Đáng chú ý trong danh sách biển số được đưa ra đấu giá, xuất hiện hai biển số ngũ quý tại Hà Nội và TP.HCM là 30K-555.55 và 51K-888.88. Ngoài ra danh sách đấu giá còn có biển số tiến của Hà Nội là 30K-567.89.
Các biển số còn lại trong phiên đấu giá đầu tiên là: 98A-666.66 (Bắc Giang), 19A-555.55 (Phú Thọ), 36A-999.99 (Thanh Hóa), 43A-799.999 (Đà Nẵng), 47A-599.99 (Đắk Lắk), 65A-399.99 (Cần Thơ), 99A-666.66 (Bắc Ninh) và 15K-188.88 (Hải Phòng).
Không giới hạn số bước giá mỗi lần trả giá
Cá nhân hoặc tổ chức có nhu cầu tham gia đấu giá cần truy cập trang web dgbs.vpa.com.vn để đăng ký tài khoản và lựa chọn biển số theo ý muốn. Sau khi đăng ký tài khoản thành công, khách hàng có thể tìm kiếm biển số muốn đấu giá theo tỉnh, thành phố, loại xe và số biển cụ thể.
Trước khi đăng ký tham gia đấu giá, một biển số sẽ xuất hiện mã QR để người đấu giá nộp tiền hồ sơ 100.000 đồng và tiền đặt trước là 40 triệu đồng.
Khi bắt đầu vào phiên đấu, người tham gia sẽ được trả giá theo mỗi bước giá là 5 triệu đồng. Số bước giá của mỗi lần trả không bị giới hạn.
Sau khi nộp tiền thành công, người có nhu cầu đấu giá sẽ chờ đến thời gian đấu giá biển số mình đã chọn để tham gia. Mỗi biển số sẽ được đấu giá trong phiên kéo dài 60 phút.
Cục Cảnh sát giao thông cho hay người dân không bị giới hạn số biển tham gia đấu giá. Đồng thời, họ có thể tham gia đấu giá biển số của toàn bộ tỉnh, thành mà không bị giới hạn bởi hộ khẩu thường trú hoặc nơi đặt trụ sở cơ quan.
Ví dụ người dân ở TP. HCM có thể đấu giá biển số xe ở Hà Nội. Khi trúng đấu giá, người dân chỉ cần mang xe đến TP.HCM là có thể đăng ký hoặc cũng có thể đăng ký xe ở Hà Nội.
Phiên đấu giá sẽ kéo dài trong 60 phút. Người trả giá cao nhất sẽ trúng đấu giá biển số đó.
Người chưa có ô tô vẫn được tham gia đấu giá nhưng trong vòng 12 tháng, họ phải đăng ký gắn biển số với phương tiện. Trong trường hợp bất khả kháng thì được gia hạn không quá 6 tháng. Sau thời hạn này, biển sẽ được chuyển vào kho và người trúng đấu giá không được hoàn trả tiền đã nộp.
Có dấu hiệu bất thường phiên đấu giá sẽ bị dừng
Theo Bộ Công an, phiên đấu giá biển số ôtô đầu tiên sẽ được tiến hành từ ngày 22-8. Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam là đơn vị thực hiện phiên đấu giá. Các lực lượng thuộc Bộ Công an như cảnh sát giao thông, an ninh mạng sẽ giám sát toàn bộ quá trình này.
Trong trường hợp phát hiện dấu hiệu bất thường, phiên đấu giá sẽ được yêu cầu dừng để xác minh.
Theo quy định, người tham gia đấu giá là tổ chức, cá nhân người Việt Nam, có tài khoản đăng ký đấu giá, mã số định danh cùng các thông tin cá nhân khác.
Người đã có hoặc chưa có ôtô đều được tham gia đấu giá. Người đấu giá có thể nhờ người khác thao tác thay bằng tài khoản của mình nhưng phải đảm bảo đúng thông tin.
Tuy nhiên người tham gia phải đặt tiền trước là 40 triệu đồng để hạn chế tình trạng đăng ký ảo, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc đấu giá.
Cục Cảnh sát giao thông khuyến cáo người tham gia đấu giá có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu hợp lệ, chính xác và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin.
Người không trúng đấu giá được hoàn lại tiền cọc
Theo quy định hiện hành, trường hợp duy nhất được bán xe kèm theo biển số là xe gắn biển số trúng đấu giá.
Người nhận chuyển quyền sở hữu xe kèm theo biển số trúng đấu giá không được chuyển quyền sở hữu xe kèm theo biển trúng đấu giá cho người khác.
Cục Cảnh sát giao thông cũng cho hay người tham gia nhưng không trúng đấu giá sẽ được trả lại tiền đặt trước trong 3 ngày làm việc, từ khi kết thúc cuộc đấu giá trực tuyến.
Người dân còn có quyền từ chối tham gia cuộc đấu giá và được nhận lại tiền đặt trước nếu có thay đổi về giá khởi điểm, số lượng, chất lượng tài sản đã niêm yết, thông báo công khai.
Việc từ chối tham gia đấu giá được thể hiện bằng văn bản và gửi qua email dgbs@vpa.com.vn hoặc chuyển phát trực tiếp về Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam trước 3 ngày tổ chức cuộc đấu giá.
Trong phiên đấu giá biển số đầu tiên vào ngày 22-8, sẽ có 11 biển số nằm trong dải số của Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bắc Giang… được đưa lên sàn đấu giá.