Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, truyền đạt ý chỉ đạo của phó thủ tướng, yêu cầu bộ này làm rõ một số nội dung. Trước hết là việc làm rõ căn cứ pháp lý đối với hồ sơ trình Thủ tướng về việc chấp thuận chủ trương đầu tư hay chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án thành lập Công ty VinFast Netherlands B.V tại Hà Lan.
Làm rõ việc công ty mẹ cho công ty con vay vốn
Trước đó, ngày 28-7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có kiến nghị về việc thẩm định, chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài làm căn cứ để điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo đề xuất của công ty này.
Cụ thể, nhà đầu tư là Công ty cổ phần Vingroup Investment Việt Nam được cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài vào ngày 19-3-2021, điều chỉnh lần thứ nhất vào tháng 8-2021 cho dự án thành lập Công ty VinFast Netherlands B.V tại Hà Lan, với số vốn 26,6 triệu euro (tương đương 32 triệu USD).
Tuy nhiên, công ty này đề nghị điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, với hoạt động chính là nhập khẩu, phân phối xe ô tô, xe gắn máy và các sản phẩm có liên quan. Tổng vốn đầu tư cũng được điều chỉnh 45,2 triệu euro (tương đương 48,5 triệu USD và 1.089 tỉ đồng) nhằm góp vốn điều lệ vào VinFast Netherlands B.V (26,6 triệu USD). Vốn cho vay để thực hiện dự án 18,6 triệu euro.
Chỉ đạo của phó thủ tướng lưu ý Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần làm rõ căn cứ để xem xét việc nhà đầu tư điều chỉnh cơ cấu vốn đầu tư ra nước ngoài. Trong đó cần làm rõ căn cứ pháp lý để Công ty Vin Invest cho công ty ở nước ngoài vay và việc có cần ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề trên hay không.
Về vấn đề này, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp ý kiến của các bộ ngành liên quan đến việc góp vốn và cho vay của công ty mẹ là Vingroup Investment với dự án thành lập công ty ở Hà Lan, trên cơ sở thẩm định nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp này.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2023 của Vingroup Investment, tổng vốn chủ sở hữu là 4.887 tỉ đồng. Nguồn vốn chủ sở hữu khả dụng để đầu tư dài hạn 774 tỉ đồng. Trong khi đó, tổng nhu cầu vốn chủ sở hữu của các dự án đầu tư ra nước ngoài (gồm có Hà Lan) 591 tỉ đồng, tức nhỏ hơn nguồn vốn khả dụng.
Băn khoăn cơ chế mua hàng hóa theo phương thức trả chậm
Thêm nữa, nguồn vốn chủ sở hữu khả dụng của Tập đoàn Vingroup để đầu tư dài hạn là 26.368 tỉ đồng. Trong đó, nhu cầu vốn đầu tư trong nước 16.124 tỉ đồng, vốn cho công ty Vingroup Investment vay để đầu tư dự án ở nước ngoài 6.027 tỉ đồng (vốn đầu tư ở Hà Lan 468 tỉ đồng).
Như vậy, với tổng nhu cầu vốn cần sử dụng trong thời gian tới 22.151 tỉ đồng và với vốn chủ sở hữu khả dụng như trên, cơ quan quản lý đánh giá doanh nghiệp này đủ vốn để thực hiện đầu tư các dự án.
Theo Ngân hàng Nhà nước, quy mô khoản cho vay để lập công ty tại Hà Lan không gây tác động bất lợi đến thị trường ngoại hối và hệ thống ngân hàng trong nước nên có thể đồng ý với đề nghị cho vay ra nước ngoài của doanh nghiệp.
Cơ quan này lưu ý các bên phải đảm bảo nguyên tắc tuân thủ quy định pháp luật, tự chịu trách nhiệm toàn diện về khoản cho vay, giám sát chặt chẽ hoạt động đầu tư, quản lý ngoại hối.
Tuy nhiên, chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Lưu Quang còn lưu ý thêm một vấn đề liên quan đến việc Công ty VinFast Netherlands B.V mua hàng hóa của Công ty VinFast Việt Nam theo phương thức trả chậm, được giới hạn dư nợ không vượt quá giá trị của 1.000 xe.
Theo phó thủ tướng, việc này có thể tiềm ẩn khả năng Nhà nước không kiểm soát được dòng tiền chảy ra nước ngoài. Do đó, ông Quang đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ và đề xuất phương án xử lý đối với trường hợp này theo quy định.
Về vấn đề này, tại báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 28-7 chưa đề cập cụ thể.
VinFast đã rung chuông ra mắt trên Nasdaq Global Select Market, chính thức trở thành công ty niêm yết đại chúng có tầm vóc toàn cầu. Công ty có giá trị vốn hóa hơn 23 tỉ USD, hoạt động dưới pháp nhân VinFast Auto Ltd. (VinFast) mã giao dịch 'VFS'.