Theo số liệu từ Bộ Công Thương, trong 7 tháng đầu năm 2023 đã xuất khẩu 4,83 triệu tấn, còn khoảng 2,67 triệu tấn cho xuất khẩu trong 5 tháng còn lại của năm 2023.
Sau 1 tháng kể từ thời điểm Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, hiện giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam ở mức 628 USD/tấn, gạo Thái Lan cùng loại có giá 618 USD/tấn. Giá gạo 25% tấm của Việt Nam là 618 USD/tấn, gạo cùng loại của Thái Lan có giá 561 USD/tấn. Hiện giá gạo Việt Nam xuất khẩu đang ở mức cao nhất thế giới.
Thông tin giá gạo Việt Nam đắt nhất thế giới trước tiên là tin vui, bởi lẽ, từ trước đến nay, giá gạo Việt Nam luôn thấp hơn giá gạo của Thái Lan. Tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu tăng cao sẽ đẩy giá gạo trong nước cũng tăng. Do đó, các doanh nghiệp cần xem xét, tính toán như thế nào cho hợp lý.
Tích trữ là cần thiết nhưng cần vừa đủ
Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, doanh nghiệp cần lưu ý về sự biến động về giá này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, tăng và đứng ở mức rất cao nhưng sau đó sẽ giảm xuống và trở về mức cân bằng. Mức này thường thấp hơn mức đã lập đỉnh khá nhiều.
“Các doanh nghiệp cần hết sức cẩn trọng, nếu không tỉnh táo “đu đỉnh” sẽ dẫn đến “già néo đứt giây””, ông Thịnh nói.
Trong nhiều chỉ đạo liên quan đến vấn đề về thị trường gạo, mục tiêu Bộ Công Thương đưa xuyên suốt là làm sao vừa tận dụng cơ hội thị trường nhưng vẫn đảm bảo vấn đề an ninh lương thực. Ông Thịnh đánh giá đây là vấn đề đúng và trúng, bởi “an ninh lương thực là vấn đề sống còn của nền kinh tế”.
Do đó, không thể để chuỗi cung ứng bị đứt gãy, người dân thiếu lương thực hoặc phụ thuộc vào nguồn lương thực nhập khẩu. Để có được an ninh lương thực thì điều đầu tiên chúng ta cần là phải có tích trữ phù hợp.
“Tuy nhiên, tích trữ là cần thiết nhưng cần vừa đủ. Cần tính toán cẩn trọng, nếu không, khi mùa vụ mới đến, thị trường gạo trở về trạng thái bình thường, gạo tồn trong kho không bán được giá cao sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp và cho ngành gạo”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận.
Cũng trao đổi về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, trong 7 tháng qua, Việt Nam xuất khẩu hơn 4,83 triệu tấn lúa gạo, trị giá hơn 2 tỷ USD. So với những năm trước, con số này tăng khoảng 15-20%, tăng về cả giá trị lẫn sản lượng xuất khẩu. Tiếp đến, lúa gạo tăng giá, người nông dân cũng vui mừng.
Không chỉ người dân mà doanh nghiệp cũng mừng bởi doanh thu, lợi nhuận từ xuất khẩu lúa gạo tăng cao. Song ông Phú cho rằng, cái mừng lớn nhất là tuy thị trường lúa gạo thế giới biến động lớn nhưng thị trường tiêu dùng nội địa vẫn được duy trì ổn định.
“Có thể thấy, đây là một tín hiệu tích cực góp phần thúc đẩy nền kinh tế của chúng ta từ nay đến cuối năm, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn này”, ông Phú nhìn nhận.
Niềm vui là có, song vị chuyên gia cho rằng, nỗi lo cũng cần được chú trong. Qua theo dõi thông tin, ông Phú đánh giá trên thị trường bắt đầu có hiện tượng thu mua gom lúa gạo để đầu cơ, chờ giá trục lợi. “Đây là hành vi lợi dụng thị trường để đẩy cao giá lúa gạo một cách vô lý”, ông nói.
Mặt hàng lúa gạo vốn chiếm phần lớn trong “rổ” tính giá CPI. Chính vì vậy, làm sao phải kiểm soát tốt, không để giá gạo tăng đột biến, gây ảnh hưởng, xáo trộn đời sống người dân. Gạo là mặt hàng thiết yếu, nếu bị tăng giá đột ngột sẽ làm nhiều mặt hàng khác tăng theo như bún, phở, các loại dịch vụ.
“Xưa nay, các loại hình dịch vụ vốn được cho là lên nhanh nhất nhưng gần như không bao giờ xuống. Với cái lo này, thì Chính phủ cho tới Bộ, ban, ngành cùng với doanh nghiệp, người dân phải tính tới và chung tay kiểm soát”, ông Phú nói.
Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương đã liên tục đưa ra khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải làm sao vừa tận dụng được cơ hội xuất khẩu gạo, vừa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Mới đây nhất, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 07 với những giải pháp dài hơi, trong đó nhấn mạnh lại vấn đề này. Ông Phú đánh giá đây là biện pháp kịp thời của bộ quản lý Nhà nước về xuất nhập khẩu. Bởi nếu cứ chạy theo giá gạo tăng sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
“Những biến động lớn nhất sẽ tác động đến những nước xuất khẩu gạo lớn như Ấn Độ. Điều quan trọng đối với chúng ta hiện nay là làm sao không để đứt, bám sát thị trường, làm ăn tử tế, trách nhiệm. Nói rõ hơn, là chúng ta đừng quá đặt lợi ích ngắn hạn mà phải tìm cách giữ được bạn hàng. Giả thiết đặt ra, nếu như Ấn Độ bỏ lệnh cấm xuất khẩu lúa gạo, đôi khi ta lại trượt chân trên chính sân nhà”, chuyên gia Vũ Vinh Phú nêu quan điểm.
Chiến lược dài hơi cho xuất khẩu gạo
Bộ Công Thương cho rằng, mặc dù sản lượng gạo đủ để bảo đảm an ninh lương thực nội địa và dư để xuất khẩu nhưng không vì vậy mà chủ quan.
Trên thực tế, thời gian qua, trước bối cảnh diễn biến khó lường của thị trường thương mại gạo toàn cầu, đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp nhằm góp phần tiêu thụ thóc, gạo; bảo đảm cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; góp phần bình ổn giá thóc, gạo trong nước; bảo đảm mục tiêu an ninh lương thực quốc gia.
Cơ quan này đã có văn bản đề nghị UBND các địa phương chỉ đạo Sở Công Thương đôn đốc các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn có phương án về nguồn hàng thóc, gạo để bảo đảm cung ứng cho thị trường từ nay đến cuối năm.
Đồng thời, chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn duy trì lượng thóc, gạo dự trữ bình ổn thị trường theo quy định để sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi cần thiết.
Để bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường thương mại gạo thế giới, động thái của các nước sản xuất, xuất khẩu lớn và kịp thời thông tin tới các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để chủ động, điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo, bảo đảm phù hợp, hiệu quả.
Song song với đó là phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khai tác tốt cơ chế ưu đãi của các FTA mà nước ta là thành viên để chủ động đàm phán với các đối tác nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, chiếm lĩnh các thị trường mới, tiềm năng và nâng cao tính cạnh tranh cho ngành hàng gạo Việt Nam....
Đặc biệt là, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết hợp linh hoạt, hiệu quả giữa các hình thức thương mại truyền thống và trực tuyến nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác về thương mại gạo với các thị trường truyền thống (như Philippines, Indonesia, khu vực châu Phi, Trung Quốc) và khai thác các thị trường ngách với chủng loại gạo thơm, gạo chất lượng cao mà ta đã thâm nhập được trong các năm vừa qua (như EU, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, khu vực Bắc Mỹ…).