đích hòa bình, "kho báu" nằm trong tay quốc gia này vẫn rất đáng gờm.
Từ ngày 22 - 24/8, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15 của khối BRICS - tập hợp các nền kinh tế đang phát triển hàng đầu thế giới gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Sandton, thành phố Johannesburg (Nam Phi).
Theo tờ Cajnews Africa, Nam Phi sẽ hạn chế vùng không phận xung quanh địa điểm tổ sự kiện nhằm tăng cường an ninh cho Hội nghị.
Cơ quan Hàng không dân dụng Nam Phi đã phát thông báo tới tất cả các phi công và hạn chế vùng không phận ở độ cao 1.524m trên mực nước biển tại địa điểm tổ chức Hội nghị BRICS. Thời gian hạn chế sẽ kéo dài từ 7h - 19h hàng ngày, từ ngày 21-24/8.
Cơ quan tình báo quốc gia Nam Phi (NATJOINTS) đã vạch ra các biện pháp an ninh và phòng trừ rủi ro để bảo vệ Hội nghị. Chủ tịch ủy ban các vấn đề ưu tiên của Nam Phi - Trung tướng Tebello Mosikili cho biết, các cơ quan thực thi pháp luật như lực lượng phòng vệ, lực lượng nội vụ và Cục cảnh sát Nam Phi sẽ được huy động để đảm bảo an ninh cho sự kiện.
Hãng thông tấn SANews cho biết, Nam Phi rất tự tin trong việc đảm bảo an toàn cho Hội nghị BRICS lần này. Một trong những yếu tố khiến quốc gia châu Phi tự tin như vậy là tiềm lực quốc phòng và an ninh rất mạnh. Bên cạnh đó, họ còn có một "kho báu" khiến nhiều phía phải dè chừng.
Sức mạnh quân sự thứ 3 khu vực
Theo tờ Business Tech, đầu tháng 1 năm nay, website Global Firepower đã công bố bảng xếp hạng sức mạnh quân sự năm 2023 của 145 quốc gia trên thế giới, trong đó dựa trên 60 tiêu chí khác nhau để xác định chỉ số sức mạnh (PowerIndex) của một quốc gia nhất định.
Đáng nói, chỉ số PowerIndex sẽ tập trung vào sự đa dạng của các loại khí tài, thay vì tổng số lượng khí tài hiện có của một nước. Cách xét duyệt này sẽ coi trọng sự cân bằng hỏa lực trong cơ cấu lực lượng, từ đó cho phép các quốc gia nhỏ hơn nhưng có trình độ công nghệ tiên tiến hơn cạnh tranh với các cường quốc lớn hơn.
Trong bảng xếp hạng này, Nam Phi đang có sức mạnh đứng thứ 33 trên toàn cầu và đứng thứ 3 trong khu vực châu Phi, sau Algeria (thứ hai) và Ai Cập (thứ nhất).
Theo Global Firepower, Nam Phi có 40.200 quân nhân tại ngũ và 12.500 quân nhân dự bị. Quốc gia này còn có 14.264.133 công dân đủ điều kiện nhập ngũ nếu phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Đáng chú ý, mặc dù lép vế hơn so với các quốc gia khác trong khu vực về lực lượng không quân và hải quân nhưng Nam Phi lại nổi bật với sức mạnh trên bộ, như có tới hơn 3.000 xe bọc thép, cùng gần 200 xe tăng.
Kho báu đủ sức làm 'rung chuyển' thế giới
Không chỉ nổi bật về sức mạnh quân sự, Nam Phi còn được biết tới với trữ lượng uranium khổng lồ. Theo ước tính, nguồn uranium tự nhiên ở Nam Phi chiếm khoảng 6-8% tổng trữ lượng của thế giới, đưa nước này vào danh sách 10 quốc gia hàng đầu về trữ lượng uranium.
Khi Thế chiến II kết thúc, Nam Phi đã trở thành nhà cung cấp nguyên liệu thô cho các chương trình hạt nhân của Mỹ và Anh. Ở thời điểm đó, khoảng 40.000 tấn uranium oxit đã được cung cấp riêng cho Mỹ.
Đáng nói, Nam Phi cũng là quốc gia duy nhất trên thế giới có khả năng tự chế tạo vũ khí hạt nhân, bởi nước này có thể khai thác lượng uranium cần thiết ngay trên lãnh thổ của mình và làm giàu tại các cơ sở trong nước. Tuy nhiên, họ đã tự nguyện từ bỏ vì mục tiêu hòa bình và ổn định khu vực.
Theo tờ Washington Post, một lượng chất nổ hạt nhân đủ để cung cấp nhiên liệu cho nửa tá bom từng được cất giữ tại trung tâm nghiên cứu hạt nhân gần thủ đô của Nam Phi. Song, vào năm 1989, Nam Phi đã quyết định từ bỏ, tất cả 6 quả bom và đạn dược hạt nhân đang trong giai đoạn lắp ráp đã được thu lại và xử lý.
Ngày 19/8/1994, phái bộ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) xác nhận việc tiêu hủy vũ khí hạt nhân tại Nam Phi đã hoàn tất. IAEA đánh giá cao quyết định chuyển đổi chương trình hạt nhân của Nam Phi sang mục đích hòa bình.
Việc từ bỏ vũ khí hạt nhân của Nam Phi cũng tạo thuận lợi cho quá trình khôi phục ổn định khu vực, đồng thời giúp cải thiện và tăng cường quan hệ đối tác của Nam Phi với cộng đồng quốc tế.