Ngày 21.8, Sở TN-MT có văn bản báo cáo UBND TP.HCM về hợp đồng cung ứng dịch vụ xử lý nước rỉ rác phát sinh từ các bãi chôn lấp đã ngưng tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.
Cụ thể, nhà máy xử lý nước rỉ rác phát sinh tại bãi chôn lấp số 2, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc có công suất 800 m3/ngày đêm. Nhà máy tại bãi chôn lấp số 1, 1A thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc có công suất 800 m3/ngày đêm, còn nhà máy tại bãi chôn lấp Đông Thạnh có công suất 500 m3/ngày đêm. Riêng nhà máy xử lý nước rỉ rác tại bãi chôn lấp Gò Cát vẫn giữ nguyên hệ thống xử lý hiện hữu với tiêu chuẩn xả thải loại B.
Hai nhà máy tại bãi chôn lấp số 2 và Gò Cát do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM vận hành, còn các nhà máy còn lại do Công ty Quốc Việt vận hành. Tuy nhiên, hợp đồng giữa Sở TN-MT với 2 doanh nghiệp trên có thời hạn từ đầu năm 2021 đến hết tháng 6.2023. Kể từ ngày 1.7 trở đi, TP.HCM chưa ký hợp đồng đặt hàng mới nên các nhà máy xử lý nước rỉ rác phải tạm ngưng xả thải. Thay vào đó, 2 công ty phải thường xuyên vận hành bơm tuần hoàn lượng nước rỉ rác qua lại giữa các hồ chứa nhằm nuôi dưỡng vi sinh và duy trì tình trạng hoạt động của trang thiết bị.
Sở TN-MT lo ngại TP.HCM đang vào mùa mưa, các bãi chôn lấp chưa phủ đỉnh nên phát sinh lượng nước rỉ rác tương đối lớn chảy về hồ lưu chứa tạm thời. Chưa kể, nhà máy cũng phải tiếp nhận lượng nước rỉ rác hằng ngày từ 4 trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt ở Bình Chánh, Q.11 và Q.Gò Vấp chuyển về. Ban Quản lý các Khu liên hợp xử lý chất thải rắn TP.HCM nhận định nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến lưu lượng hồ chứa tạm thời không thể đáp ứng, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Do vậy, Sở TN-MT đề xuất UBND TP.HCM xem xét, chấp thuận cho các đơn vị được vận hành nhà máy xử lý nước rỉ rác phát sinh từ các bãi chôn lấp đã ngừng tiếp nhận rác trong lúc chờ cơ quan chức năng cấp giấy phép môi trường. Song song đó, Sở TN-MT cũng sẽ phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng đơn giá xử lý, cơ chế đặt hàng trình UBND TP.HCM quyết định.