Robot "ảo" akaBot đang được nhiều nơi trên thế giới dùng, có khả năng mô phỏng thao tác của con người, giúp thực hiện các tác vụ lặp đi lặp lại số lượng lớn với độ chính xác cao, tăng 80% năng suất, tiết kiệm 60% chi phí và 80% thời gian vận hành.
Những start-up ôm hoài bão ra biển lớn
Tại ngân hàng H. có ngày tiếp nhận 500 yêu cầu khởi tạo khoản vay. Nhân viên ngân hàng phải tiếp nhận, xử lý, nhập liệu... Cần 13 nhân sự để thực hiện quy trình, nhưng khi chọn akaBot, lượng nhân sự này đã được thay thế hoàn toàn bằng tự động hóa, thời gian vận hành quy trình từ 15 phút còn 5 phút.
Ông Bùi Đình Giáp - nhà sáng lập, CEO akaBot - cho biết ngay từ khi mới ra đời, giải pháp tự động hóa quy trình nghiệp vụ này đã định vị mục tiêu xuất khẩu và đặt kỳ vọng đứng "top" trong lĩnh vực tự động hóa toàn cầu.
Ông Giáp tiết lộ chiến lược: tìm những khách lớn nhất ở thị trường phát triển nhất. Làm được sẽ mở đường tới những khách hàng tiếp theo và tạo thương hiệu. Nếu bán được cho thị trường khó như Mỹ thì sẽ chẳng còn thấy "ngại" ở đâu nữa.
Ra biển lớn sẽ gặp sóng lớn. "Vấn đề đầu tiên và rất lớn với chúng tôi là thương hiệu", CEO akaBot nói và tiết lộ hồi đầu từng bị hơn 30 doanh nghiệp từ chối. "Không còn cách nào khác, cần nâng cao thương hiệu của mình bằng cách xuất hiện trong các bảng đánh giá, xếp hạng toàn cầu", ông Giáp nói và đưa ra kết quả: nỗ lực từ 2021, từ một nền tảng từng bị 30 khách hàng từ chối, akaBot nay đã lọt top 5 nền tảng RPA toàn cầu theo đánh giá G2, top 20 nền tảng RPA hàng đầu thế giới bởi Gartner.
Cứ như vậy, một ứng dụng gốc Việt đã viết nên câu chuyện thành công khi đứng cùng bảng xếp hạng với những cái tên quốc tế nổi tiếng trong lĩnh vực tự động hóa như UiPath RPA Platform, JIFFY.ai...
Việc chăm sóc, hỗ trợ hậu bán hàng là yếu tố rất quan trọng làm nên thương hiệu. "Nhiều khách hàng lo vòng đời sản phẩm công nghệ rất ngắn", ông Giáp nói. Để tạo tâm lý an tâm hơn cho khách hàng, akaBot tập trung nâng cấp các tính năng, liên tục bổ sung các công nghệ mới, kéo dài vòng đời sản phẩm.
Cuối cùng là câu chuyện chi phí cạnh tranh. Giai đoạn đầu, các start-up Việt thường có lợi thế khi đưa ra giải pháp với chi phí thấp, bộ máy tinh gọn, triển khai nhanh. Nhưng khi hệ sinh thái phát triển mạnh, ngay với akaBot, giá cả tuy không còn được cạnh tranh như ngày mới đầu nhưng việc đầu tư lớn vào chất lượng sản phẩm, luôn luôn làm mới và phát triển các tính năng đã giúp họ tiếp tục đi xa, đi nhanh hơn nữa.
Không chỉ với akaBot, "go global" (đi ra thế giới) là hướng đi của nhiều start-up Việt. Với họ không chỉ là câu chuyện giá trị gia tăng mà còn là khát vọng viết tên Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới.
Ông Đỗ Quốc Trường - nhà sáng lập VAIS - nhắc lại thời điểm bùng nổ chuyển đổi số vào 2018 - 2019: "Thời điểm đó, chúng tôi thấy thị trường cần một công nghệ lõi khác biệt với tầm nhìn khác biệt về chuyển giọng nói thành văn bản ứng dụng trong phòng họp thông minh".
Thay vì chọn những nền tảng có sẵn, nhà sáng lập VAIS quyết định tìm "ngách" để bán hàng. Đó là những thị trường mà các ông lớn như Google, Microsoft... chưa nhảy vào. Hiện tại VAIS đã bắt đầu có những khách hàng đầu tiên đến từ Đức, Anh và một số thị trường ngoại khác.
Khát vọng người và robot song hành
Cả công ty chỉ gần 30 người, CEO VAIS cho hay thay vì tăng nhân sự, họ tìm cách tăng năng suất. Đây là start-up Việt hiếm hoi có lãi từ năm thứ hai.
Hướng sắp tới, ông Trường cho biết việc tương tác giữa người và máy ngày càng đòi hỏi tính tự nhiên hơn. Chỉ cần người dùng cảm nhận rõ mình đang tương tác với máy, họ đã không muốn nói chuyện thêm.
Trong khi đó, nhà sáng lập akaBot Bùi Đình Giáp cho biết giải pháp của nhóm hướng tới một viễn cảnh người và robot song hành, người lao động thoát khỏi các nghiệp vụ lặp đi lặp lại.
Thực tế tính tới năm 2023, giải pháp của akaBot đã đưa trợ lý robot ảo vào vận hành, tự động hóa nghiệp vụ hơn 3.500 doanh nghiệp tại hơn 20 quốc gia. Trong đó có hơn 500 khách hàng là doanh nghiệp nước ngoài, tập trung ở các khu vực: châu Âu, Mỹ, các nước Trung Á, châu Á - Thái Bình Dương...
Theo một số chuyên gia, rất nhiều start-up Việt đang đẩy mạnh xuất ngoại. Một số thành công mở văn phòng đại diện ở nước ngoài và đem ngoại tệ về không ít. Nếu được hỗ trợ hiệu quả, chắc chắn Việt Nam sẽ có những doanh nghiệp công nghệ tầm cỡ trong tương lai.
Bắt đầu tăng quy mô
Theo hãng nghiên cứu thị trường statista.com của Mỹ, quy mô thị trường Communication API toàn cầu có thể đạt 21,7 tỉ USD vào năm 2025. Khởi nghiệp khi thị trường này dù hấp dẫn nhưng lại đang được "bao sân" bởi các ông lớn như Twilio, Vonage, 8x8..., Stringee cho rằng chỉ khi tập trung vào giá trị cốt lõi thì sản phẩm mới có đủ "độ" để thu hút khách hàng, chiếm thị phần.
Nhiều start-up Việt sau thành công ban đầu đã bắt đầu tăng quy mô. Như Stringee, đi cùng chiến lược mở rộng thị trường, hãng đang đẩy mạnh mở rộng quy mô nguồn nhân lực. Đến 2023, số nhân sự của doanh nghiệp là 150 người và dự kiến tiếp tục tăng lên thời gian tới. Các nhà sáng lập Stringee cũng tin rằng với đội ngũ kỹ sư "giỏi không thua nước nào", các doanh nghiệp công nghệ số Việt hoàn toàn có thể cạnh tranh và tạo nên thương hiệu bằng các sản phẩm "make in Vietnam".
Tăng trưởng thần tốc
Năm 2017, Stringee ra mắt thị trường với nền tảng API (giao diện lập trình ứng dụng) cho phép doanh nghiệp và khách hàng giao tiếp/trao đổi thông tin như gọi điện, gọi video, live-chat trên các phần mềm sẵn có mà không cần sử dụng các ứng dụng thứ ba như Facebook Messenger, Skype hay Zalo... Gần 6 năm sau, Stringee mới mở văn phòng đại diện tại Ấn Độ, sau khi có được tệp khách hàng rất lớn nội địa.
Năm 2021, công ty này được nhắc đến rất nhiều với hình ảnh một start-up có doanh thu nhiều triệu USD chỉ với đội sales chưa đến 20 người, biên lợi nhuận cao với 90%.
Năm 2022, Stringee đã tăng trưởng thần tốc tới 200% so với 2021, đạt được điểm hòa vốn. Trong lĩnh vực "số hóa giao tiếp", công ty này có nghìn khách hàng và 70 triệu người dùng cuối, trong đó có nhiều khách hàng tại Mỹ, Nhật Bản, Đông Nam Á...
Viết nên câu chuyện thành công cho riêng mình, Stringee tiết lộ luôn kiên trì theo đuổi chiến lược kinh doanh "chỉ làm một sản phẩm/giải pháp thật tốt", "không làm lan man nhiều thứ hay nhiều lĩnh vực" - một sai lầm dễ gặp ở nhiều công ty khởi nghiệp. Toàn bộ nguồn lực đang được dồn để thực hiện khát vọng sẽ giúp rất nhiều cơ quan thay đổi cách thức làm việc: "số hóa giao tiếp".
Dữ liệu từ trang DealStreetAsia cho thấy vốn khởi nghiệp huy động tại các thị trường trọng điểm Đông Nam Á và tại Ấn Độ quý 2-2023 đều giảm so với trước.