Kết luận điều tra vụ Công ty Việt Á nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19, ngoài truy tố 2 cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh và 36 bị can, Cơ quan điều tra (C03) cũng đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho một số cựu lãnh đạo có dấu hiệu phạm tội nhưng không vì động cơ vụ lợi.
Việt Á chưa đủ điều kiện vẫn được thứ trưởng ký cấp số đăng ký lưu hành kit xét nghiệm
Theo kết luận điều tra, ông Nguyễn Trường Sơn, khi đương chức thứ trưởng Bộ Y tế, biết kit xét nghiệm là sản phẩm thuộc đề tài nghiên cứu do Bộ Khoa học và Công nghệ giao Học viện Quân y chủ trì. Do đó đề tài này là tài sản thuộc sở hữu Nhà nước.
Ông Sơn cũng bị cho rằng biết các hồ sơ, tài liệu do Công ty Việt Á cung cấp không đầy đủ theo quy định về quản lý trang thiết bị y tế.
Tuy nhiên, từ tham mưu của vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, ông Nguyễn Trường Sơn vẫn ký quyết định cấp số đăng ký lưu hành tạm thời cho Công ty Việt Á.
Sau đó mặc dù kit xét nghiệm vẫn thuộc quyền sở hữu của Bộ Khoa học và Công nghệ, bộ này chưa có quyết định giao quyền sở hữu cho Việt Á nhưng ông Sơn vẫn ký quyết định cấp số đăng ký lưu hành chính thức cho Việt Á.
Từ đó Việt Á đã sản xuất, kinh doanh, thu lợi trái phép, gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân.
Khai với cơ quan điều tra, ông Sơn thừa nhận Công ty Việt Á chưa đủ điều kiện để được cấp số đăng ký lưu hành nhưng vẫn ký cấp số đăng ký tạm thời vì mong muốn kịp thời có kit xét nghiệm để phòng, chống dịch và do nhận thức pháp luật hạn chế.
Về việc ký quyết định cấp số đăng ký lưu hành chính thức cho Việt Á, ông Sơn cho rằng do hội đồng tư vấn đề xuất và Vụ Trang thiết bị và công trình báo cáo đủ điều kiện.
Dù biết một số điều kiện để cấp số lưu hành chính thức chưa được đảm bảo nhưng do tình hình dịch phức tạp, khẩn cấp và Chính phủ chỉ đạo khẩn trương có sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch nên ông vẫn ký.
Không vụ lợi nên không bị khởi tố
Làm việc với cơ quan điều tra, nguyên thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khẳng định không được hưởng lợi từ Phan Quốc Việt hoặc Công ty Việt Á, không có động cơ cá nhân khi ký các quyết định liên quan doanh nghiệp này.
Theo cơ quan điều tra, hành vi của ông Sơn đã giúp Công ty Việt Á sử dụng số đăng ký lưu hành chính thức để sản xuất, kinh doanh, thu lợi trái phép và gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước, có dấu hiệu tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Tuy nhiên, C03 nhận định ông Sơn không thông đồng, thỏa thuận để làm lợi cho Công ty Việt Á và không được hưởng lợi, không có động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân.
Ông Sơn đã bị kỷ luật cảnh cáo về Đảng theo quyết định của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, kỷ luật cảnh cáo về chính quyền theo quyết định của Thủ tướng.
Do vậy căn cứ các quy định pháp luật và Nghị quyết 03 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, C03 miễn trách nhiệm hình sự cho ông Sơn, không khởi tố điều tra, không đề nghị truy tố.
Cũng theo kết luận, ông Trương Quốc Cường, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, là người phụ trách điều hành, chỉ đạo đơn vị đầu mối cấp số đăng ký sinh phẩm chẩn đoán của bộ. Tuy nhiên Bộ Y tế lại phân công ông Nguyễn Trường Sơn ký quyết định cấp số đăng ký lưu hành kit xét nghiệm của Việt Á.
Ông Cường bị đánh giá là có dấu hiệu né tránh, đùn đẩy trách nhiệm cho ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra, chỉ đạo kết luận kiểm tra giá hiệp thương, sau đó dẫn đến việc Công ty Việt Á nâng giá kit xét nghiệm.
Tuy nhiên C03 xác định ông Cường không thông đồng, thỏa thuận để làm lợi cho ông Phan Quốc Việt và Việt Á, không được hưởng lợi, không có động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác.
Theo kết luận, sai phạm trong việc kiểm tra giá trách nhiệm chính thuộc về cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long. Việc không có kết quả kiểm tra giá hiệp thương là chủ đích của ông Long và lãnh đạo Vụ Kế hoạch và tài chính, do đó cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm hình sự với ông Cường.
Cơ quan điều tra cho rằng trách nhiệm của bộ trưởng, nguyên thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cùng một số cán bộ liên quan vụ Việt Á chưa đến mức xử lý hình sự, nhưng sẽ kiến nghị xử lý về mặt Đảng và chính quyền.