"ĐẶC QUYỀN" CỦA VIỆT Á
Cuối năm 2019, dịch Covid-19 xuất hiện tại Trung Quốc rồi lan rộng ra nhiều nước trên thế giới. Đứng trước nguy cơ dịch tràn vào VN, một nhiệm vụ quan trọng được đặt ra, đó là phải chủ động nghiên cứu chế tạo sinh phẩm phục vụ phòng chống dịch.
Tháng 1.2020, Học viện Quân y đề xuất Bộ KH-CN giao cho đơn vị này phát triển bộ kit test Covid-19. Do có quan hệ thân thiết với ông Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Công ty Việt Á), ông Trịnh Thanh Hùng (Phó vụ trưởng Vụ KH-CN các ngành kinh tế, kỹ thuật - Bộ KH-CN) đã gọi điện cho ông Hồ Anh Sơn (Phó giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân y), đề nghị đưa Công ty Việt Á tham gia phối hợp nghiên cứu, và được ông Sơn đồng ý.
Khoảng 1 tháng sau, Bộ trưởng KH-CN Chu Ngọc Anh ký quyết định phê duyệt nhiệm vụ nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm phát hiện chủng Covid-19, giao trực tiếp Học viện Quân y chủ trì và Công ty Việt Á phối hợp. Đề tài do ông Hồ Anh Sơn làm chủ nhiệm, kinh phí thực hiện gần 19 tỉ đồng, trích từ ngân sách.
Theo phân công, Học viện Quân y chịu trách nhiệm nghiên cứu, xây dựng quy trình test xét nghiệm; Công ty Việt Á sẽ tiếp nhận quy trình này để tối ưu, hoàn thiện và sản xuất thử nghiệm 200.000 kit test, rồi bàn giao quy trình hoàn chỉnh cho Học viện Quân y nghiệm thu, bàn giao kết quả cho Bộ KH-CN. Bộ KH-CN là đại diện chủ sở hữu đối với kết quả nghiên cứu.
Tuy nhiên, sau khi hoàn thiện quy trình và sản xuất thành công kit test xét nghiệm giai đoạn 1, ông Phan Quốc Việt đặt vấn đề muốn lập hồ sơ xin cấp số đăng ký lưu hành, được sự nhất trí từ ông Trịnh Thanh Hùng và ông Hồ Anh Sơn.
Trên thực tế, pháp luật không quy định về nghiệm thu giai đoạn mà chỉ quy định nghiệm thu khi kết thúc đề tài, nhưng tháng 3.2020, Bộ KH-CN vẫn thành lập hội đồng đánh giá, nghiệm thu kết quả giai đoạn 1. Đây là tiền đề để Công ty Việt Á lập hồ sơ đề nghị Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành đối với bộ sản phẩm kit test Covid-19.
Cơ quan tố tụng xác định, test xét nghiệm là kết quả nghiên cứu đề tài thuộc quyền sở hữu của Bộ KH-CN, nhưng cuối cùng Công ty Việt Á lại là đơn vị quản lý, sử dụng. Bộ KH-CN đã buông lỏng trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước.
Chưa dừng lại, Bộ KH-CN còn tặng bằng khen, đề nghị Thủ tướng khen thưởng Công ty Việt Á và ông Phan Quốc Việt về thành tích nghiên cứu, chế tạo thành công kit test; đăng tải trên cổng thông tin điện tử về việc sản phẩm kit test Việt Á được WHO chứng nhận (không đúng sự thật)…, góp phần đánh bóng hình ảnh, thương hiệu kit test và Công ty Việt Á.
Chịu trách nhiệm cho những sai phạm trên, 3 cá nhân tại Bộ KH-CN bị đề nghị truy tố, gồm: cựu Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, cựu Thứ trưởng Phạm Công Tạc và cựu Vụ trưởng Trịnh Thanh Hùng. Quá trình điều tra, cơ quan công an còn phát hiện ông Phan Quốc Việt chi tiền "cảm ơn" cho ông Chu Ngọc Anh 200.000 USD, ông Tạc 50.000 USD, ông Hùng 350.000 USD.
HIỆP THƯƠNG MỨC GIÁ "TRÊN TRỜI"
Sai phạm của các cá nhân tại Bộ KH-CN đã tiếp tay cho Công ty Việt Á "hô biến" kết quả nghiên cứu đề tài kit test Covid-19 từ của công thành "của ông". Tuy nhiên, để công ty này được cấp số đăng ký lưu hành rồi sản xuất, phân phối sản phẩm trên khắp cả nước, mấu chốt là sự hậu thuẫn đến từ một số cá nhân khác tại Bộ Y tế.
Kết luận điều tra cho biết, hồ sơ mà Công ty Việt Á gửi sang Bộ Y tế để xin cấp số đăng ký lưu hành đối với sản phẩm kit test Covid-19 không đạt yêu cầu, không có tài liệu thể hiện Bộ KH-CN giao quyền sử dụng kết quả nghiên cứu. Tuy vậy, dưới sự tác động của cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế vẫn lần lượt cấp số đăng ký lưu hành tạm thời rồi chính thức cho Công ty Việt Á.
Vẫn theo kết luận điều tra, giá thành sản xuất kit test của Công ty Việt Á tối đa chỉ hơn 143.000 đồng/kit test, đã bao gồm 5% lợi nhuận và tất cả chi phí. Nhưng với mục đích hưởng lợi nhuận cao và có tiền "bôi trơn" cho các cơ sở y tế mua kit test, Công ty Việt Á đã nâng khống giá trị đầu vào nguyên liệu, với mức giá 470.000 đồng/kit test. Giá này được Bộ Y tế chấp nhận "tạm thời" mà không hề yêu cầu công ty giải trình về chi phí cấu thành.
Điều đáng nói, quá trình hiệp thương, từ tháng 3 - 8.2020, Bộ Tài chính rồi Thủ tướng nhiều lần có ý kiến, chỉ đạo Bộ Y tế kiểm tra để "chốt" mức giá chính thức, nhưng Bộ Y tế không thực hiện ngay mà gần 3 tháng sau mới thành lập đoàn kiểm tra.
Khi kiểm tra, phát hiện nguyên vật liệu thực tế sử dụng sản xuất kit test không giống với hồ sơ đăng ký lưu hành, một số thành viên đoàn kiểm tra đã đề nghị rút số đăng ký lưu hành của Công ty Việt Á. Cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long được báo cáo về sai phạm này, nhưng cố ý không chỉ đạo xử lý, rút số đăng ký lưu hành đối với Công ty Việt Á.
Tính đến thời điểm sai phạm bị phát hiện, cuộc kiểm tra về hiệp thương giá vẫn chưa hoàn thành, chưa ban hành kết luận. Thậm chí, Bộ Y tế còn công khai mức giá kit test của Công ty Việt Á trên cổng thông tin điện tử, dẫn tới Công ty Việt Á sử dụng mức giá "tạm thời" 470.000 đồng/kit test (bị nâng khống) làm mặt bằng giá bán cho các đơn vị, cơ sở y tế.
Chuỗi hành vi trên giúp Công ty Việt Á sản xuất hơn 8,7 triệu kit test; bán, tặng, ứng trước hơn 8,3 triệu kit test cho các đơn vị, cơ sở y tế trên khắp cả nước; được thanh toán gần 6 triệu kit test với tổng giá trị hơn 2.257 tỉ đồng; qua đó thu lợi bất chính hơn 1.235 tỉ đồng.
Chịu trách nhiệm với những sai phạm xảy ra tại Bộ Y tế, 4 cá nhân bị đề nghị truy tố, gồm: cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long; Nguyễn Huỳnh, cựu thư ký của ông Long; cựu Vụ trưởng Trang thiết bị và công trình y tế Nguyễn Minh Tuấn; cựu Vụ trưởng Kế hoạch tài chính Nguyễn Nam Liên. Đặc biệt, cơ quan công an xác định, ông Phan Quốc Việt đã hối lộ cho ông Long 2,25 triệu USD, ông Huỳnh 4 tỉ đồng, ông Tuấn 300.000 USD, ông Liên 100.000 USD.
NHIỀU LÃNH ĐẠO, CỰU LÃNH ĐẠO CÓ LIÊN QUAN
Tại Bộ KH-CN, ngoài các bị can bị đề nghị truy tố, cơ quan điều tra xác định một số cá nhân khác cũng có trách nhiệm liên quan đến việc quản lý đề tài nghiên cứu kit test, khen thưởng và thông tin tuyên truyền; ví dụ như Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt và nguyên Thứ trưởng Trần Văn Tùng. Tuy nhiên, hành vi của những người này chưa đến mức xem xét trách nhiệm hình sự nên cơ quan điều tra sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý về mặt Đảng, chính quyền.
Tương tự, tại Bộ Y tế, ngoài các bị can đã nêu, cơ quan điều tra xác định cựu Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn là người ký quyết định cấp số đăng ký lưu hành cho Công ty Việt Á. Hành vi này có dấu hiệu của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; nhưng vì ông Sơn chỉ ký theo phân công, không thông đồng hay thỏa thuận để làm lợi cho Công ty Việt Á, cũng không hưởng lợi gì, nên được miễn trách nhiệm hình sự.
Hay như cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường. Sau khi Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế kiểm tra giá hiệp thương kit test, ông Cường ký văn bản kiến nghị, đùn đẩy trách nhiệm cho Bộ Tài chính, phải đến khi Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo thì ông Cường mới ký quyết định thành lập đoàn kiểm tra. Ông Cường còn có dấu hiệu né tránh, đùn đẩy trách nhiệm cho cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long trong kiểm tra, chỉ đạo kết luận kiểm tra giá hiệp thương… Dù vậy, ông Cường không thông đồng hay thỏa thuận để làm lợi cho Công ty Việt Á, cũng không hưởng lợi gì, nên không bị xem xét trách nhiệm hình sự.
Sau khi được cấp số đăng ký lưu hành và hiệp thương giá không đúng quy định, ông Phan Quốc Việt còn sử dụng hàng loạt chiêu trò vi phạm đấu thầu, để có thể "vươn vòi", phân phối kit test đến các đơn vị, cơ sở y tế.
Cơ quan điều tra xác định, ngoài Công ty Việt Á, ông Việt còn thành lập và điều hành hệ thống 15 công ty và cửa hàng Âu Lạc. Trong đó, ông Việt sử dụng 7 pháp nhân làm "quân xanh", cung cấp báo giá khi hợp thức hồ sơ các gói thầu kit test Covid-19; đồng thời sử dụng tài khoản cửa hàng Âu Lạc để chuyển tiền phần trăm ngoài hợp đồng.