Sáng 21-8, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang cho biết khoảng 12h12 ngày 20-8, bệnh viện tiếp nhận điều trị 2 ngư dân ăn trứng cá nóc bị ngộ độc, gồm ông Trần Phương Bình (46 tuổi, ở Chợ Mới, An Giang) và ông Bùi Đình Lĩnh (41 tuổi, ở Bình San, TP Hà Tiên).
Hai bệnh nhân trên vào bệnh viện trong tình trạng tê môi lưỡi, tê tay chân, đau đầu, người mệt mỏi. Qua khai thác tiểu sử bệnh nhân và kèm theo các dấu hiệu trên, bác sĩ chẩn đoán bị ngộ độc cá nóc.
Bác sĩ CKII Huỳnh Trọng Tâm - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang - cho biết sau 1 ngày tích cực điều trị, sức khỏe hai bệnh nhân đã ổn định, phục hồi tốt. Hiện các bác sĩ vẫn đang theo dõi.
"Có 3 ngư dân ăn trứng cá nóc. Tuy nhiên, đêm 19-8, ngư dân tên H. đã tử vong trước khi đưa vào bệnh viện. Còn ông Bình và ông Lĩnh may mắn được người dân đưa vào bệnh viện kịp thời nên được cứu sống.
Dự kiến một vài ngày tới các bệnh nhân sẽ được xuất viện về nhà", bác sĩ Tâm nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Bùi Đình Lĩnh cho hay khoảng 17h chiều 19-8, ông cùng ông Bình và ông N.X.H. (quê Hà Tĩnh) đánh lưới mực cách quần đảo Nam Du khoảng 50km và bắt được con cá nóc to nên làm ăn.
"Chúng tôi ăn cá nóc hoài nhưng không sao. Con cá hôm đó có trứng, làm cá xong chúng tôi nấu canh chua. Tôi cùng anh Bình, anh H. ăn và uống ít rượu. Khoảng 4 tiếng sau anh H. tử vong. Tôi và anh Bình bị tê người, khó thở. Được bà con đưa vào bệnh viện kịp thời nên may mắn sống", ông Lĩnh nhớ lại.
Bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang khuyến cáo nếu ăn cá nóc, người làm cần phải chế biến kỹ lưỡng, bỏ hết các bộ phận cá có chứa nhiều độc tố như gan, mật hoặc trứng cá… để tránh trường hợp bị ngộ độc.
Sáng 26-1, Bệnh viện Đa khoa huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận 9 bệnh nhân ở Rạch Tràm, xã bãi Thơm bị ngộ độc khá nặng do ăn cá nóc.